Tuesday, December 31, 2013

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2014



Ngày dài tháng rộng trôi qua
Lật trang lịch mới cả nhà sang trang
Chúc cho năm mới thanh nhàn
An khang thịnh vượng giàu sang suốt đời.

                            PUT
          Ngày 31 tháng 12 năm 2013

Monday, December 30, 2013

MỘT GIA ĐÌNH NÔNG DÂN HIẾU HỌC



Từ tay trắng, sống dựa vào mấy sào đất ruộng, đất rẫy, vợ chồng ông Phạm Chí Tưởng (SN 1954, thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ 2, TX Sông Cầu) đã nuôi 6 người con ăn học thành đạt. Gia đình nông dân giàu nghị lực này được Hội Khuyến học tỉnh biểu dương là gia đình hiếu học tiêu biểu.

ong-Tuong131230.jpg
Gia đình ông Phạm Chí Tưởng - Ảnh: CTV
Định cư tại một thôn miền núi, thu nhập chỉ phụ thuộc vào cây sắn, cây bắp, nên cuộc sống của gia đình ông Tưởng gặp không ít khó khăn. Để nuôi gia đình 8 người, vợ chồng ông Tưởng phải vất vả bươn chải, sớm hôm tảo tần trên ruộng, rẫy. Có năm mất mùa, gia đình ông phải chịu cảnh ăn cơm độn sắn, bắp nhiều tháng liền. Chật vật là thế, nhưng chưa khi nào ông Tưởng nghĩ sẽ cho các con nghỉ học đi làm mướn. Ông chia sẻ: “Vợ chồng tôi luôn động viên nhau rằng: Đời mình đã không được học đến nơi đến chốn, nên đời các con phải được tạo dựng tốt hơn. Vì vậy, dẫu có vất vả mưu sinh, tôi cũng quyết chí nuôi các con ăn học thành đạt”.

Wednesday, November 27, 2013

CÂU CHUYỆN Ở CÔNG VIÊN


Tình cờ có lần đi qua công viên nọ, bỗng nghe đâu đó một giọng nữ vang lên:
- Đừng... anh.
!!!???.
- Thôi..... anh.
!!??.
- Đừng...... thôi anh.
!?.
Im lặng trong chốc lát... 
Sau đó... 
Nghe giọng nữ tập đánh vần.
@@@
Hết.

                       [PUT ngày 01/4/2013]

Saturday, November 9, 2013

VẠN SỰ TÙY DUYÊN


Vạn quy về một, một về đâu?.
Sự thế luôn luôn chuyển đổi màu
Tùy nghi hỷ xả, thân tâm rớt
Duyên đến, duyên đi, chẳng biết sầu?.

                        [PUT ngày 09/11/2013]

Sunday, September 22, 2013

NIÊM HOA VI TIẾU



Mùa xuân dài vô tận
Tuyết sơn phủ muôn trùng
Cả sơn hà đại địa
Ai biết được xuân về?

Cành mai núi năm ấy
Hé nở giữa tuyết sơn
Báo hiệu mùa xuân đến
Cỏ cây vui đón mừng.

Niêm hoa vi tiếu đó
Tâm truyền tâm sáng tỏ
Không có lập văn tự
Và truyền ngoài giáo pháp.

Hội Linh Sơn năm ấy
Là một giai thoại hay
Trong việc truyền chánh pháp
Của đức bạch Thế tôn.

                        PUT
               Ngày 15/9/2013

Sunday, September 15, 2013

ĐÔNG TÀ HOÀNG DƯỢC SƯ


Chính tà nguồn cội là đâu?
Mang nhiều tâm sự âu sầu ẩn trong.
Từ nhỏ ham thích võ công
Cố gắng tìm học nguyện mong tranh đời.
Đào Hoa đảo, giữa trùng khơi!
Một mình một cõi thảnh thơi một mình.

Sunday, September 8, 2013

Chiếc lá cuối cùng_O. Henry



I. VỀ TÁC GIẢ
O. Henry (1862-1910), một nhà văn Mỹ viết rất nhiều tác phẩm, một nghệ sĩ bậc thầy của những kết cục bất ngờ, đã viết nên nhiều tác phẩm về cuộc sống của những con người bình thường sinh sống ở thành phố New York phồn hoa. Một bước ngoặt trong cốt truyện, chuyển hướng theo một tình huống trùng hợp ngẫu nhiên hay một chi tiết châm biếm, là điểm đặc thù trong truyện ngắn O''Henry.
William Sydney Porter (O. Henry) sinh ra ở Greenboro, Bắc Carolina. Cha của ông, Algernon Sidney Porter, là một bác sĩ. Khi William lên ba tuổi, mẹ của ông qua đời, từ lúc đó, ông được bà nội và cô nuôi nấng và chăm sóc. Ngay từ nhỏ, William đã là một cậu bé ham đọc sách, nhưng đến năm 15 tuổi, cậu bỏ học và làm việc trong một cửa hàng thuốc ở một nông trang tại Texas. Sau đó, William rời đến Houston, nơi sau này ông phải làm rất nhiều công việc, trong đó có công việc thư ký ngân hàng. Sau khi chuyển đến Austin, Texas vào năm 1882, ông lập gia đình.
Vào năm 1884, ông bắt đầu sự nghiệp phóng viên cho tờ tuần báo hài Rolling Stones. Khi tờ tuần báo này bị sụp, William tham gia tờ Houston Post với tư cách là một phóng viên và một người phụ trách chuyên mục. Năm 1887, ông bị kết án biển thủ tiền, dù cho đã có nhiều tranh luận về tội trạng thực của ông. Năm 1898, ông phải vào một trại cải tạo ở Columbus, Ohio.

Saturday, August 17, 2013

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN_Viên Liễu Phàm



THỨ NHẤT: THAY ĐỔI SỐ MẠNG
Khổng tiên sinh bói số mạng
Lúc ta(1) còn nhỏ, thân phụ mất sớm. Thân mẫu bảo ta «Nên bỏ con đường thi cử(2) làm quan mà nên chọn nghề thầy thuốc, vì nghề này vừa có thể sinh sống, vừa có thể giúp người. Hơn nữa, nếu hành nghề giỏi sẽ có tiếng tăm. Đó cũng là ước muốn của cha con vậy. »
Sau ta gặp một cụ già tại chùa Từ Vân, cụ râu dài oai nghi, phơi phới như tiên. Ta do đó cung kính chào hỏi. Cụ thấy ta bèn nói: « Tướng ngươi có mạng làm quan, năm tới sẽ đậu Tú Tài, sao giờ này còn lang thang ở đây không lo học? » Ta trình bày nguyên do và đồng thời xin cụ cho biết tên họ và quê quán. Cụ nói: « Ta họ Khổng, người Vân Nam . Ta được chân truyền quyển Hoàng-Cực-Số(3) của ông Thiệu. Ta biết môn này sau này sẽ truyền lại cho ngươi. » Ta mời cụ về nhà và kể lại cho mẹ. Mẹ dặn phải tiếp đãi tử tế và xem cụ đoán số ra sao. Cụ bói cho ta từ việc lớn đến việc nhỏ đều chính xác vô cùng. Làm ta ước mơ trở lại học văn và bàn với ông anh họ Thẩm Xứng. Ông anh nói: « Thầy Úc Hải Cốc đang mở lớp học tại nhà ông Thẩm Hữu Phu, anh sẽ gởi em đến đó học không thành vấn đề. » Ta bèn bái lạy thầy Úc làm thầy.

