Showing posts with label BÌNH VÀ DỊCH THƠ. Show all posts
Showing posts with label BÌNH VÀ DỊCH THƠ. Show all posts

Friday, June 28, 2013

Cảm hoài_Đặng Dung











 
Cảm hoài

Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chúa hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo, đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma

Dịch nghĩa:
Việc đời dằng dặc mà ta đã già, biết làm thế nào?
Trời đất mênh mông đắm trong cuộc rượu hát ca.
Khi gặp thời, người làm nghề hàng thịt, kẻ câu cá cũng dễ thành công,
Lúc lỡ vận, bậc anh hùng đành phải nuốt hận nhiều.
Giúp chúa, những mong xoay trục đất lại,
Rửa vũ khí không có lối kéo tuột sông Ngân xuống.
Thù nước chưa trả được mà mái tóc đã bạc sớm,
Bao phen mang gươm báu mài dưới bóng trăng.

Dịch thơ:

1. Bản dịch của Phan Kế Bính
Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng một cuộc say.
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.
2. Bản dịch của Tản Đà
Việc đời man mác, tuổi già thôi!
Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi
Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,
Tan tành sự thế luống cay ai!
Phò vua bụng những mong xoay đất,
Gột giáp sông kia khó vạch trời.
Đầu bạc giang san thù chửa trả,
Long tuyền mấy độ bóng trăng soi.
3. Bản dịch khuyết danh
Việc lớn chưa xong tuổi đã già.
Đất trời thu gọn, tiệc ngâm nga
Gặp thời, bần tiện thành công dễ
Lỡ vận, anh hùng dạ xót xa
Giúp chúa những mong xoay trục đất
Rửa dòng không lối kéo thiên hà
Quốc thù chưa trả đầu đã bạc
Mấy độ mài gươm bóng nguyệt tà.   
4. Bản dịch của Phạm Quốc Toàn
Tuổi già sức yếu biết làm sao?
Trời đất mênh mông chén rượu đào
Được thời bần tiện nên sự nghiệp
Thất thế anh hùng phải lao đao
Đội trời khuấy nước mong phò chúa
Đạp đất rẽ sông tỏ chí cao
Thù trả chưa xong đầu bạc sớm
Mài gươm dưới nguyệt lệ tuôn trào.

                                                                                       [PUT ngày 28/6/2012]

Sunday, September 30, 2012

THỤC TƯỚNG

    [Đỗ Phủ]

1. Nguyên văn

Thừa tướng từ đường hà xứ tầm,
Cẩm quan thành ngoại bách sâm sâm.
Ánh giai bích thảo tự xuân sắc,
Cách diệp hoàng ly không hảo âm.
Tam cố tần phiền thiên hạ kế,
Lưỡng triều khai tế lão thần tâm.
Xuất sư vị tiệp thân tiên tử,
Trường sử anh hùng lệ mãn khâm.
2. Dịch nghĩa
 
Thừa tướng nước Thục
Tìm ở nơi nào thấy đền thờ của thừa tướng?
Chính là ở ngoài thành Cẩm Quan, nơi có hàng cây bách um tùm;
Cỏ xanh biếc chiếu trên thềm tự đầy vẻ xuân sắc;

Bên kia lá cây, chim oanh vàng vẫn cất tiếng hót hay ;
Lưu Huyền Ðức ba lần đến thăm làm cho ngài phải bận tâm với kế sách bình định thiên hạ;
Ngài đã có công mở nước và giúp rập hai triều, hết lòng bậc lão thần;
Ngài đem quân đi đánh Ngụy chưa thắng trận mà thân đã thác;
Việc này mãi mãi khiến cho các bậc anh hùng lệ rơi đầy vạc áo.
3. Dịch thơ

Miếu thờ thừa tướng biết tìm đâu,
Cẩm thành rừng bách phủ trước sau.
Hoàng oanh lãnh lót len trong lá,
Cỏ biếc xuân xanh phủ một màu.
Ba lần cầu kiến bàn mưu sách,
Hai triều hiểu rõ, nỗi lòng sâu.
Xuất quân chưa thắng thân đã chết,
Mãi khiến anh hùng nhỏ lệ sầu.
                                PUT
                       Ngày 30/9/2012

