Saturday, February 23, 2013

Thương tiếc bác NGUYỄN NGỌC GIAO

Đất Bắc sinh ra bác Ngọc Giao.
Tha hương lập nghiệp nhiều gian lao
An Giang đất lành nên nghiệp lớn
Minh Đức công ty tỏ chí cao
Giàu sang do mệnh không cầu cưỡng
Tươi héo bởi trời biết nói sao
Yên lòng bác nhé về chín suối
Một nén hương lòng lệ nhỏ trào.

                     PUT
     Ngày 22 tháng 2 năm 2013

Thursday, February 21, 2013

7 lý do ngăn Trung Quốc và Nhật Bản chiến tranh

TPO - The Economist nhận định, TQ và NB đang lao tới một cuộc chiến. Giáo sư nghiên cứu chiến lược Hugh White của Đại học Quốc gia Australia
cảnh báo: Đừng ngạc nhiên nếu Mỹ và NB chiến tranh với TQ trong năm 2013.

Thay cho nỗ lực giảm nhẹ căng thẳng trong năm 2012, Thủ tướng mới của Nhật Bản Shinzo Abe liên tiếp đưa ra giọng điệu hiếu chiến liên quan tới tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu ngư. Sau mỗi lần chiến đấu cơ hay tàu chiến được điều tới Senkaku/Điếu Ngư, thì ngay lập tức xuất hiện các cảnh báo nguy cơ một cuộc chiến từ cả hai phía.
Tuy nhiên, vẫn có những lý do để tin rằng xung đột hoàn toàn có thể tránh được. Có thể kể đến bảy lý do sau khiến viễn cảnh chiến tranh khó có thể thành hiện thực:
1. Chiến tranh là kịch bản ác mộng của lãnh đạo Trung Quốc
Trung Quốc có thể chiến thắng Nhật Bản, nhưng cũng không loại trừ khả năng họ thua trận. Khi mà Trung Quốc vừa mới bước vào thời kỳ trỗi dậy mạnh mẽ đáng tự hào trong lịch sử dân tộc, chắc chắn lãnh đạo mới của Trung Quốc Tập Cận Bình không muốn mạo hiểm đưa lịch sử Trung Quốc tới một giai đoạn xung đột tàn khốc với cựu thù “đầy cay nghiệt” Nhật Bản.
2. Phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế
Dù thắng hay thua trận, chiến tranh Trung-Nhật sẽ là thảm họa đối với cả nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới. Nền kinh tế lao đao của Nhật Bản đang “hô hấp” bằng 117 tỷ USD tiền kích thích sẽ tiếp tục bị giáng đòn đau nếu các doanh nghiệp Nhật Bản bị tẩy chay khỏi thị trường màu mỡ Trung Quốc. Phía Trung Quốc sẽ mất đi tới 5 triệu việc làm cho công nhân tại các nhà máy của Nhật Bản tại Trung Quốc.
3. Quân đội Trung Quốc chưa thực sự sẵn sàng cho một cuộc chiến
