Showing posts with label TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG. Show all posts
Showing posts with label TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG. Show all posts

Friday, May 3, 2013

Vốn ngân hàng đi đâu?

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm...

Một vị đại biểu là thành viên ủy ban Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội băn khoăn rằng vốn vay dư nợ huy động tăng, nhưng cho vay gần như không tăng thì vốn ngân hàng đi đâu? Phải chăng vào trái phiếu Chính phủ?

Dù chưa hẳn đã đủ thuyết phục, song những băn khoăn, thắc mắc của không chỉ của một vị đại biểu Quốc hội về điều hành chính sách tiền tệ, trong ít phút phát biểu của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế cuối tuần trước cũng đã có câu trả lời.

Trước tiên, về con số tăng trưởng tín dụng được cập nhật đến ngày 18/4 là 1,4% (giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước), ông Tiến đồng ý với nhiều nhận xét là đến thời điểm này là “chậm”, nhưng theo ông, đã bắt đầu có yếu tố tích cực.

Theo giải thích của Phó thống đốc, nếu chỉ nhìn vào số dư nợ tín dụng thì không tăng, tuy nhiên nhìn vào diễn biến thì thường các tháng đầu quý 1 các doanh nghiệp và các hộ gia đình hoàn trả ngân hàng, nên cho vay tháng 1 và 2 bao giờ cũng thấp hơn thu nợ.

Vì vậy mặc dù cho vay tháng 1 là 570 nghìn tỷ đồng và tháng 2 là trên 400 nghìn tỷ đồng, nhưng doanh số thu nợ cao hơn nên dư nợ giảm nhưng thực tế vốn mới vẫn được đưa ra cho sản xuất.

Đến tháng 3 thì đã cho vay hơn 600 nghìn tỷ và doanh số thu nợ thấp hơn và xu hướng này tiếp tục trong tháng 4. Với xu hướng này và các giải pháp sẽ triển khai, thì có thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng như mong muốn, Phó thống đốc lạc quan.

Liên quan đến lãi suất, ông Tiến chia sẻ mong muốn của doanh nghiệp muốn lãi suất cho vay thấp hơn nữa, song điều này “phụ thuộc vào điều hành vĩ mô và đặc biệt là khả năng kiềm chế lạm phát. Còn Chính phủ từ tháng 3 vẫn có chủ trương điều hành lãi suất thấp hơn nữa và chúng tôi vẫn điều hành theo hướng này”, ông Tiến cho hay.

Về tình hình lạm phát, ông Tiến cho rằng nếu loại trừ yếu tố có tính chất thời vụ thì lạm phát của tháng 4 không phải là 0,2% mà là 0,54% và cùng kỳ lúc này khoảng 10%. Chưa kể đến phân tích rất đáng chú ý tại báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nếu không tăng giá theo các biện pháp hành chính do nhà nước quản lý thì khả năng lạm phát năm 2013 khoảng 6 -7%.

Tuy nhiên, với than, điện phải theo giá thị trường, tăng lương tối thiểu còn là vấn đề bỏ ngỏ, 7 tỉnh - thành phố chưa điều chỉnh giá dịch vụ y tế…, ông Tiến nhìn nhận là có khá nhiều yếu tố có thể tác động khiến lạm phát tăng cao.

“Vì thế, chúng tôi không chia sẻ được sự lạc quan của Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn là khả năng kiểm soát lạm phát trong tầm tay và cần tập trung vào dư địa của chính sách tiền tệ theo hướng mở rộng và giảm tiếp lãi suất”,  Phó thống đốc nhấn mạnh.

Ông Tiến cũng nói lại quan điểm tại báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, là chính sách tiền tệ đã được khai thác tối đa, dư địa không còn nhiều nên vẫn kiến nghị Chính phủ trong bối cảnh thu ngân sách đạt thấp, đầu tư khu vực nhà nước giảm thì việc sử dụng chính sách tài khóa kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác mới là cơ bản. Còn nếu chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ và tiếp tục giảm lãi suất thì sẽ phải cân nhắc thêm.