Tuesday, September 25, 2012

SƯ TỬ VÀ LINH DƯƠNG

1. Truyện dân gian Châu Phi:

Mỗi sáng ở châu Phi, một con linh dương thức dậy.
Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn cả con sư tử chạy nhanh nhất.
Nếu không nó sẽ bị giết.
Mỗi sáng một con sư tử thức dậy.
Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất.
Hoặc nó sẽ bị chết đói.
Điều quan trọng không phải việc bạn là sư tử hay linh dương.
Khi mặt trời mọc, bạn nên bắt đầu chạy.

2. Đề thơ:

Linh dương sáng thức dậy,
Đã ý thức từ đây,
Phải nhanh hơn sư tử,
Nếu không bị phanh thây.

Còn bản thân sư tử,
Cũng tự nhủ tâm tư,
Đã nhanh, càng nhanh nữa,
Nếu không sẽ đói lừ.

Quan trọng, không phải là:
Linh dương hay sư tử,
Mà khi mặt trời lên,
Bạn nên bắt đầu chạy.

                 [PUT sưu tầm và đề thơ]
                        Ngày 25/9/2012

Sunday, September 23, 2012

THU HỨNG

    [Đỗ Phủ]

1. Nguyên văn

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu Sơn Vu Giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Ðế thành cao cấp mộ châm.

2. Dịch nghĩa

Cảm hứng mùa thu
Sương móc làm cho rừng phong tiêu điều, xơ xác,
Khí thu dâng mù mịt giữa hai vách Vu Sơn, Vu Giáp.
Mặt sông in trời, sóng như nhảy tận lưng trời,
Trên cửa ải mây giăng sát mặt đất.
Bụi cúc nở hoa bấy nay đã hai lần làm rơi nước mắt,
Một chiếc thuyền con cột chặt chút lòng thương nhớ mảnh vườn xưa.
Nhà nhà đang dao kéo may áo, lo đỡ cái giá lạnh sắp đến,
Trên thành Bạch Ðế cao, tiếng chày giặt áo về chiều nghe hối hả.
3. Dịch thơ
3.1. Nguyễn Công Trứ:

Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt, khí thu lòa.
Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.
Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình già.
Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước,
Thành Bạch, chầy vang bóng ác tà.
3.2. Phạm Quốc Toàn:

Xơ xác rừng phong hạt móc bay,
Vu sơn hai vách phủ hơi đầy.
Đáy sông cuộn chảy, trời tung sóng,
Nơi ải xa mờ, đất rợp mây.
Khóm cúc nở tuôn dòng lệ chảy,
Thuyền con cột chặt nhớ thương đầy.
Nhà nhà giục giã may áo rét,
Bạch đế thành vang rộn tiếng chày.
                            
                                      PUT
                              Ngày 23/9/2012

Thursday, September 20, 2012

TỨ TUYỆT KHOÁI

Một buổi trưa hè oi ả ở một làng quê Việt Nam
, bốn ông đồ nho (chùm) tụ họp trà nước và tán dóc như thường lệ. Hôm nay trời nóng hơn mọi hôm! Chủ nhà, Đồ Gàn, gọi tiểu đồng ra pha thêm trà, rồi bảo 3 người bạn:

- Nói chuyện gẫu mãi cũng chán! Tôi đề nghị mình làm thơ đi!
Đồ Hàn góp ý:
- Ý này cũng hay, chúng ta bốn người tất là làm được một bài thơ Tú Tuyệt để lại cho hậu chúng!
Cử Tạ lên tiếng: "Thơ thì xong rồi, nhưng lấy gì làm đề?"
Thế là bốn ông toáng cả lên để chọn đề tài bài thơ. Sau cùng, ông Nghè Đe mới tủm tỉm:
- Hay thế bây giờ mình làm bài thơ Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt để vịnh cái khoái của đời. Mỗi người làm một câu, thế là tứ khoái!