Cụ Khổng lấy số cho ta như sau: Lúc còn là đồng sinh(4), sẽ thi ở Huyện đậu hạng 14, thi ở Phủ hạng 71 và thi ở Đề Đốc(5) hạng 9. Năm tới đi thi, quả thật cả ba nơi đều đậu hạng đúng y như tiên đoán của cụ.

Saturday, July 27, 2013

MỘNG 2?…


Đời là mộng, ta đắm mình trong mộng.
Mộng là đời, ta sáng tỉnh chiều say.
Ngẫm trong cuộc thế hôm nay
Tỉnh say say tỉnh đời này phù vân.

                  [PUT ngày 27/7/2013]

Sunday, July 14, 2013

CHÚC MỪNG ANH

Anh về Chi cục quê ta
Hết giờ làm việc về nhà có em
Cây xoài, chiếc võng ru êm
Với làn gió mát, tình em ngọt lành.

Mừng anh thi đỗ công danh
Bao năm gắng sức nay thành tựu vang
Chúc mọi người hết gian nan
Chúc cho anh được vinh quang suốt đời.

                     [LTKT ngày 11/07/2013]

Sunday, June 30, 2013

Tửu ca

Vạn sự trên đời xuất phát không
Vẫn mong phút chốc hóa nên rồng
Tài hèn, trí đoản đành thôi vậy
Rong rủi giang hồ quên non sông.

Vạn sự trên đời có chi đâu
Vướng mắc thân tâm, uống rượu sầu
Đức sơ tài mọn đành lếu láo
Chén thù chén tạc suốt đêm thâu.

Vạn sự trên đời dễ đổi thay
Tiểu sự không sao, uống cả ngày
Khi cần giải quyết vung đao kiếm
Đại sự trong lòng sẽ thẳng ngay.

Vạn sự trên đời muôn vạn lối
Đời là giấc mộng chỉ vậy thôi
Say tỉnh tỉnh say, say rồi tỉnh
Rượu đến bên mình hãy nhấp môi.

Vạn sự trên đời tranh thấp cao
Vỗ ngực xưng danh đấng anh hào
Rượu vào lời ra rồi sẽ thấy
Xưa nay chân chính như trăng sao.

Vạn sự trên đời là thế đó
Tùy duyên đưa đẩy chớ nhỏ to
Rượu chẳng say người, người say rượu
Nhất tâm bất loạn ngủ khò khò.

                       [PUT ngày 30/6/2013]

Friday, June 28, 2013

Lan tỏa từ mô hình gia đình hiếu học

Gia đình hiếu học là hạt nhân của phong trào khuyến học tại địa phương. Trong những năm qua, phong trào xây dựng gia đình hiếu học ngày càng được mở rộng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, làm nền tảng bền vững, thúc đẩy phong trào xây dựng xã hội học tập phát triển.

Mỗi khi nhắc đến gia đình ông Phạm Chí Tưởng, xã Xuân Thọ 2, TX Sông Cầu, nhiều người không khỏi ngưỡng mộ trước cặp vợ chồng nông dân giàu nghị lực này. Sống dựa vào mấy sào ruộng, rẫy, vợ chồng ông Tưởng đã nuôi 6 người con ăn học thành đạt. Ông Tưởng tâm sự: “Ngày con trai đầu Phạm Quốc Trí thi đậu cả 2 trường đại học, chúng tôi lo nhiều hơn là mừng, vì không biết chạy tiền đâu ra để cho con thực hiện ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng. Cuộc sống khi đó rất khó khăn, đến miếng ăn còn vất vả, huống chi là cho các con học hành đến chốn. Nhưng vợ chồng tôi quyết không vì nghèo mà làm gián đoạn tương lai của con”.

Thương ba mẹ vất vả, nên các con của ông Tưởng luôn vượt khó học giỏi, yêu thương và đùm bọc nhau. Khi anh trai lớn ra trường, có việc làm, nuôi lại đứa em kề học đại học. Cứ thế, lần lượt 6 anh em ra trường và có việc làm ổn định. Hiện nay, con trai lớn Quốc Trí là Phó giám đốc một công ty xây dựng ở An Giang; con trai thứ hai là Quốc Dũng, tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh đang là Phó phòng một công ty bảo hiểm tại TP Hồ Chí Minh; con trai thứ ba Quốc Toàn tốt nghiệp Trường đại học Văn Lang đang công tác tại một ngân hàng chi nhánh TX Sông Cầu; con trai thứ tư Quốc Thắng tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Hà Nội, đang công tác tại Đắk Lắk; con gái Minh Phú tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, đang công tác tại một ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh; con gái út tốt nghiệp Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh, đang làm việc tại một công ty quảng cáo tại TP Hồ Chí Minh. Những năm tháng chịu gian khó, cực nhọc của vợ chồng ông Tưởng đã được các con đền đáp xứng đáng bằng bảng vàng thành tích học tập.

Tại xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, có một gia đình hiếu học khác cũng làm cho nhiều người nể phục. Đó là vợ chồng ông Huỳnh Gia Tùng, một gia đình nông dân nghèo khó nhưng có đến 5 người con thành đạt. Trong đó, có một người là thạc sĩ Toán học, 4 người còn lại đều tốt nghiệp đại học. Nhiều năm liền, gia đình ông đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” và “Gia đình hiếu học”. Còn tại xã An Cư, huyện Tuy An, gia đình ông Nguyễn Văn Tâm được biết đến với thành tích có 7 người con đậu vào các trường đại học. Sau khi ra trường, họ đều đảm nhận những vai trò quan trọng trong các công ty. Ông Tâm bộc bạch: “Tôi lớn lên trong một gia đình nghèo khó, phải bỏ học giữa chừng nên hơn ai hết, tôi biết việc học có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Vì vậy, tôi muốn đầu tư, tạo điều kiện cho các con học tập một cách tốt nhất. Từ năm 1987, tôi đã lần lượt gởi các con vào TX Tuy Hòa (nay là TP Tuy Hòa) để học. Nhờ có nền tảng kiến thức tốt, thái độ ham học, cộng thêm sự động viên từ ba mẹ, các con tôi đã có được kết quả mỹ mãn như hôm nay. Đây là một sự trả công xứng đáng cho sự vượt khó của vợ chồng tôi”.