Trước đó, một vị đại biểu là thành viên ủy ban Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội băn khoăn rằng vốn vay dư nợ huy động tăng, nhưng cho vay gần như không tăng thì vốn ngân hàng đi đâu? Phải chăng vào trái phiếu Chính phủ? Trước băn khoăn này, ông Tiến khẳng định trái phiếu Chính phủ không được thống kê vào tăng trưởng tín dụng.

Vậy tại sao tăng trưởng cho vay thấp? Đặt câu hỏi này rồi trả lời luôn, ông Tiến tỏ ý đồng tình với quan điểm cần phân tích về tổng cầu của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu. Bởi đây là nguyên  nhân cơ bản làm cho nhu cầu vay vốn thấp. Cho hay là tới đây Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia sẽ bàn về chuyên đề tín dụng, ông Tiến hy vọng nghiên cứu của các chuyên gia, nhà quản lý sẽ làm sáng tỏ hơn vấn đề này.

Trước phản ánh của một số đại biểu về việc doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, ông Tiến dẫn thông tin mới được VCCI công bố cho thấy khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là tìm đầu ra cho sản phẩm. 78% doanh nghiệp cho rằng hàng tồn kho cao là trở ngại lớn nhất, ông nhấn mạnh.

Nhắc lại băn khoăn về con số thật và tỷ lệ giảm nợ xấu của môt số đại biểu, ông Tiến cũng trấn an rằng, “các đồng chí không phải băn khoăn là nợ xấu biến đi đâu, nợ xấu không chỉ nằm chết, mà luôn luôn được xử lý bằng nhiều biện pháp, nên giảm xuống là điều bình thường”.

Cuối cùng, liên quan đến quản lý vàng, nhắc lại ý kiến của đại biểu Lê Nam là dường như chỉ thấy Ngân hàng nhà nước đi bán vàng, Phó thống đốc nói, ông “có chút băn khoăn”.

Khẳng định các giải pháp quản lý thị trường vàng trong đó có đấu thầu vàng nằm trong chủ trương của Chính phủ. Song, “rất không may mắn thị trường vàng thế giới biến động rất bất thường, các nhà đầu tư tài giỏi nhất cũng đang ôm hận cả rồi”, ông Tiến giải trình.

Cũng theo lý giải của ông thì giá vàng trong nước còn chênh với nước ngoài là do cầu trong nước cao hơn, nhưng nhu cầu dân mua vàng không lớn, mà do khu vực ngân hàng có nhu cầu lớn vì phải cân đối lại nguồn huy động vàng trước đây.

“Chúng tôi tin rằng, chỉ một thời gian nữa như cầu của dân không lớn, khi ngân hàng dừng huy động và cho vay bằng vàng thì thị trường sẽ ổn định hơn và giá vàng có điều kiện giảm thấp, lúc đó thông tin về thị trường vàng sẽ giảm dần trên mặt báo”, ông Tiến nói.

                                                                          NGUYÊN THẢO
                                                                     (Nguồn vneconomy.vn)

Thursday, April 11, 2013

“Cứ điểm” nợ xấu nằm ở đâu?

Ba thành phố lớn nhất nước cũng đồng thời sở hữu tỷ trọng nợ xấu lớn nhất...


Hà Nội có lẽ là địa phương đứng đầu cả nước về tỷ lệ nợ xấu vì thị phần tín dụng đứng đầu cả nước, tập trung hội sở nhiều ngân hàng thương mại nhà nước, cổ phần lớn.

Số liệu thống kê từ khoảng 10 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước địa phương cho thấy, Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng có tỷ trọng nợ xấu đứng đầu.

Đó cũng là nơi có tỷ trọng vốn cho 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp và nông thôn, sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) thấp hơn so với các địa phương khác.