Tất cả đồng ý. Đồ Gàn nhìn trời nóng chang chang, ruộng đất nứt nẻ, ứng khẩu đọc lên:
- Đại hạn phùng cam lộ (Trời hạn hán, gặp mưa trong).
Cử Tạ vốn là người xứ khác, một mình lạc đến vùng này, lúc nào cũng cảm thấy cô độc. Buồn cảnh đất khách quê người, ông thốt lên:
- Tha hương ngộ cố tri (Xa nhà gặp lại bạn cũ).
Mọi người quay nhìn Nghè Đe. Bây giờ Nghè ta mới giật mình vì không biết tả cái khoái gi. Nhìn quẩn nhìn quanh, chợt ông thấy hai con thạch sùng đang quấn đuôi trên trần nhà, đắc chí, Nghè Đe rung đùi rồi đọc:
- Động phòng hoa chúc dạ (Động phòng đêm tân hôn).
Tới câu chót là của Đồ Hàn. Đồ Hàn công danh lận đận, thi hỏng mãi phải quay về làng đi dạy học. Nghĩ đến đời mình, Đồ Hàn lẩm bẩm than:
- Kim bảng quải danh thì (Bảng vàng đề tên).
Thế là bốn ông Nho chùm ngồi vuốt râu và vừa đọc lại thơ, vừa khen lấy nhau...
Lúc bấy giờ, thằng tiểu đồng pha trà đi ngang, nghe lỏm thơ, cứ lắc đầu. Tinh mắt, ông Nghè mới bảo thằng tiểu đồng:
-Mày thấy bài thơ tả bốn cái khoái trên đời này không đúng sao mà cứ lắc đầu mãi?
Tiểu đồng:
- Thưa cụ, bài thơ quả có hay và tả đúng bốn cái khoái, nhưng con thấy vẫn còn chưa thật là khoái ạ!
- Thế làm sao mới thật là khoái?
- Dạ thưa cụ, con nghĩ nếu thêm vào mỗi câu hai chữ nữa thì mới thật là khoái ạ!
- A cái thằng giỏi nhỉ! Mày mà biết thơ với thúng gì... Thơ Ngũ Ngôn mà lại thêm vào hai chữ thì thành Thất Ngôn à? Các cụ nhao nhao lên mắng thằng tiểu đồng, làm thằng bé hốt hoảng nín thinh, ứa nước mắt.
Đồ Hàn lên tiếng bênh thằng tiểu đồng:
- Thôi các cụ cứ để cho nó nói hết! Mày cứ nói đi, nếu không ra gì thì chết với các cụ!
Tiểu đồng lấm la lấm lét rồi nói rằng:
- Thưa cụ, câu thứ nhất thì con nghĩ nên thêm vào "Thập niên". Nói xong nó đứng khoanh tay nhìn xuống đất.
Các cụ nhìn nhau. Thằng này cũng có lý vì nếu là mười năm hạn hán mà được mưa thì thật là càng khoái hơn nữa!
- Thế rồi câu thứ hai? Một cụ hỏi.
- Dạ con thêm vào "Lữ khách" vì xa nhà đã buồn, mà xa nhà một mình, bây giờ gặp bạn cũ thì thích lắm ạ.
Các cụ gật gật đầu, có vẻ đồng ý. Nhưng đợi mãi, không thấy thằng tiểu đồng nói gì. Sốt ruột, một cụ lên tiếng giục. Tiểu đồng đỏ mặt:
- Thưa cụ con không dám.
Đồ Gàn:
- Mày cứ nói, các cụ tha cho.
Tiểu đồng:
- Dạ con xin thêm vào câu này "Tu sĩ"!!!
Các cụ mỉm cười. Động phòng đã là thú rồi, mà lại là tu sĩ chưa bao giờ hưởng mùi vị thì chắc chắn là tuyệt.
Không đợi các cụ, tiểu đồng thêm vào:
- Còn câu cuối, con xin thêm vào "Hàn nho" vì thi đậu là thích, mà một nho sĩ nghèo, thi đậu để mang lại no ấm cho gia đình thì quả không gì bằng...
Nghe đến đây, Đồ Hàn quay đi.