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang nhanh chóng hiện đại hóa, nhưng chưa hẳn đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tại thời điểm hiện tại. Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Lương Quang Liệt gần đây cho PLA Daily biết, Trung Quốc cần thành lập thêm các đơn vị tinh nhuệ cần được để bảo vệ các lợi ích của mình. Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình mới đây vẫn còn kêu gọi PLA cần cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu.
4. Trung Quốc chưa yên bề chính trị
Các vị trí lãnh đạo dân sự và quân đội Trung Quốc vẫn đang được sắp xếp, quá trình chuyển giao quyền lực từ tháng 11-2012 vẫn chưa hoàn tất. Trong khi các lãnh đạo mới còn mải gây dựng ê-kíp cho mình, họ sẽ tìm mọi cách để tránh các thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại – trong đó “xương” nhất là khả năng phát động chiến tranh chống Nhật Bản.
5. Mức độ can thiệp của Mỹ
Phái diều hâu Trung Quốc cho rằng, Mỹ sẽ không bao giờ thay mặt Nhật Bản hay một đồng minh châu Á nào khác để can thiệp vào các tranh chấp tại châu Á. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng này. Một khi khả năng Mỹ can dự lên cao, thì xung đột Trung – Mỹ sẽ khó lường.
6. Chính sách tránh đối đầu quân sự của Trung Quốc
Trung Quốc luôn nói rằng họ ủng hộ các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, và thực tế họ đã nói sao làm vậy. Trung Quốc đã không sử dụng tàu hải quân mà chỉ phái các tàu tuần tra phi vũ trang hoặc vũ trang hạng nhẹ tới các điểm tranh chấp.
Các hãng truyền thông dân tộc chủ nghĩa và một số sỹ quan quân đội Trung Quốc từng nhiều lần kêu gọi chủ chiến với Nhật Bản, nhưng Bắc Kinh đã không hề để ý tới chúng. Việc một khinh hạm Trung Quốc mới đây hướng ra đa vào tàu Hải quân Nhật Bản được cho là một hành vi leo thang mang tính khiêu khích đầy nguy hiểm, nhưng một lần nữa Trung Quốc đã kiểm soát được giới hạn, không để gây ra đụng độ vũ trang với lực lượng của Nhật Bản.
7. Trung Quốc hòa nhập với thế giới
Trung Quốc đã mất nhiều thời gian để chứng tỏ rằng họ không phải là nguy cơ đối với hòa bình thế giới. Nếu Trung Quốc gây nên tranh chấp với Nhật Bản, thì chắc họ sẽ vấp phải phản ứng không hề có lợi từ dư luận khu vực, bởi nhiều nước Đông Á khác cũng đang còn căng thẳng tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không nhượng bộ trong các vấn đề chủ quyền lãnh thổ, nhưng cả hai đều không hứng thú với một cuộc chiến lúc này.
Tương tự các chạm trán nhỏ như tại Kashmir hay biên giới Thái Lan – Campuchia, các xung đột nhỏ giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ không leo thang tới một cuộc chiến toàn diện.