“Nợ phố” ít vào sản xuất

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM cho biết, đến cuối tháng 2/2013, nợ xấu trên địa bàn thành phố chiếm 5,98% tổng dư nợ, trong đó, nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) chiếm 62,8% tổng nợ xấu.

Phân tích chi tiết khối như sau: ngân hàng thương mại nhà nước: 5,78%; ngân hàng thương mại cổ phần: 5,6%; ngân hàng liên doanh: 5,64%; ngân hàng thương mại nước ngoài: 2,29%, công ty tài chính: 19,54%, công ty cho thuê tài chính: 46,97%.

Đã gần một năm, kể từ khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tìm cách tháo gỡ khó khăn cho thị trường, trong đó có thị trường bất động sản, như không phân biệt tín dụng sản xuất kinh doanh và phi sản xuất kinh doanh, thông qua gỡ bỏ hạn mức với tín dụng phi sản xuất. Nhưng không vì thế mà dư nợ bất động sản cũng như nợ xấu của chúng được cải thiện tích cực.

Hà Nội có lẽ là địa phương đứng đầu cả nước về tỷ lệ nợ xấu vì thị phần tín dụng đứng đầu cả nước, tập trung hội sở nhiều ngân hàng thương mại nhà nước, cổ phần lớn.


Tính đến nay, dư nợ tín dụng bất động sản của Tp.HCM ước 88.480 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản là 79.469 tỷ; cho vay mua, xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, cho thuê, xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở khu chế xuất là 9.020 tỷ đồng. Nợ xấu cho vay bất động sản chiếm 6,13%/ tổng dư nợ cho vay bất động sản.

Còn ở Hà Nội, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố thì đến cuối tháng 2/2013, dư nợ tín dụng là 616.600 tỷ đồng, chiếm 25% tổng dư nợ toàn ngành cho nền kinh tế.

Trong tổng dư nợ nói trên, cơ cấu cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên: tam nông: 6,2%; tín dụng xuất khẩu: 10%; doanh nghiệp vừa và nhỏ: 8,5%, có nghĩa, dư nợ dành cho khu vực sản xuất bền vững chiếm tỷ trọng thấp.

Hà Nội có lẽ là địa phương đứng đầu cả nước về tỷ lệ nợ xấu vì thị phần tín dụng đứng đầu cả nước, tập trung hội sở nhiều ngân hàng thương mại nhà nước, cổ phần lớn. Tại hội nghị ngành ngân hàng làm việc với lãnh đạo Hà Nội ngày 29/3, bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Hà Nội cho biết: “Dự phòng rủi ro đã trích lập chưa sử dụng đến cuối tháng 11/2012 tương đương 58,31% nợ xấu. Đến cuối tháng 12/2012, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã xử lý được 45 nghìn tỷ đồng nợ xấu”.

Một địa phương khác có tỷ lệ nợ xấu cao là  Đà Nẵng.

Theo ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng thì đến cuối 2012, tổng dư nợ của thành phố ước đạt 50.739 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu cho vay lĩnh vực nông nghiệp chỉ vỏn vẹn 1,72%, công nghiệp 18,8%; thương mại và dịch vụ: 19,91%; xây dựng: 13,65%; vận tải: 2,62%; lĩnh vực khác 43,26%. Nợ xấu của Đà Nãng ở mức 2.143 tỷ đồng, chiếm 4,22% tổng dư nợ.

 “Nợ quê” thấp hơn “nợ phố”
Trong khi đó, ở những địa phương không bị tác động nhiều bởi bất động sản, chứng khoán, “dự án lớn” thì tỷ lệ nợ xấu lại rất thấp. Ông Trần Luyện, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ngãi cho biết, đến cuối 31/12/2012, tổng nguồn huy động đạt 18.638 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 24.239 tỷ đồng.

Mặc dù phải điều chuyển vốn nơi khác về nhưng nợ xấu của Quảng Ngãi đến 31/12/2012 chỉ còn 353 tỷ đồng, chiếm 1,46% tổng dư nợ!