Thế là bài thơ Tứ Tuyệt  Khoái trở thành:

Thập niên Đại hạn phùng cam lộ
Lữ khách Tha hương ngộ cố tri
Tu sĩ Động phòng hoa chúc dạ
Hàn nho Kim bảng quải danh thì.

Dịch thơ:

Mười năm hạn hán, gặp mưa trong
Tu sỹ khoái chí đêm động phòng
Một mình xa quê gặp bạn cũ
Nho nghèo bảng nhãn thỏa ước mong.

                                                                    [PUT sưu tầm & dịch thơ]
                                                               Ngày 20/9/2012

Thursday, September 6, 2012

CẨM SẮT

(Lý Thương Ẩn)
1. Nguyên văn phổ biến:

Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền,
Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên.
Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp,
Vọng đế  xuân tâm thác đỗ quyên.
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ,
Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên.
Thử tình khả đãi thành truy ức,
Chỉ thị đương thì dĩ võng nhiên.

Ðàn gấm, năm mươi sợi ảo huyền
Từng dây, từng trục gọi hoa niên
Trang sinh, mộng sớm mơ hồn bướm
Thục đế, lòng xuân gửi tiếng quyên
Trăng sáng, lệ châu nhòa Bích Hải
Nắng hanh, khói ngọc tỏa Lam Ðiền
Tình này ôn lại còn thương cảm
Một thuở đau lòng chữ nợ duyên.
     (bản dịch của Vương Thanh)