Phó chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phạm Hữu Sen nhận xét: “Trong mỗi mái ấm gia đình, truyền thống hiếu học là một yếu tố rất quan trọng, tác động trực tiếp đến hành vi, lối sống và nhân cách của từng thành viên. Thật xúc động khi có nhiều gia đình hiếu học, dù gia cảnh rất khó khăn, thu nhập bấp bênh… nhưng vẫn quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, tạo điều kiện cho các con học hành thành đạt. Đây là một tín hiệu vui thúc đẩy và nhân rộng mô hình gia đình hiếu học hơn nữa. Tuy nhiên, để cuộc vận động gia đình hiếu học thực sự đi vào cuộc sống và mang tính bền vững, mỗi gia đình cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc động viên con em hiếu học, hướng tới xây dựng gia đình văn hóa, cộng đồng giàu mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển”.

                                                                                                    HÀ MY
                                                                                     (Nguồn baophuyen.com.vn)

Cảm hoài_Đặng Dung











 
Cảm hoài

Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chúa hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo, đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma

Dịch nghĩa:
Việc đời dằng dặc mà ta đã già, biết làm thế nào?
Trời đất mênh mông đắm trong cuộc rượu hát ca.
Khi gặp thời, người làm nghề hàng thịt, kẻ câu cá cũng dễ thành công,
Lúc lỡ vận, bậc anh hùng đành phải nuốt hận nhiều.
Giúp chúa, những mong xoay trục đất lại,
Rửa vũ khí không có lối kéo tuột sông Ngân xuống.
Thù nước chưa trả được mà mái tóc đã bạc sớm,
Bao phen mang gươm báu mài dưới bóng trăng.

Dịch thơ:

1. Bản dịch của Phan Kế Bính
Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng một cuộc say.
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.
2. Bản dịch của Tản Đà
Việc đời man mác, tuổi già thôi!
Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi
Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,
Tan tành sự thế luống cay ai!
Phò vua bụng những mong xoay đất,
Gột giáp sông kia khó vạch trời.
Đầu bạc giang san thù chửa trả,
Long tuyền mấy độ bóng trăng soi.
3. Bản dịch khuyết danh
Việc lớn chưa xong tuổi đã già.
Đất trời thu gọn, tiệc ngâm nga
Gặp thời, bần tiện thành công dễ
Lỡ vận, anh hùng dạ xót xa
Giúp chúa những mong xoay trục đất
Rửa dòng không lối kéo thiên hà
Quốc thù chưa trả đầu đã bạc
Mấy độ mài gươm bóng nguyệt tà.   
4. Bản dịch của Phạm Quốc Toàn
Tuổi già sức yếu biết làm sao?
Trời đất mênh mông chén rượu đào
Được thời bần tiện nên sự nghiệp
Thất thế anh hùng phải lao đao
Đội trời khuấy nước mong phò chúa
Đạp đất rẽ sông tỏ chí cao
Thù trả chưa xong đầu bạc sớm
Mài gươm dưới nguyệt lệ tuôn trào.

                                                                                       [PUT ngày 28/6/2012]

Thursday, June 27, 2013

Chuyện bà Tưng

Giới trẻ thời nay thích tưng tưng
Điển hình cụ thể nhất: “bà Tưng”
Không chịu chăm chút cho tiết hạnh
Suốt ngày lo nghĩ chuyện tưng tưng.

Tâm lý bầy đàn tửng từng tưng
Trong một phút chốc có sáng bừng
Nhưng rồi thời gian là sẽ thấy
Không nền không tảng tối bưng bưng.

Chuyện xưa, chuyện nay, chuyện tưng tưng
Chuyện đông, chuyện tây nhiều quá chừng
Ôi thôi rối quá, thôi đừng nhắc
Để cho đầu óc khỏi tưng tưng.

Phiếm luận vu vơ chuyện bà Tưng
Vài ý vậy thôi đến đây dừng
Tâm thân thoải mái là chủ yếu
Khỏi phiền, khỏi não, khỏi tưng tưng.

                                 PUT
                        Ngày 27/6/2013

Friday, June 21, 2013

MỘNG?...

Đời là mộng, mộng là đời
Tỉnh say, say tỉnh một thời tỉnh say
Đường gian khó, tâm không lay
Kiên trì phút cuối hiểu ngay chính mình.
Muôn sự có thể thình lình.
Ngây ngô trong chốc vươn mình bay cao.

                            PUT
                   Ngày 21/6/2013

Tổng thống Putin ly hôn - Điều thú vị nhất mới bắt đầu?

Cho đến nay, báo giới chính thống Nga vẫn có sự cấm đề cập cuộc sống riêng tư của ông Putin. Nhưng báo mạng tự do Slon.ru bình luận: “Nay điều thú vị nhất bắt đầu. Putin sẽ lấy vợ lần hai? Và với ai?