Một điều ngẫu nhiên là trong cơ cấu tín dụng ở tỉnh này, “tam nông” đạt 4.950 tỷ đồng, chiếm 20,42%, phần lớn do Agribank cung cấp; tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 5.880 tỷ, chiếm 24,26%, tín dụng xuất khẩu đạt 638 tỷ, chiếm 2,63%.

Bình Dương là địa phương có số dư huy động và  tín dụng vào dạng “khủng” khi lần lượt là  75.835 tỷ đồng và 53.686 tỷ đồng (tính đến 28/2/2013) nhưng nợ xấu chỉ 1.147 tỷ đồng, tương ứng 2,13% trên tổng dư nợ.

Trong cấu trúc tín dụng của Bình Dương thì nông, lâm ngư nghiệp đạt 3.538 tỷ đồng, chiếm 6,57% tổng dư nợ; thương mại dịch vụ: 21.716 tỷ đồng, chiếm 40,36% tổng dư nợ; công nghiệp đạt 28.553 tỷ đồng, chiếm 53,07% tổng dư nợ.

Đồng Nai là địa phương sầm uất về kinh tế, tổng dư nợ đến hết 2012 là 67.684 tỷ đồng nhưng nợ xấu chỉ chiếm 2,36%. Hoặc, theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước thì tại 12 tỉnh khu vực Tây Bắc, tổng dư nợ tín dụng đến 28/2/2013 đạt 108.676 tỷ đồng nhưng tổng nợ xấu chỉ 1.558 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,43% tổng dư nợ. Con số không thấm thấp gì so với nợ xấu ở Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng cũng như tỷ lệ chung toàn quốc.

Có lẽ, nhiều tổ chức tín dụng đã biết lựa chọn vốn đẩy vào đâu để vừa an toàn, vừa sinh lợi.


Tiếp xúc với chi nhánh Agribank An Giang, bà Đỗ Thúy Hà, Giám đốc Agribank huyện Thoại Sơn cho biết, tổng dư nợ đến 31/12/2012 của huyện này là 631,474 tỷ đồng nhưng nợ xấu (nhóm 3 - 5) chỉ 10 tỷ đồng, chiếm 1,6%/tổng dư nợ. Một đặc điểm nổi bật trong các báo cáo từ các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh địa phương là cho vay khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, “tam nông”, xuất khẩu luôn có hệ số rủi ro thấp nhất so với cho vay các lĩnh vực khác.

Ông Trần Đình Quyền, chủ doanh nghiệp điện hơi Tín Thành, khách hàng của Agribank An Phú (Tp.HCM) cho biết thêm, cách đây 3 năm, doanh nghiệp của ông vay ngân hàng 400 tỷ đồng nhưng nay đã trả hết 300 tỷ đồng tiền gốc, doanh thu 2012 tăng 73% so với 2011. Đặc thù của doanh nghiệp này là thu mua vụn gỗ, mùn cưa, trấu, phế phẩm công nghiệp đốt bằng lò Biomass để cung cấp hơi sạch cho các nhà máy.


Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Bắc vừa qua, trong số hơn 26 dự án được cấp phép, trị giá 9.463 tỷ đồng thì du lịch dịch vụ: 1.300 tỷ đồng (14%), công nghiệp chế biến, trồng cây công nghiệp: 3.200 tỷ đồng (30%); thủy điện và khác: 3.063 tỷ đồng (36%) và khai khoáng chỉ 20%.

Ròng rã 3 năm nay, nhiều resort, chung cư cao cấp ở Hà Nôi, Tp.HCM hay Đà Nẵng, cần cẩu giương lên từ đầu năm nhưng cuối năm vẫn chưa cụp xuống, hay những hố móng nhà trở thành ao cá bên bờ sông Hàn. Có lẽ, nhiều tổ chức tín dụng đã biết lựa chọn vốn đẩy vào đâu để vừa an toàn, vừa sinh lợi.