                                                                                theo The Diplomat

Sunday, February 17, 2013

Nhìn lại chiến tranh biên giới 1979

Đúng vào ngày này 34 năm trước (17.2.1979), Trung Quốc bất ngờ tung hơn 60 vạn quân nổ súng xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía bắc, nhưng đã phải rút quân sau hơn một tháng gặp sự kháng cự mãnh liệt của quân và dân ta, chịu nhiều tổn thất nặng nề.

Tuy vậy cuộc chiến tranh xâm lược này cũng mở màn cho cuộc xung đột vũ trang tại biên giới giữa VN và Trung Quốc (TQ) kéo dài suốt 10 năm sau đó. Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an, với độ lùi về thời gian, việc nhìn nhận lại cuộc chiến tranh này là hoàn toàn cần thiết.
Kể từ sau khi VN và TQ bình thường hóa quan hệ (1991), hai bên dường như đều không muốn nhắc lại cuộc chiến này. Từ hơn 30 năm qua, cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc gần như không được nhắc tới. Theo ông tại sao cuộc chiến lại bị rơi vào lãng quên như vậy?
Để trả lời câu hỏi này có lẽ cần cả một hội thảo khoa học. Tôi chỉ xin lưu ý như sau, vào những năm kỷ niệm chẵn 10, 15... hay gần đây nhất là 30 năm sau cuộc chiến tranh chống TQ xâm lược (2009), báo chí, truyền hình của VN gần như không đưa tin gì về sự kiện này. Đây là một sự thiếu sót lớn trên góc độ Nhà nước. Hơn thế nữa, đó là một sự xúc phạm đến linh hồn của những đồng bào, chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tháng 2.1979 và gần mười năm sau đó. Họ nằm dưới mộ có yên không? Gia đình vợ con bạn bè và những người thân thích của họ sẽ nghĩ gì về chuyện này?  Đã có ý kiến cho rằng nhắc đến những chuyện này cũng có nghĩa là kích động chủ nghĩa dân tộc. Tôi có thể khẳng định rằng nói như vậy là ngụy biện.
Trong khi chúng ta im lặng thì những dịp đó chúng tôi đã thống kê hệ thống phát thanh, truyền hình báo chí của TQ tung ra trung bình từ 600-800 tin, bài với những cái tít gần như có nội dung giống nhau về cái mà họ gọi là “cuộc chiến tranh đánh trả tự vệ trước VN”. Có thông tin cho rằng hiện tại có tới trên 90% người dân TQ vẫn quan niệm rằng năm 1979 Quân đội VN đã vượt biên giới sang tấn công TQ và bắt buộc TQ phải tự vệ đánh trả. Từ hàng chục năm nay, hệ thống tuyên truyền của TQ đã nhồi nhét vào đầu người dân TQ rằng cuộc chiến 1979 chỉ là cuộc phản công trước sự xâm lược của VN.
Theo tôi nghĩ, trong tuyên truyền đối nội và đối ngoại, cả ở kênh nhà nước, nhân dân và trên truyền thông, chúng ta phải làm rõ và góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tranh Việt - Trung 1979. Đồng thời góp phần làm cho hơn 1,3 tỉ người TQ biết được sự thật rằng vào ngày đó hơn 60 vạn quân TQ đã vượt biên giới xâm lược VN. Việc chúng ta im lặng hàng chục năm qua, theo tôi là  không đúng. Việc nói ra cũng không liên quan gì chuyện kích động chủ nghĩa dân tộc. Hãy thử so sánh chuyện đó với việc TQ tung ra hàng nghìn bài báo xuyên tạc lịch sử từ hàng chục năm qua.
Với độ lùi về thời gian, theo ông chúng ta có thể rút ra những điều gì từ cuộc chiến tranh này? Những điều đó có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện tại ?
Theo tôi, khoảng thời gian 34 năm đã là khá đủ cho chúng ta nhận thức lại những vấn đề xung quanh cuộc chiến 1979. Thế nhưng đến giờ phút này tôi có cảm giác không phải lúc nào chúng ta cũng có được sự nhận thức thống nhất, nhất quán từ trên xuống dưới.
Vấn đề thứ nhất, phải xác định rõ về mặt khoa học, cuộc chiến 1979 là cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Đây là vấn đề phải nhận thức rõ từ cấp cao nhất. Sự nhận thức ấy cũng phải được thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đây là chuyện không được phép mơ hồ.