Cho đến nay, báo giới chính thống Nga vẫn có sự cấm đề cập cuộc sống riêng tư của ông Putin. Nhưng sau khi công bố ly dị, lại có những thắc mắc liệu vị TT Nga 60 tuổi vẫn cường tráng có tính quen người phụ nữ nào khác? Báo mạng tự do Slon.ru bình luận: “Nay điều thú vị nhất bắt đầu. Putin sẽ lấy vợ lần hai? Và với ai?
“Thiếp vẫn còn son, 3 con cùng chàng”?
Từng có tin đồn (không thể xác minh) ông Putin mê nữ cựu điệp viên xinh đẹp Anna Chapman - con của một cựu quan chức tình báo KGB của Liên Xô (cũ), bị Mỹ bắt năm 2010 vì hoạt động tình báo trước khi cùng 9 người khác được trả về Nga. Hiện cô là một người mẫu đồ lót nổi tiếng, hồi tháng 3 xuất hiện trong chương trình Tuần thời trang Nga với bộ quần áo da bó sát.
Còn có tin đồn ông Putin lập gia đình bí mật và đã có 2, thậm chí 3 con với cựu nữ VĐV thể dục nhịp điệu Alina Kabayeva 30 tuổi, hiện là nghị sĩ thuộc Đảng Nước Nga thống nhất vốn do ông Putin đứng đầu. Cô cũng từng xuất hiện trên trang bìa tạp chí Vogue bản tiếng Nga hồi đầu năm 2011. Kabayeva từng đoạt huy chương đồng Olympic 2000 và huy chương vàng Olympic 2004, 14 lần vô địch thế giới và được nhận định “rất dẻo”. Cô kết thúc sự nghiệp thể thao năm 2005.
Trước đó hồi tháng 4.2008, báo lá cải Moskovsky Korrespondent của “đại gia” Alexander Lebedev đăng tin ông Putin đã bỏ vợ và tính cưới nữ VĐV Kabayeva (lúc đó 27 tuổi) vào ngày 17.6 năm ấy. Báo trên nêu họ có thông tin từ một công ty tổ chức tiệc cưới ở St Petersburg. Tuy nhiên, Điện Kremlin phủ nhận thông tin này, và vài tháng sau tờ báo phải đóng cửa.
Báo Mỹ The New York Post ngày 29.1.2013 dẫn những “nguồn tin bí mật” rằng ông Putin quen Kabayeva từ năm 2001, và đã có một con trai bốn tuổi và một con gái mới sinh vào cuối năm 2012 với cô. Báo Daily Mail (Anh) hồi năm 2009 cũng đưa tin Kabayeva đã sinh một con trai và người cha có thể là ông Putin. Các nguồn tin truyền thông nước ngoài cho biết cô Kabayeva và hai con đang sống trong một dinh thự ở thành phố Sochi bên bờ biển Đen.
Vợ giận, bỏ đi tu?
Hồi tháng 4, Kabayeva tròn 30 tuổi và xuất hiện trong một phim tài liệu của kênh TV nhà nước Rossia Channel One, trong đó cô khẳng định chưa có con nhưng cô thích có bầy con đông đảo. Sau khi vụ ông Putin ly dị bùng lên, cô lên TV cho biết “đã gặp một người đàn ông mà tôi rất yêu”. Cô không nói tên người đàn ông ấy nhưng khẳng định rất muốn lập gia đình và cô tái khẳng định rằng chưa hề có con. Dân Nga tin chắc cô sẽ là vợ thứ hai của ông Putin, và một đám cưới sẽ chính thức đưa cô lên ghế đệ nhất phu nhân trẻ nhất (sau hoàng hậu Alexandra, người vợ bệnh hoạn của sa hoàng Nga cuối cùng Nicholas II).
Các chuyên gia nói cuộc ly dị của ông bà Putin sẽ không tác động xấu về mặt chính trị của ông, nhưng có thể tạo ra sự thay đổi nếu ông “đi bước nữa”. Họ nói có thể ông bà muốn kết thúc “vở diễn” gia đình hạnh phúc đầy mệt mỏi, hoặc do ông muốn làm theo các vị sa hoàng trước đây, những người bỏ vợ để cưới vợ mới. Dù vậy, việc lãnh đạo Nga đương nhiệm ly dị vợ vẫn là điều bất thường tại Nga. Lãnh đạo Nga gần đây nhất công khai “từ” vợ chính là vị anh hùng trong mắt ông Putin: Peter đại đế hồi 300 năm trước.
Alexei Mukhin, Giám đốc Trung tâm Thông tin chính trị (một tổ chức độc lập ở Moscow) nói: “Có thể ông Putin sẽ tái hôn. Tại sao không thế? Nếu đó là lý do, có thể ông muốn giải quyết nhanh. Ly dị sẽ là sự giải phóng cho ông Putin và thông tin được đưa ra tại thời điểm ít ảnh hưởng nhất, khi mà cuộc bầu cử đã qua.Khi kỳ bầu cử TT kế tiếp sẽ diễn ra trong chưa đầy 5 năm nữa, ông ấy sẽ muốn mối quan hệ mới được xác lập rõ ràng”. Ông Putin đã hai lần làm thủ tướng, làm TT hai nhiệm kỳ từ năm 2000 - 2008, và làm TT từ năm 2012 - 2018, chưa kể khả năng khi ấy ông sẽ kiếm thêm nhiệm kỳ TT thứ tư đến năm 2024.
Tuyên bố của vợ chồng Putin xóa tan những dấu hỏi về cuộc đời riêng của vị TT luôn đề cao các giá trị truyền thống và khẳng định đạo Chính thống Nga là quy chuẩn đạo đức cho dân Nga. Đạo này cho phép ly dị nhưng với nhiều điều kiện, và chưa rõ ông bà Putin đã được các chức sắc tôn giáo cho phép hay chưa.
Về mặt chính trị, có lẽ ông Putin đã tính kỹ rằng “thà công khai” chuyện ly dị hơn để dân Nga nghi ngờ ông có một cuộc sống bí mật. Cuộc ly dị này cũng chấm dứt những tin đồn về mối quan hệ hôn nhân trục trặc của ông bà Putin, như họ đã bí mật ly dị, hoặc ông Putin có “bồ nhí” nên người vợ (nay 55 tuổi) giận và bỏ đi tu ở một tu viện cổ của đạo Chính thống ở vùng ngoại biên giới giáp Estonia.
“Lyudmila Alexandrovna đã xong ca”
Theo bà Lyudmila Putina, nguyên nhân dẫn đến quyết định ly dị là vì chồng bà quá tham công tiếc việc! Tối 6.6, ông bà Putin vẫn đi xem một vở ba-lê cổ điển Nàng Esmeralda diễn trong Điện Kremlin, rồi “bất ngờ” công bố chuyện ly dị khi cùng trả lời phỏng vấn kênh TV Russia 24, nên có vẻ đây là một kịch bản được dàn dựng kỹ trong vòng 3 phút: vở múa phổ biến ở Nga này dựa theo tiểu thuyết Thằng gù nhà thờ Đức bà kể mối tình vô vọng của anh gù Quasimodo dành cho nàng du mục Esmeralda. Dân Nga cho rằng vụ “diễn kịch” này là bước đầu tiên để ông Putin chuẩn bị giới thiệu vợ mới hoặc bạn gái với dân Nga.