                                                                                      (Nguồn Vneconomy.vn)

Friday, October 19, 2012

Tiền... đi đâu về đâu?

NH không ngừng chạy đua lãi suất để đảm bảo thanh khoản, đảm bảo cung tiền nhưng không ít người thắc mắc tỷ lệ huy động vốn khá cao nhưng tiền dư nợ tín dụng lại rất thấp. Điều này đồng nghĩa với việc tiền không đi vào sản xuất, vào nền KT, vậy tiền đang đi đâu về đâu?

Ngân hàng lại "chạy đua” lãi suất

Sau một thời gian yên ắng, đến nay các ngân hàng lại tiếp tục vào cuộc tranh đua lãi suất mới. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng tuần cuối tháng 9 cho thấy, nhiều ngân hàng đang có lãi suất tiền gửi khá cao từ 12,5-13% với kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng. Các ngân hàng Thương mại cổ phần Dầu khí toàn cầu, Bắc Á, Việt Nam Thương Tín… có lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn 12, 13 tháng. Không chịu "thua chị kém em”, một số ngân hàng lớn như ACB, Eximbank, Sacombank cũng tăng lãi suất kỳ hạn 12, 13 tháng lên. Được biết, đây là những kỳ hạn không bị Ngân hàng Nhà nước khống chế trần lãi suất theo quy định.

Nói về nguyên nhân của cuộc chạy đua lãi suất, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đó là thực tiễn không thể chối bỏ. Một hệ thống ngân hàng với nhiều ngân hàng có quy mô khác nhau nhưng cạnh tranh trên cùng một thị trường thì không tránh khỏi các cuộc chạy đua lãi suất. Thực tế cho thấy, ngân hàng nhỏ luôn bị sức ép là phải chạy đua lãi suất để huy động vốn còn không phải phụ thuộc vào thị trường 2 hoặc liên ngân hàng. "Thời gian qua, theo chính sách điều tiết tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nên một số ngân hàng nhỏ bị hạn chế mức tăng trưởng trong năm 2012. Vì quy mô nhỏ và cần nhiều thanh khoản nên họ phải tăng huy động. Nếu nhìn vào báo cáo tài chính của một số ngân hàng trong quý 1 và quý 2 thì thấy rằng, rất nhiều hạng mục được chuyển sang tín dụng, tức là, từ nhiều tài khoản khác chuyển sang tín dụng và khi tín dụng "bùng lên” đụng trần thì ngân hàng thương mại tiếp tục xin Ngân hàng Nhà nước nới trần, buộc phải chạy đua lãi suất”, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chính sách công (chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) khẳng định.

Tình trạng hút vốn khách hàng bằng cách "vượt rào” lãi suất huy động giữa các ngân hàng có thể gây ra sự rối loạn thị trường. Mặc dù đã có sự can thiệp của cơ quan chức năng song ngân hàng vẫn lách luật. Cho nên, dùng biện pháp hành chính chỉ êm trong một thời gian  sau đó lãi suất lại "dậy sóng”.

Tiền không vào nền kinh tế

Dù tình hình đua lãi suất vẫn gia tăng, tiền trong hệ thống ngân hàng dồi dào nhưng mức độ cho vay vào nền kinh tế lại hạn chế. Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, hiện nay các ngân hàng huy động vốn đến 11% nhưng cho vay chỉ có 2,35%. Vấn đề đặt ra là tiền đang đi về đâu?

Lý giải nguyên nhân đồng tiền đang quanh quẩn đâu đó và chưa đi vào nền kinh tế, ông Trương Đình Tuyển cho biết: "Đồng tiền chưa đi vào nền kinh tế bởi cầu yếu. Doanh nghiệp có khả năng tìm thương vụ kinh doanh nhưng nợ xấu lớn nên không tiếp cận được vốn”.