2. Dịch nghĩa:

- Cẩm sắt: là cây đàn sắt có chạm trổ. Đàn sắt là loại đàn lớn làm bằng gỗ cây ngô đồng. Đàn sắt và đàn cầm là hai loại đàn cổ, chữ cầm sắt thường dùng để chỉ vợ chồng hòa hợp, như đàn sắt đàn cầm hòa nhau.
- Vô đoan: do đâu, từ đâu, không có lý do.
- Ngũ thập huyền: Theo truyền thuyết, khi Tố Nữ gảy đàn sắt tế trời theo lệnh vua Phục Hy, đàn này có 50 dây. Nhưng vì tiếng đàn quá ai oán não nùng, Phục Hy cấm không cho sử dụng đàn này nữa. Sau đó, vì dân chúng vẫn không chịu tuân lệnh, Phục Hy mới cho phép dùng nửa số dây, từ đó đàn sắt chỉ có 25 dây.
- Trụ: trụ, trục.
- Tư; tứ: nghĩ, nhớ; ở đây dùng theo nghĩa “gợi nhớ”.
- Hoa niên: thanh xuân; tuổi trẻ; thời kỳ rạo rực yêu đương.
- Trang sinh: tức Trang Tử hay Trang Chu.
Câu 3 của bài thơ lấy ý tưởng trong thiên “Tề vật luận” của Trang Tử: “Ngày xưa, Trang Chu chiêm bao thấy mình hóa bướm bay nhởn nhơ, tự lấy làm thích chí, quên mình là Chu. Bất giác tỉnh giấc, thấy hình thù mình vẫn là Chu. Không biết Chu chiêm bao là bướm, hay bướm chiêm bao là Chu!”
- Vọng đế: đế hiệu của vua Đỗ Vũ nước Thục cuối đời Chu (nên còn gọi là Thục đế).
- Xuân tâm: lòng xuân, còn có nghĩa như xuân tình.
- Đỗ quyên: còn gọi là Tử qui hay Đỗ Vũ.
Theo điển tích, Đỗ Vũ là vua nước Thục. Trong một trận đại thủy tai, ông có sai bầy tôi là Miết Linh ra làm công tác khắc phục lũ lụt. Ở triều, ông vua này lại tư tình với vợ Miết Linh. Đến khi Miết Linh về, ông lại nghe lời người đàn bà này truyền ngôi  cho Miết Linh rồi đi vào rừng ẩn dật. Sau Thục đế chết hóa thành chim đỗ quyên có tiếng kêu “quốc quốc” vì  tiếc thương nhớ nước.
- Thương hải: biển xanh, còn có nghĩa là biển rộng, biển cả. Thương hải cũng có khi dùng để chỉ tên một biển hư cấu ở cõi tiên.
- Nguyệt minh: Trăng sáng.
- Nguyệt minh châu hữu lệ: Theo Văn tuyển (Lý Thiện chú thích), “khi trăng đầy, trai có ngọc (châu), khi trăng khuyết trai không có ngọc” (nguyệt mãn tức châu toàn, nguyệt khuy tức châu khuyết). Theo cuốn Biệt quốc động minh ký thời Lục Triều, ngày xưa có người lặng xuống đáy biển tìm ngọc, lạc vào cung điện của nhân ngư, tìm được bảo ngọc do nước mắt của nhân ngư đọng lại. Ngoài ra câu này còn có thể hiểu theo điển tích “thương hải di châu” (hạt ngọc bỏ rơi trong biển cả), ngụ ý là người có tài mà không có chỗ thi thố.
- Lam Điền: Tên một huyện vùng núi ở tỉnh Thiểm Tây. Nơi đây có núi Ngọc Sơn, có nhiều ngọc quí. Theo sách Sưu thần ký, đời Đường có ông Dương Bá Ung người nhân đức, hay giúp người nghèo khó. Sau có người đem cho một nắm sỏi,  bảo ông đem gieo ở núi Lam Điền về sau  sẽ có bích ngọc và ông sẽ cưới được cô gái họ Từ xinh đẹp. Ông làm theo và quả nhiên được như ý. Nhưng trong bài dịch tôi hiểu theo nghĩa là ruộng lam để đối với biển xanh.
- Nhật noãn: có thể hiểu là nắng chiếu, nắng hanh, nắng ấm...
- Ngọc sinh yên. Có 2 giả thuyết:
+ Thứ nhất: Theo Lục dị truyện, con gái Ngô Phù Sai là Tử Ngọc yêu người lính hầu là Hàn Trọng nhưng không được Ngô vương chấp thuận, mang mối bi tình xuống tuyền đài. Một sáng, khi Ngô vương đang dùng lược chải tóc, nhìn ra vườn thấy có viên ngọc lớn màu tím chiếu sáng, phu nhân nghe nói chạy ra vườn, khi vừa ôm chầm hòn ngọc thì ngọc tan thành khói biến mất.
+ Thứ hai: Người ta cho rằng tứ thơ trong câu này lấy từ ý nghĩa câu sau đây của nhà thơ Đái Thúc Lân (732- 789) thời Trung Đường: “thi gia chi cảnh như Lam Điền nhật noãn lương ngọc sinh yên, khả vọng nhi bất khả trí ư mi tiệp chi tiền giã”. Nghĩa là: Cảnh, đối với nhà thơ, tựa như viên ngọc quý bốc tan thành khói khi Lam Điền ửng nắng, chỉ có thể đứng nhìn từ xa chứ không được lại gần”.
- Thử tình: giả sử tình này.
- Khả : phải nên, đáng để, có thể ,có lẽ, hình như...
- Đãi: đợi.
- Khả đãi: có thể đợi, đáng đợi.
- Truy ức: đáng ghi nhớ.
- Chỉ thị: hay chỉ, lúc này.
- Đương thì: đang lúc ấy, đang thuở ấy.
- Võng nhiên: không biết gì cả, ngơ ngác như mất hồn, phôi pha, tàn phai.
3. Dịch thơ:

Cẩm sắt sao mà năm chục dây,
Mỗi dây mỗi trụ ý xum vầy.
Trang sinh hiểu mộng mê thành bướm,
Vọng đế tình xuân tiếng cuốc chầy.
Biển xanh trăng sáng châu nhỏ lệ,
Ruộng lam nắng chiếu ngọc toả mây.
Tình này hãy đợi sau còn nhớ,
Lúc đã tàn phai với tháng ngày.