Điều kỳ lạ là nhà báo hỏi vợ chồng Putin về vở diễn trước khi táo bạo chuyển ngay sang câu hỏi về vụ ly dị: “Ông bà hiếm khi xuất hiện cạnh nhau, và có tin đồn ông bà không còn sống với nhau. Có đúng thế không?”. Ông Putin xác nhận: “Đúng thế. Toàn bộ hoạt động của tôi là việc quốc gia đại sự… Toàn bộ công việc của tôi là xuất hiện trước mọi người và có những người hoàn toàn không thích hợp với việc đó”, rồi ông cười nói đùa: “Lyudmila Alexandrovna đã xong ca”.
Ông bà Putin gọi tên nhau theo tên họ cha của mỗi người, vốn thường dùng chỉ để gọi người có vai vế lớn hơn hoặc người lạ. Ông bà đều không nói thêm về cuộc sống hiện tại của họ, không cho biết rõ họ đã hoàn tất thủ tục ly dị hay chưa. Ông Putin nói không như ông, bà Lyudmila không thích những cuộc xuất hiện trước công chúng, và ông hoan nghênh sở thích “ở ẩn” của vợ trong nhiều năm qua.
Bà Lyudmila nói thêm: “Cuộc hôn nhân của chúng tôi đã tan vỡ. Đây là quyết định chung. Vladimir Vladimirovich chìm ngập trong công việc, con cái chúng tôi đã lớn và có cuộc sống riêng. Tôi không thích sự rùm beng, việc đi máy bay là một sự khó khăn cho tôi và gần như do chúng tôi hầu như chẳng bao giờ gặp nhau. Chúng tôi có quan hệ tốt. Tôi rất biết ơn Vladimir Vladimirovich luôn ủng hộ tôi. Ông ấy rất yêu thương con cái và các con cảm nhận được tình thương ấy”.
Bà khẳng định đây là một cuộc ly dị “văn minh”. Không rõ ý bà cảm ơn chồng ủng hộ mang nghĩa về tài chính hay điều gì khác, nhưng tên bà có trong bản khai thu nhập của TT: năm 2011, bà khai có 443.000 rúp (15.000USD) tức chỉ bằng 1/10 khoản thu nhập có kê khai của chồng.
“Ham việc, quên cả sống”
Năm 2005, bà Lyudmila từng công khai than phiền với 3 tờ báo Nga, việc chồng làm việc quên cả giờ giấc, “quên rằng người ta không chỉ làm việc mà còn phải sống”. Người phát ngôn Dmitri Peskov của ông Putin nói không biết vợ chồng TT đã hoàn tất thủ tục ly dị hay chưa, chỉ bảo họ ly thân từ lâu: “Đó là chuyện đời tư của TT, người không bao giờ nói công khai về vấn đề này. Đó là nguyên tắc của TT và ngài có quyền đó, vậy hãy tỏ ra tôn trọng TT. Từ lâu đã không còn là bí mật, ai cũng biết từ lâu TT cống hiến hết mình cho tổ quốc, vì nhân dân”. Peskov cũng khẳng định ông Putin sẽ không tái hôn.
Ông bà Putin hiếm khi xuất hiện cùng nhau trước công chúng trong năm 2012, lần gần đây nhất dân Nga trông thấy vợ chồng Putin là vào ngày 4.3.2012, khi ông bà cùng đi bỏ phiếu bầu cử, và ngày 7.5.2012, khi ông Putin làm lễ nhậm chức TT lần thứ ba. Nhưng ở các sự kiện đó, ông bà rõ ràng có vẻ khó chịu khi phải đứng cạnh nhau, chỉ càng làm giới chính trị ngầm xác nhận “gia đình TT lục đục”. Sau khi nhậm chức TT, ông Putin chỉ hôn phớt nhẹ lên má vợ.
Năm 2010, ông bà “cự” nhau tại tư dinh khi trả lời các câu hỏi trong cuộc điều tra dân số có truyền hình trực tiếp, chiếu hình ảnh bà đã tháo nhẫn cưới khỏi ngón tay phải, nói: “Tôi là vợ ông ấy” và tỏ vẻ căng thẳng, đôi mắt liên tục chớp khi được hỏi ông bà có đăng ký hôn thú hay không. Cuối phim, ông Putin nói vợ “không khiêm tốn” do bà khẳng định bà biết nói tiếng Đức, Pháp và Tây Ban Nha. Nhưng bà đáp: “Sự thực là thế mà!”. Người phát ngôn của ông Putin lúc đó nói bà Putina không đeo nhẫn cưới thì có nghĩa không còn là vợ ông nữa.
Nhiều năm qua, ông Putin thường một mình đi thăm chính thức các nước, dù có sự kỳ vọng nghi thức ngoại giao sẽ trọn vẹn nếu có đệ nhất phu nhân tháp tùng. Thực tế là 5 tháng sau khi TT Boris Yeltsin chọn ông Putin làm người kế nhiệm hồi năm 2000, bà Lyudmila chỉ ra mắt nhân dân chưa tới chục lần và không hề có phát biểu nào.
Trong nhiệm kỳ TT thứ nhất, ông Putin cũng đưa vợ đi cùng trong các chuyến thăm nước ngoài, nhưng qua nhiệm kỳ 2 thì ông đi công tác “sô-lô”. Vì vợ không cùng thăm Anh hồi tháng 4.2000, sau đó ông chọc Thủ tướng Tony Blair Anh đem vợ tới St Petersburg: “Ông ấy đưa bà xã tới đây, còn tôi lại đưa các ông bộ trưởng đến London”.
Nỗi niềm của Lyudmila
Ông Putin từng là điệp viên KGBiai đoạn hạnh phúc nhất của vợ chồng ông, tiếp sau việc hai con gái ra đời năm 1985 và 1986., cưới cô tiếp viên Lyudmila Shkrebneva của Hãng hàng không Aeroflot (thời Liên Xô) ngày 28.7.1983, trước khi qua Đông Đức làm việc ở thành phố Dresden (Đông Đức cũ) hồi năm 1985. Họ quen nhau tại Leningrad (nay là St Petersburg, quê quán của ông Putin) khi Lyudmila 21 tuổi đến thăm một người bạn gái và được một người bạn giới thiệu với ông Putin.
Xuất thân từ một tầng lớp khiêm tốn và tốt nghiệp đại học văn chương, Lyudmila mơ ước trở thành diễn viên. Theo lý lịch trên địa chỉ web chính thức của ông Putin, ông cầu hôn 3 năm sau lần gặp đầu: “Tôi biết nếu tôi không lấy vợ trong 2, 3 năm nữa, thì tôi sẽ không bao giờ lấy ai”, ra ý ông rất yêu bà Lyudmila. Ông Putin cũng từng nói với bạn: “Ai sống được 3 tuần cạnh Lyudmila thì đáng được xây tượng đài”. Ông từng kể 5 năm sống ở Dresden là g