Cũng tìm lời giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành phân tích rõ, nếu nhìn vào kinh nghiệm quốc tế thì điều này xảy ra khi nền kinh tế bước vào thoái nợ, tức là người vay đang muốn giảm nợ nên tín dụng không tăng. Hơn nữa, nhìn vào bảng cân đối kế toán của các ngân hàng thấy rõ, dòng tiền huy động của ngân hàng tập trung tại các hạng mục tài sản khác. Tức là tiền cho vay đã được tái cơ cấu và chuyển cho công ty con như trong báo cáo hợp nhất; nợ xấu được thể hiện vào hạng mục tài sản khác như trái phiếu chính phủ. Bởi vì theo ngân hàng, đầu tư vào trái phiếu chính phủ an toàn hơn, còn cho doanh nghiệp vay trong thời gian này mức rủi ro sẽ rất cao. Đó chính là lý do tại sao tiền huy động tăng nhanh hơn nhưng không vào được sản xuất.

Ông Thành cho biết thêm, về khía cạnh doanh nghiệp. Những doanh nghiệp khỏe mà ngân hàng sẵn sàng cho vay lại chính là doanh nghiệp muốn trả hết nợ vì họ muốn củng cố bảng ngân sách kế toán, kỳ vọng của những doanh nghiệp này vào nền kinh tế không cao, không muốn đẩy mạnh đầu tư trong khi ngân hàng thì muốn cho vay. Còn những doanh nghiệp muốn vay ngân hàng để đầu tư sản xuất ngân hàng lại từ chối vì họ cho rằng doanh nghiệp này có ý định vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác.

                                                                                      Theo Đại Đoàn Kết

Monday, September 24, 2012

TÁI CƠ CẤU NGÂN HÀNG ĐANG ĐẾN ĐÂU?

Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được chia làm ba giai đoạn: củng cố thanh khoản, lành mạnh tài chính thông qua xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hoạt động. Nhưng đến nay, khi kết thúc giai đoạn 1 thì tiến trình bị chậm lại.

Quanh chủ đề nêu trên, cũng như cách nào để giải quyết tình trạng đóng băng tín dụng, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn tài Chính tiền tệ quốc gia.

“Sức đề kháng của hệ thống khá tốt”

Thưa ông, sau gần một năm triển khai Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, ông có đánh giá gì về kết quả thực hiện của giai đoạn 1?

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là chương trình có tính nền tảng để tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế. Chương trình này được chia làm 3 giai đoạn, gồm: củng cố thanh khoản hệ thống ngân hàng mà trọng tâm là thanh khoản một số ngân hàng có vấn đề; lành mạnh hóa tài chính của các ngân hàng thương mại mà trọng tâm là xử lý nợ xấu và minh bạch hóa tài chính; tái cơ cấu tổ chức, hoạt động và quản trị hệ thống ngân hàng.

Cho đến nay, giai đoạn 1 đã đạt được kết quả quan trọng, thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng đã được củng cố và ổn định, một số ngân hàng nhỏ nguy cơ mất khả năng thanh toán đã được ngăn chặn và đang hoạt động ổn định trở lại.

Qua những sự kiện gần đây của một số ngân hàng càng chứng tỏ sức đề kháng của toàn hệ thống khá tốt và khả năng xử lý cú sốc của các ngân hàng và của Ngân hàng Nhà nước đáng tin cậy. Hoạt động thị trường liên ngân hàng đã được chấn chỉnh theo hướng minh bạch hơn. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng khá ổn định và giảm mạnh từ mức trên 20% xuống còn 10% - 12%, tùy thuộc vào kỳ hạn.

Nhiều ngân hàng thương mại quy mô vừa trở lên đều có dự trữ vốn khả dụng tốt. Tăng trưởng huy động vốn từ dân cư khá cao, kể cả nội tệ và ngoại tệ. Kết quả này tạo tiền đề cho việc thực hiện giai đoạn tiếp theo của chương trình.

Trong số 5 ngân hàng thương mại phải sáp nhập vừa qua, có 2 đơn vị là TienphongBank và Habubank được xử lý theo hướng “xã hội hóa” thay vì Nhà nước bỏ tiền tái cấu trúc như với 3 đơn vị trước đó. Ông nhận xét gì về cách làm này?