*** Thi hào Nguyễn Du đã dịch bốn câu trên để diễn tả tiếng đàn sum họp của Thúy Kiều như sau:
3199. Khúc đâu đầm ấm dương hòa!
3200. Ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh? 
3201. Khúc đâu êm ái xuân tình!
3202. Ấy hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên? 
3203. Trong sao châu nhỏ duềnh quyên!
3204. Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!

                                             PUT
                                     Ngày 05/9/2012

Monday, August 27, 2012

TÁN QUÁN THẾ ÂM BỒ-TÁT

Nguyên văn:

Trí tuệ hoằng thâm đại biện tài,
Đoan cư ba thượng tuyệt trần ai,
Tường quang thướt phá thiên sanh bệnh
Cam lộ năng tiêu vạn kiếp tai
Thúy liễu phất khai kim thế giới,
Hồng liên dũng xuất ngọc lâu đài
Ngã kim khể thủ phần hương tán
Nguyện hướng nhân gian ứng hiện lai.

[Nam Mô Đại-bi Quán Thế Âm Bồ-Tát  (3 lần)]

Chú thích:

- Hoằng thâm: sâu rộng.
- Biện tài: có khả năng diễn tả được cái khó diễn tả.
- Tuyệt trần ai: rất tinh khiết, nhẹ nhàng, không dính bụi.
- Đoan cư ba thượng: đứng trang nghiêm và tuyệt diệu trên các đợt sóng.
- Tường quang: ánh sáng lành.
- Cam lộ: tượng trưng tình thương Bồ tát; có thể tiêu trừ tai họa muôn ngàn kiếp.
- Thúy liễu: cành dương liễu xanh biếc.
- Kim thế giới: thế giới hoàng kim, hạnh phúc.
- Hồng liên dũng xuất: khi đóa hoa sen hồng mọc lên.
- Ngọc lâu đài: lâu đài giác ngộ.
- Ngã kim khể thủ: cúi đầu
- Phần hương: đốt hương
- Nguyện hướng nhân gian ứng hiện lai: xin quay mặt về phía nhân gian mà hiển hiện pháp thân của ngài để chúng con được thấy.

Dịch thơ:

Trí tuệ bừng lên ánh biện tài.
Trang nghiêm trên sóng tuyệt trần ai.
Hào quang quét sạch bao bệnh khổ .
Cam lộ tiêu trừ mọi kiếp tai.
Liễu biếc giải bày muôn thế giới.
Sen hồng chớm nở vạn lâu đài.
Cúi đầu toàn ý dâng hương thỉnh.
Nguyện ánh từ bi ứng hiện lai.

                                 PUT
                          Ngày 27/8/2012

Tuesday, August 21, 2012

PHONG KIỀU DẠ BẠC_Trương Kế

Nguyên tác đã phổ biến:
Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,
Giang phong, ngư hoả đối sầu miên.
Cô tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Bản dịch của Tản Đà:
  Trăng tà tiếng quạ kêu sương
  Lửa chài cây bến sầu vương đất hồ
  Thuyền ai đậu bến Cô Tô
  Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn

Bây giờ xin được dịch theo từng câu chữ, chưa nói tới âm điệu và vần:
- Nguyệt lạc = trăng tàn, trăng mờ, trăng rụng đều đúng nghĩa.
- Ô đề = Ô là quạ nhưng cũng là vầng ô (mặt trời). Ở đây phải hiểu là mặt trời, kim ô. Ô đề: Mặt trời lên. Nguyên chữ: Trăng tàn dần, mặt trời đang ló dạng.
- Sương mãn thiên = Sương phủ đầy bầu trời. Toàn cảnh là một bức tranh thủy mặc thật đẹp!
- Giang phong = Nghĩa đơn giản là "gió sông" hay "dòng sông Phong".
- Ngư hỏa = Ngư là cá, hỏa là lửa. Không rõ nghĩa nên được dịch rất nhiều kiểu như Tản Đà dịch Lửa chài. Kỳ thực đúng chữ là "Cô hỏa", có nghĩa: ngọn lửa cô đơn.
- Đối = nghĩa là đối chiếu, đối với, đối mặt…
- Sầu miên = chỉ là buồn (sầu), ngủ (miên), cả danh từ hay động từ chung: buồn ngủ hay sự buồn ngủ.
- Cô Tô thành ngoại Hàn San tự chỉ là "Ở ngoại thành cô Tô có chùa Hàn Sơn".
- Bán dạ = nửa đêm
- Chung thanh = Tiếng chuông
- Đáo khách thuyền = khách (người) trở về thuyền.
Đây là một trong những bài thơ mà mình rất thích.

                                                                   PUT
                                                          Ngày 21/8/2012

Saturday, August 18, 2012

NGHE HÁT

Phách ngọt đàn say nệm khói êm.
Tiếng ta buồn nổi giữa chừng đêm.
"Canh khuya đưa khách..." Lời gieo ngọc
Mơ gái Tầm Dương thoảng áo xiêm.
Ai lạ nghìn thu, xa tám cõi,
Sen vàng như động phía châu liêm.
Nao nao khói biếc hài thương nữ;
Trở gối hoa lê rụng trắng thềm.
                                Vũ Hoàng Chương

Bình thơ:
1- Tiêu đề của bài thơ "Nghe Hát": là khi tác giả tham gia một buổi hát nói (hát ca trù).
2- "Phách ngọt đàn say nệm khói êm. Tiếng ta buồn nổi giữa chừng đêm.": nói lên tâm trạng của nhà thơ khi tham gia một buổi hát nói.
3- "Canh khuya đưa khách..." Trích trong câu đầu tiên của bài Tỳ Bà Hành _ Bạch Cư Dị: "Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách"
4- "Mơ gái Tầm Dương thoảng áo xiêm" : là hình ảnh người ca nữ trong bài Tỳ Bà Hành.
5- "Nghìn thu": người con gái xa cách với tác giả tựa như người của tiền kiếp ngàn năm trước. "Tám cõi": là tám cõi trời của kinh Địa Tạng. Cả câu ý nói "người gần gang tấc mà xa nghìn trùng".
6- "Sen vàng": Trong văn chương Trung Quốc và Việt Nam, có nhiều cách diễn đạt văn học ca ngợi bàn chân con gái như "bộ bộ sinh liên hoa", "tam thốn kim liên", "sen vàng lửng thửng", "khói biếc hài thương nữ". Truyện Kiều tả bước chân Đạm Tiên "Sen vàng lãng đãng như gần như xa" (câu 190).
7- "Hài thương nữ" là đôi giầy của người ca nữ trong buổi hát. Thương nữ trong bài thơ có nghĩa là con hát, là người kỹ nữ ca hát để giúp vui thiên hạ, không phải là nữ thương nhân đi buôn bán. Chữ Thương Nữ (thời nay gọi là Nữ Ca Sĩ) trong văn chương xuất phát từ bài Tần Hoài Dạ Bạc của thi hào Đỗ Mục.
"Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa"
Ông Trần Trọng Kim dịch:
"Gái ca đâu nghĩ nước nhà
Cách sông vẫn hát khúc ca Hậu Đình"
8- "Trở gối hoa lê rụng trắng thềm": Ý muốn nói tác giả qua đêm với người ca nữ đó.
9- Nói tóm lại bài thơ Nghe hát được tác giả lấy ý tưởng từ bài thơ Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị. Và bản thân tôi cũng rất thích bài thơ Tỳ bà hành (thơ do Phan Huy Vịnh dịch).
                                                                                                                             Sông Cầu, ngày 18/8/2012