Cuộc tình Putin - Lyudmila từng là đề tài đầy lãng mạn cho một bộ phim có tên Kiss me off the record (tạm dịch Nụ hôn không dành đăng báo) vào năm 1980. Nhưng trong cuốn sách Vladimir Putin: Con đường dẫn tới quyền lực xuất bản năm 2002, bà Lyudmila công khai những bất đồng trong quan hệ với ông Putin. Bà khẳng định ông luôn trễ hẹn với bà ít nhất một giờ, thường xuyên chỉ trích các món ăn do bà nấu.
Khi cô con gái đầu lòng của hai người ra đời, ông đang đi công tác, buộc bà phải gọi taxi để đi đến bệnh viện. Ông Putin thậm chí luôn trễ hẹn khi còn đang tán tỉnh bà Lyudmila. “15 phút chờ đợi đầu tiên trôi qua một cách bình thường, 30 phút cũng vậy. Nhưng sau một giờ, tôi gần như bật khóc vì xấu hổ - bà Lyudmila kể về một cuộc hẹn với ông Putin tại một nhà ga ở Leningrad, lý do của ông ấy luôn là công việc. Quả thật trong công việc ông ấy luôn luôn đúng giờ, nhưng trong cuộc sống riêng tư thì không bao giờ”.
Trong cuốn sách Người đầu tiên viết về ông Putin, bà Lyudmila cũng tiết lộ khi nghe tin chồng mình sẽ kế nhiệm TT Boris Yeltsin hồi năm 1999, bà đã chết lặng. “Một cô bạn gái gọi điện cho tôi và hỏi “Cậu có biết không?”. Tôi trả lời: “Chuyện gì thế?”. Cô ấy nói cho tôi tin đó và tôi đã khóc suốt cả ngày. Bởi tôi hiểu rằng cuộc sống riêng tư của mình đã chấm dứt”. Hồi năm 2011, báo Bild (Đức) dẫn một số tài liệu giải mật tiết lộ bà Putina từng tâm sự ông Putin đã ngoại tình, đánh vợ và lừa dối vợ khi còn ở Dresden từ năm 1985 - 1990.
Báo này nêu vợ chồng Putin là nạn nhân theo dõi của BND (cơ quan tình báo Đức). Bà Lyudmila bị một nữ điệp viên BND làm quen, thường đến căn hộ của vợ chồng Putin ở địa chỉ 101 đường Raderbergerstrasse. Ở đó, bà Putin trút hết tâm sự về những lần “ăn chả” của chồng, những lần bị chồng đánh đập. Các tâm sự “trục trặc gia đình” này đều được nữ điệp viên báo cáo cấp chỉ huy, theo Erich Schmidt-Eenboom, Giám đốc Viện Nghiên cứu hòa bình ở Weilheim và là tác giả nhiều đầu sách về tổ chức tình báo Đức.
Ông viết về hoạt động của BND ở Dresden: “Trái với hình ảnh sau này bà vẽ về một cuộc hôn nhân lý tưởng, Lyudmila thường than phiền chuyện bị chồng đánh và những vụ ngoại tình của chồng. Các thông tin này đều được BND chia sẻ với các đồng minh NATO”. Tờ báo còn nói khi rời Dresden trên chiếc Volga màu đen hồi mùa xuân 1990, trung tá KGB Putin chở theo một đứa con hoang. Tuy nhiên, đến nay, chưa ghi nhận phản ứng chính thức nào từ phía Moscow về thông tin này.
Không cho chụp ảnh con gái
Theo cuốn sách Tình bạn mong manh in bằng tiếng Đức năm 2001, bà Lyudmila rất tự hào vì chồng không nhậu nhẹt say sưa và đánh vợ như những người đàn ông Nga bình thường. Nhưng bà trách ông dành quá nhiều thời gian tối cho bạn bè, nên bà vẫn phải lo bày món nhậu và rượu cho bạn của chồng. Bà cũng phàn nàn việc đàn ông Đức “lùa” vợ dậy sớm để lo bữa sáng cho chồng, vì sau một chuyến thăm Đức, ông Putin cũng “bắt chước các bậc nam nhi Đức”.
Cuốn sách này do Irene Pietsch người Đức viết. Bà này là vợ của một chủ ngân hàng ở Hamburg - đã là bạn của ông Putin từ năm 1995 - khi ông Putin là Phó thị trưởng St Petersburg. Pietsch còn kể bà Lyumila “nghiện” trò bói toán khiến chồng bà luôn mắng vợ “mê tín dị đoan”. Bà Lyudmila cũng từng tâm sự: khi còn là tiếp viên hàng không, bà đã làm bánh để bán và kiếm được nhiều tiền, cho đến khi bị cơ trưởng cấm vì ông ta tức không được chia phần.
Năm 1997, bà Lyudmila đi Hamburg chơi 4 ngày và chủ yếu là mua sắm. Pietsch kể Lyudmila rất tức việc chồng chẳng cho bà thẻ tín dụng, dù ông biết gia đình TT Boris Yeltsin sử dụng thẻ này. Bà nói: “Tôi sẽ chẳng bao giờ được như Raisa Gorbachev”, ám chỉ việc vợ cựu TT Liên Xô Mikhail Gorbachev được dân Nga công nhận là vợ lãnh đạo Liên Xô nhưng bặt thiệp, chịu giao tiếp với quần chúng và ăn mặc đúng thời trang.
Bà Lyudmila cũng kể việc nuôi 2 con gái Maria và Yekaterina vừa tận tâm vừa xa cách: hai cô hay chia sẻ bí mật với mẹ, nhưng bà không nghĩ cha mẹ và con cái nên đối xử với nhau như bạn bè. Khi công bố chuyện ly dị, ông Putin cũng bác bỏ tin đồn hai con gái Maria (sinh ngày 28.4.1985) và Ekaterina (sinh ngày 31.8.1986) đã lấy chồng đều là người nước ngoài: “Các con tôi vẫn học ở Nga, luôn sống tại Nga”.
Tuyên bố này ngược với tin đồn Maria đã lấy chồng người Hà Lan, Ekaterina là con dâu của một cựu đô đốc hải quân Hàn Quốc, từng là tùy viên quân sự ở Sứ quán Hàn tại Moscow. Ông này khoe rằng ban đầu ông Putin không bằng lòng cho con gái lấy trai Hàn, nhưng sau khi gặp Yoon thì ông chấp thuận.
Từ lúc nắm quyền lực, ông Putin quy định báo giới Nga tránh chụp ảnh hai cô con gái của ông và chỉ mỗi một ảnh gia đình được công bố. Hầu như không bao giờ có ảnh của Maria và Yekaterina, ngoài vài bức lúc họ mới lớn và chụp từ đằng sau. Putin hiếm khi trả lời các câu hỏi về mối quan hệ với vợ và con, ông nói hãy để họ yên.
                                                                            Theo Thế giới & Hội nhập