Có thể nói Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời can thiệp xử lý những ngân hàng có nguy cơ sụp đổ lớn nhất, đã thành công và đã loại bỏ được tác động xấu lan truyền của nó đến toàn hệ thống.

Một số ngân hàng khó khăn khác cũng được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản, và tạo điều kiện cho việc mua lại hoặc sáp nhập theo nguyên tắc thị trường. Bằng cách này, việc xử lý các ngân hàng yếu đỡ tốn kém hơn, đồng thời cùng tận dụng được lực lượng thị trường để giải quyết.

Cũng có ý kiến cho rằng nên giải quyết nhanh vấn đề này bằng việc quốc hữu hóa ngân hàng như một số nước đang làm. Tôi cho rằng chúng ta cần dùng tiền vào việc khác quan trọng hơn như xử lý nợ xấu, nhưng trong trường hợp cần thiết có thể đó cũng là một lựa chọn hợp lý.

Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước đang để ngỏ vấn đề này để thị trường xử lý trước là một cách làm khôn ngoan.

“Công ty mua bán nợ phải có đầy đủ quyền lực”

Có ý kiến cho rằng, sự loay hoay của Ngân hàng Nhà nước với đề án xử lý nợ xấu thông qua công ty mua bán nợ chính là nguyên nhân dẫn đến sự đình trệ của giai đoạn tiếp theo, ý kiến ông như thế nào?

Giai đoạn 2 là lành mạnh hóa tài chính tập trung xử lý nợ xấu đã được khởi động bằng một loạt các quy định của Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tái cơ cấu lại nợ, như giãn nợ, giảm lãi suất, đẩy mạnh thủ tục pháp lý để xử lý nợ...

Ngân hàng Nhà nước cũng trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội cho phép miễn giảm một số loại thuế, phí đối với các ngân hàng được xử lý mua, bán, sát nhập.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ Đề án thành lập công ty mua bán nợ tập trung để xử lý trên quy mô lớn nợ xấu đang là “vật cản chủ yếu” đối với việc bình thường hóa quan hệ tín dụng, tạo ra dòng chảy hợp lý về vốn của nền kinh tế.

Tuy nhiên, quy mô nợ xấu là khá lớn, vượt quá khả năng tự xử lý các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, vì vậy, nhất thiết phải đưa vào nguồn vốn của Nhà nước. Vốn cần nhiều hay ít lại phụ thuộc vào vòng quay của mua nợ và bán nợ nhanh hay chậm.

Điều quan trọng là Ngân hàng Nhà nước và Công ty mua bán nợ phải dự kiến thành lập có đầy đủ quyền lực để xử lý nhanh các giao dịch trên thị trường mua bán nợ.

Giai đoạn 3, các chương trình tái cơ cấu cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị, bằng việc chuẩn bị ban hành một số quy định sửa đổi quyết định 493 về phân loại tài sản, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, các quyết định về chỉ tiêu an toàn hệ thống, về công khai minh bạch tài chính, về chuẩn mực kế toán và báo cáo tài chính ...

Nếu các thao tác pháp lý thuận lợi thì năm 2013 sẽ là năm trọng tâm của chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và có thể kết thúc vào năm 2015.

Lòng tin được cải thiện?

Ông thấy nhận thức của người dân với ngân hàng hiện nay so trước như thế nào?

Rất tốt là trong những năm qua chúng ta đã tạo lập được một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn, cùng với các ngân hàng thương mại Nhà nước hình thành trụ cột khá vững của thị trường tài chính nói chung và thị trường tiền tệ nói riêng.

Chính nhờ những ngân hàng hàng đầu này mà rủi ro đổ bể hệ thống đã giảm thiểu đáng kể. Thời gian gần đây, chúng ta đã chứng kiến Sacombank và ACB vẫn đứng vững và phục hồi ổn định trước những cú sốc mạnh gấp nhiều lần so với những cú sốc đã từng xảy ra trong lịch sử ngân hàng thương mại Việt Nam.