Monday, June 10, 2013

Mourinho có thù với bóng đá Việt Nam??

Một lần nữa Mourinho lại nhắc đến Việt Nam trong bài phỏng vấn cuối cùng trên tư cách HLV Real Madrid. Với những phát ngôn gây sốc và đầy tranh cãi thường thấy, Mourinho bảo làm việc ở Real Madrid chả khác gì làm việc ở... Việt Nam.
Chủ tịch Florentino Perez bảo chính áp lực, từ truyền thông, người hâm mộ và nội bộ đội bóng đã khiến Mourinho rời Madrid sớm hơn dự kiến. Trên chương trình Punto Pelota, Mourinho nói ngược lại hoàn toàn với ý của Perez. Nguyên văn như sau: “Tôi chưa từng cảm thấy áp lực trong ba năm qua. Tôi là HLV duy nhất trong lịch sử Real Madrid chưa từng ăn ở những nhà hàng sang trọng, chưa từng thăm thú toà soạn các báo. Khi cầm quân, bạn có 20 cầu thủ, 20 quả bóng và một sân vận động thì là ở Real, Trung Quốc hay Việt Nam, cũng không có sự khác biệt nào”.
Đây không phải là lần đầu tiên Mourinho nhắc đến Việt Nam. Lần đầu tiên ở Ý, khi PV có ý chê bai chức vô địch của Inter Milan là quá dễ dàng bởi các đối thủ đều đã suy yếu, Mourinho nói: “Vô địch ở đâu cũng khó, Việt Nam còn khó nữa là”.
Lần thứ 2 là sau một trận đấu tại La Liga. Khi ấy vì quá khó chịu với cách chơi bạo lực của các cầu thủ Sevilla và sự dung túng của trọng tài, Mourinho nói: “Nếu tôi ngồi ở nhà và xem trận này qua truyền hình thì 15 phút là tôi chuyển kênh. Mở Eurosport coi Việt Nam đá sướng hơn”.
Khi người ta nhắc đi nhắc lại một điều gì đó, rõ ràng nó phải mang tính điển hình. Ở đây Việt Nam chính là một điển hình... xấu. Mourinho so sánh những trận đấu bạo lực, những vị trọng tài kém năng lực, một giải đấu dở và một môi trường làm việc không áp lực với Việt Nam là bởi nó quá... dễ hiểu và mang tính đặc trưng cao. Chẳng hạn như khi người ta hỏi: “Chừng nào Việt Nam vô địch World Cup” thì chả cần phải nói là mấy chục năm, mấy trăm năm, chỉ cần nói “tới tết Congo” là người nghe sẽ hiểu nó... xa ơi là xa và dám... không bao giờ tới.
Việt Nam, chính xác hơn là bóng đá Việt Nam, đã “nổi tiếng” đến mức độ phổ quát như thế. Người nước ngoài dùng Việt Nam làm một vế so sánh bởi nó quá dễ hiểu và dễ mường tượng. Khi cả đất nước Tây Ban Nha kêu gọi triệu tập Raul Gonzalez trở lại đội tuyển cách đây hai năm mà HLV Vicente del Bosque vẫn phớt lờ, tờ Marca thậm chí đã đưa lên trang nhất: “Tại sao Raul không được gọi, phải chăng anh ấy là người Việt Nam?”
Khi Tây Ban Nha để thua Argentina 1 – 4 trong một trận giao hữu hậu World Cup 2010 thì tờ AS đã mô tả 15 phút đầu Tây Ban Nha đá như... Việt Nam. Hai tờ báo có số phát hành cao nhất Tây Ban Nha (riêng Marca là một trong những tờ có doanh số cao nhất châu Âu) đưa chữ Việt Nam để cho hàng tít và thông tin của mình có sức nặng. Đọc một cái là... hiểu liền.
Trở lại với phát ngôn của Mourinho. Đấy chắc chắn không phải là lần cuối cùng “người đặc biệt” nhắc đến Việt Nam trong những phát ngôn của mình. Khi bạn cứ nói đi nói lại một điều gì đó, hoặc là bạn rất thích nó, hai là bạn rất ghét nó. Mourinho là người Bồ, có thể ông là bạn của... Calisto và mê bóng đá Việt Nam chăng? Nếu không, hẳn ông... có thù với nền bóng đá nước ta. Nhưng lần này ông đã nói sai. Ông chê bóng đá Việt Nam dở, chê bạo lực, chê trọng tài thì cũng... chấp nhận được đi, chứ làm sao nói bóng đá Việt Nam không có áp lực. Cứ thử mà sang đây cầm quân xem, giúp Việt Nam vô địch AFF Cup dám còn khó hơn giúp Real vô địch Champions League ấy chứ.

                                                                                                 Minh Trần
                                                                                              (Nguồn sgtt.vn)

Thursday, May 30, 2013

NHỮNG ĐIỀU NGAY CẢ HARVARD CŨNG KHÔNG DẠY BẠN

Trong vụ cướp nhà băng được cho là ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, một tên cướp hét lên: "Tất cả đứng im, nên nhớ tiền thuộc về Nhà nước, còn mạng sống thuộc về chúng mày!"
Mọi người trong ngân hàng nghe xong liền im lặng nằm xuống.
==>> Điều này được gọi là: "Cách thức khai tâm - Thay đổi những suy nghĩ theo lối mòn"
            - Có cô nhân viên nằm trên bàn trong tư thế khêu gợi, một tên cướp hét lên: "Làm ơn cư xử văn minh, chúng tôi là cướp chứ không phải những kẻ hiếp dâm!"
==>> Điều này được gọi là: "Hành xử chuyên nghiệp - Chỉ tập trung vào công việc mà bạn được huấn luyện!"
- Khi tên cướp quay lại, một tên cướp trẻ hơn (có bằng MBA) nói với tên cướp già hơn (kẻ mới tốt nghiệp hết phổ thông): "Đại ca, có phải đếm xem chúng ta cướp được bao nhiêu?". Tên cướp già gằn giọng: "Mày ngu lắm, bao nhiêu tiền, đếm thế nào được? Đợi đi, tối nay TV sẽ nói chúng ta cướp được bao nhiêu!"
==>> Điều này được gọi là: "Kinh nghiệm - Ngày nay thì kinh nghiệm quan trọng hơn giấy tờ, sách vở"
- Sau khi băng cướp rời khỏi, giám đốc chi nhánh định gọi báo cảnh sát. Kế toán trưởng vội vã chạy đến, thì thầm vào tai ngài: "Đợi đã, hay để 5 triệu chúng ta biển thủ vào trong số bị băng cướp lấy mất!"
==>> Điều này được gọi là: "Bơi theo dòng nước - Chuyển đổi những tình huống bất lợi trở thành thuận lợi"
- Người giám đốc tự nhủ: "Vậy thật tuyệt nếu cứ mỗi tháng lại có một vụ cướp!"
==>> Điều này được gọi là: "Hãy loại bỏ những điều khó chịu - Hạnh phúc là điều quan trọng nhất"
- Ngày hôm sau, TV đưa tin 100 triệu đã bị cướp khỏi nhà băng. Những tên cướp đếm đi đếm lại thì chỉ có 20 triệu. Chúng rất giận dữ: "Chúng ta mạo hiểm mạng sống của mình chỉ để lấy 20 triệu, bọn chó lãnh đạo chỉ ngồi chơi mà cướp được 80 triệu. Đúng là học hành, có bằng cấp thì chúng nó được ngồi cái ghế đấy, cướp tiền siêu đẳng hơn chúng ta!"
==>> Điều này giải thích tại sao: "Kiến thức thì giá trị như vàng"
KẾT LUẬN: Trong cuộc sống luôn có những điều chúng ta có thể nhanh chóng nhìn ra, có những điều không như chúng ta thấy từ bên ngoài, và chân lý chỉ mang tính tương đối. Quan trọng nhất là thái độ đối với cuộc sống này, hay cách nhìn chúng ta lựa chọn để mang lại vui vẻ, hạnh phúc cho bản thân, cho những người thân xung quanh mình.
                                                                                [PUT sưu tầm]

Saturday, May 4, 2013

NỘI TÔI

Nội nay tuổi tám lăm
Dáng gầy, mắt xa xăm
Luôn luôn mong con, cháu
Học, làm phải thật chăm.

                     [PUT 04/5/2013]

Friday, May 3, 2013

Vốn ngân hàng đi đâu?

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm...

Một vị đại biểu là thành viên ủy ban Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội băn khoăn rằng vốn vay dư nợ huy động tăng, nhưng cho vay gần như không tăng thì vốn ngân hàng đi đâu? Phải chăng vào trái phiếu Chính phủ?

Dù chưa hẳn đã đủ thuyết phục, song những băn khoăn, thắc mắc của không chỉ của một vị đại biểu Quốc hội về điều hành chính sách tiền tệ, trong ít phút phát biểu của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế cuối tuần trước cũng đã có câu trả lời.

Trước tiên, về con số tăng trưởng tín dụng được cập nhật đến ngày 18/4 là 1,4% (giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước), ông Tiến đồng ý với nhiều nhận xét là đến thời điểm này là “chậm”, nhưng theo ông, đã bắt đầu có yếu tố tích cực.

Theo giải thích của Phó thống đốc, nếu chỉ nhìn vào số dư nợ tín dụng thì không tăng, tuy nhiên nhìn vào diễn biến thì thường các tháng đầu quý 1 các doanh nghiệp và các hộ gia đình hoàn trả ngân hàng, nên cho vay tháng 1 và 2 bao giờ cũng thấp hơn thu nợ.

Vì vậy mặc dù cho vay tháng 1 là 570 nghìn tỷ đồng và tháng 2 là trên 400 nghìn tỷ đồng, nhưng doanh số thu nợ cao hơn nên dư nợ giảm nhưng thực tế vốn mới vẫn được đưa ra cho sản xuất.

Đến tháng 3 thì đã cho vay hơn 600 nghìn tỷ và doanh số thu nợ thấp hơn và xu hướng này tiếp tục trong tháng 4. Với xu hướng này và các giải pháp sẽ triển khai, thì có thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng như mong muốn, Phó thống đốc lạc quan.

Liên quan đến lãi suất, ông Tiến chia sẻ mong muốn của doanh nghiệp muốn lãi suất cho vay thấp hơn nữa, song điều này “phụ thuộc vào điều hành vĩ mô và đặc biệt là khả năng kiềm chế lạm phát. Còn Chính phủ từ tháng 3 vẫn có chủ trương điều hành lãi suất thấp hơn nữa và chúng tôi vẫn điều hành theo hướng này”, ông Tiến cho hay.

Về tình hình lạm phát, ông Tiến cho rằng nếu loại trừ yếu tố có tính chất thời vụ thì lạm phát của tháng 4 không phải là 0,2% mà là 0,54% và cùng kỳ lúc này khoảng 10%. Chưa kể đến phân tích rất đáng chú ý tại báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nếu không tăng giá theo các biện pháp hành chính do nhà nước quản lý thì khả năng lạm phát năm 2013 khoảng 6 -7%.

Tuy nhiên, với than, điện phải theo giá thị trường, tăng lương tối thiểu còn là vấn đề bỏ ngỏ, 7 tỉnh - thành phố chưa điều chỉnh giá dịch vụ y tế…, ông Tiến nhìn nhận là có khá nhiều yếu tố có thể tác động khiến lạm phát tăng cao.

“Vì thế, chúng tôi không chia sẻ được sự lạc quan của Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn là khả năng kiểm soát lạm phát trong tầm tay và cần tập trung vào dư địa của chính sách tiền tệ theo hướng mở rộng và giảm tiếp lãi suất”,  Phó thống đốc nhấn mạnh.

Ông Tiến cũng nói lại quan điểm tại báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, là chính sách tiền tệ đã được khai thác tối đa, dư địa không còn nhiều nên vẫn kiến nghị Chính phủ trong bối cảnh thu ngân sách đạt thấp, đầu tư khu vực nhà nước giảm thì việc sử dụng chính sách tài khóa kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác mới là cơ bản. Còn nếu chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ và tiếp tục giảm lãi suất thì sẽ phải cân nhắc thêm.

Trước đó, một vị đại biểu là thành viên ủy ban Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội băn khoăn rằng vốn vay dư nợ huy động tăng, nhưng cho vay gần như không tăng thì vốn ngân hàng đi đâu? Phải chăng vào trái phiếu Chính phủ? Trước băn khoăn này, ông Tiến khẳng định trái phiếu Chính phủ không được thống kê vào tăng trưởng tín dụng.

Vậy tại sao tăng trưởng cho vay thấp? Đặt câu hỏi này rồi trả lời luôn, ông Tiến tỏ ý đồng tình với quan điểm cần phân tích về tổng cầu của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu. Bởi đây là nguyên  nhân cơ bản làm cho nhu cầu vay vốn thấp. Cho hay là tới đây Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia sẽ bàn về chuyên đề tín dụng, ông Tiến hy vọng nghiên cứu của các chuyên gia, nhà quản lý sẽ làm sáng tỏ hơn vấn đề này.

Trước phản ánh của một số đại biểu về việc doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, ông Tiến dẫn thông tin mới được VCCI công bố cho thấy khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là tìm đầu ra cho sản phẩm. 78% doanh nghiệp cho rằng hàng tồn kho cao là trở ngại lớn nhất, ông nhấn mạnh.

Nhắc lại băn khoăn về con số thật và tỷ lệ giảm nợ xấu của môt số đại biểu, ông Tiến cũng trấn an rằng, “các đồng chí không phải băn khoăn là nợ xấu biến đi đâu, nợ xấu không chỉ nằm chết, mà luôn luôn được xử lý bằng nhiều biện pháp, nên giảm xuống là điều bình thường”.

Cuối cùng, liên quan đến quản lý vàng, nhắc lại ý kiến của đại biểu Lê Nam là dường như chỉ thấy Ngân hàng nhà nước đi bán vàng, Phó thống đốc nói, ông “có chút băn khoăn”.

Khẳng định các giải pháp quản lý thị trường vàng trong đó có đấu thầu vàng nằm trong chủ trương của Chính phủ. Song, “rất không may mắn thị trường vàng thế giới biến động rất bất thường, các nhà đầu tư tài giỏi nhất cũng đang ôm hận cả rồi”, ông Tiến giải trình.

Cũng theo lý giải của ông thì giá vàng trong nước còn chênh với nước ngoài là do cầu trong nước cao hơn, nhưng nhu cầu dân mua vàng không lớn, mà do khu vực ngân hàng có nhu cầu lớn vì phải cân đối lại nguồn huy động vàng trước đây.

“Chúng tôi tin rằng, chỉ một thời gian nữa như cầu của dân không lớn, khi ngân hàng dừng huy động và cho vay bằng vàng thì thị trường sẽ ổn định hơn và giá vàng có điều kiện giảm thấp, lúc đó thông tin về thị trường vàng sẽ giảm dần trên mặt báo”, ông Tiến nói.

                                                                          NGUYÊN THẢO
                                                                     (Nguồn vneconomy.vn)