Điều này cũng chứng tỏ lòng tin của người gửi tiền đối với những ngân hàng này đã được cải thiện hơn nhiều so với cách đây 10 năm.

Các ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu đều có vốn điều lệ lớn, cấu trúc tài sản hợp lý, nền tảng công nghệ hiện đại, hệ thống quản trị đang được chuyên nghiệp hóa và khả năng sinh lời ổn định.

Cứ 6 tháng một lần chúng tôi xác lập bản đồ định vị hiệu quả hoạt động của tất cả các ngân hàng thương mại.

Kết quả cho thấy nhóm ngân hàng cổ phần hàng đầu như Sacombank, ACB, Eximbank, SHB… có vị thế khá ổn định trước, trong và sau khủng hoảng tài chính quốc tế. Trong khi một số ngân hàng nhỏ hơn như An Bình, Liên Việt, Quốc tế, Đại Dương… có sự thay đổi định vị khá tích cực.

Điều này cho thấy công cuộc tái cơ cấu ngân hàng là một quá trình mà từng ngân hàng tự tái cơ cấu và hiện đại hóa có vai trò quyết định, đó là những bằng chứng thực tiễn để các ngân hàng khác tham khảo.

Tất nhiên, quá trình tái cấu trúc mới đi được những bước đầu tiên rất cần sự chỉ đạo, giám sát và hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước cũng như sự cải thiện của cơ sở pháp lý và môi trường kinh doanh.

Sử dụng dự phòng để khoanh nợ xấu?

Dù vậy nhưng một điểm nóng của hệ thống ngân hàng từ nay đến hết năm là giải quyết tình trạng đóng băng tín dụng. Ông có “kế sách” gì?

Phục hồi lại tăng trưởng tín dụng hợp lý để tăng thanh khoản cho nền kinh tế là vấn đề đáng quan tâm nhất trước mắt. Tín dụng ngân hàng quyết định 80% đầu tư của doanh nghiệp nội địa, 30% đầu tư công từ ngân sách và khoảng 30% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Điều này cho thấy vai trò chi phối của tính dụng ngân hàng đến toàn bộ hoạt động kinh tế lớn đến mức nào. Tín dụng bị đóng băng là căn bệnh đã bóp nghẹt nhiều nền kinh tế lớn như Thụy Điển, Nhật Bản, Brazil, Agentina trước đây và cả châu Âu, Mỹ hiện nay mà chủ yếu là do nợ xấu.

Mỹ, ECB và nhiều nước đã phải chi hàng ngàn tỷ đồng để mua nợ xấu, phá băng tín dụng. Gói QE3 của Mỹ vừa công bố có thể coi là hành động mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử tiền tệ thế giới.

Ở Việt Nam, trước mắt khi chưa có công ty mua bán nợ tập trung ra đời, cũng cần có hành động cụ thể và quyết liệt để xử lý việc đóng băng tín dụng có liên quan đến nợ xấu.

Tôi cho rằng Chính phủ nên quyết định cho phép Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại sử dụng dự phòng rủi ro để khoanh nợ xấu (đưa ra ngoại bảng, không thu lãi) và cho vay mới đối với các doanh nghiệp có nợ xấu nhưng có khả năng phục hồi và phát triển. Đặc biệt là cho vay vốn lưu động để duy trì sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm, ổn định kinh tế - xã hội lấy lại lòng tin cho doanh nghiệp.

Đây là một quyết định quan trọng có tầm ảnh hưởng rất lớn, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi tạo ra phần lớn việc làm và thu nhập cho dân cư. Nợ khoanh sẽ được xử lý khi công ty mua bán nợ tập trung ra đời, hoặc các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp xử lý dần theo thị trường.

                                                                                            NGUYỄN HOÀI
                                                                                    (Nguồn vneconomy.vn)