Không chỉ nhận thức mà Nhà nước có trách nhiệm đưa câu chuyện này vào sách giáo khoa. Thực tế cho thấy phần lớn học sinh tiểu học, trung học và thậm chí đa số trong 1,4 triệu sinh viên hầu như không biết gì về cuộc chiến tranh này. Nếu để tình trạng này kéo dài, trách nhiệm thuộc về Nhà nước. Chắc chắn chúng ta sẽ không tránh được sự phê phán của thế hệ sau này. Hàng vạn người con ưu tú của chúng ta đã bỏ mình để bảo vệ từng tấc đất biên giới phía bắc của Tổ quốc, tại sao không có một dòng nào nhắc đến họ? Bây giờ đã quá muộn. Nhưng không thể để muộn hơn được. Theo quan điểm của tôi, Nhà nước phải yêu cầu đưa phần này vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Chúng ta không thể mơ hồ được, không thể  lờ đi vấn đề lịch sử này được.
Tôi đã nhiều lần trao đổi với các học giả nước ngoài và họ đã thắc mắc khá nhiều chuyện tại sao sự kiện chiến tranh chống quân TQ xâm lược năm 1979 lại không được nhắc đến trong các giáo trình lịch sử của VN. Tôi đã phải chống chế với lý do rằng người VN muốn quên đi quá khứ và hướng đến tương lai. Nhiều học giả Hàn Quốc, Nhật Bản đã phản bác tôi vì “Lịch sử là lịch sử. Quá khứ là quá khứ. Tương lai là tương lai”. Họ nói rằng: “Chúng tôi biết người VN rất nhân hậu, muốn hòa hiếu với các dân tộc khác. Nhưng điều này không thể thay thế cho trang sử chống ngoại xâm này được”.
Thứ hai,  trong thế giới hiện đại toàn cầu hóa, các quốc gia đều phụ thuộc lẫn nhau. Không có quốc gia nào hoàn toàn độc lập tuyệt đối. Ngay cả Mỹ nhiều lúc cũng phải nhân nhượng các quốc gia khác. Chúng ta không có quan niệm về độc lập chủ quyền tuyệt đối trong thời đại toàn cầu hóa. Nhưng trong bối cảnh này, phải nhận thức rõ cái gì là trường tồn? Theo tôi có 3 thứ là chủ quyền quốc gia, ý thức dân tộc và lợi ích quốc gia. Ở đây chúng ta phân biệt chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, chủ nghĩa dân tộc nước lớn với lòng yêu nước chân chính, ý thức tự tôn tự hào dân tộc. Hai cái đó khác nhau. Người VN có truyền thống yêu nước, có tinh thần chống ngoại xâm bất khuất, đó là điều cần được phát huy trong 92 triệu người VN trong và ngoài nước.
Chủ quyền quốc gia, ý thức dân tộc và lợi ích quốc gia là những cái “dĩ bất biến”, những cái còn lại là “ứng vạn biến”. Những chuyện “16 chữ”, “bốn tốt” trong quan hệ với TQ là “ứng vạn biến”. Bài học từ cuộc chiến chống xâm lược năm 1979 cho thấy nếu không nhận thức được điều này thì rất nguy hiểm.
Thứ ba, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, tiêu chí để phân biệt người yêu nước hiện nay là anh có bảo vệ lợi ích quốc gia hay không. Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn. Năm nay chúng ta chuẩn bị tổng kết Nghị quyết T.Ư 8 (7.2003) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Tôi thấy có một quan điểm bây giờ vẫn đúng, đó là: "Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh". Đồng thời, cũng phải có cách nhìn biện chứng về đối tượng và đối tác: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta, cần phải đấu tranh.
Nhìn lại từ câu chuyện của 34 năm trước đến những căng thẳng hiện tại trong vấn đề biển Đông, theo ông có thể hy vọng gì ở tương lai trong quan hệ giữa VN và TQ ?
Tạo ra lòng tin, sự hữu nghị chân thật giữa hai nước là con đường tất yếu nhưng đòi hỏi thời gian lâu dài và từ cả hai phía. Đây không phải là điều có thể hy vọng có được trong vài ba năm tới đây. Lịch sử mách bảo chúng ta muốn giữ được hòa bình, ổn định, giữ được độc lập tự chủ thì điều quan trọng nhất là giữ được lòng dân. Trên dưới một lòng, có được sự đoàn kết dân tộc thì chắc chắn không có kẻ xâm lược nào dám dại dột động đến chúng ta cả. Lịch sử VN đã cho thấy những lần mất nước đều bắt đầu từ việc chính quyền mất dân. Năm 179 trước CN An Dương Vương để mất nước là do mất dân. Một ông vua đứng đầu quốc gia mà tin vào kẻ thù thì chuyện mất nước là không thể tránh khỏi. Năm 1406, nhà Hồ mất nước cũng vì đã mất dân. Đến mức độ nhà Minh truy bắt cha con Hồ Quý Ly thì chính những người trong nước đã chỉ điểm cho quân Minh. Năm 1788 Lê Chiêu Thống sang cầu viện Mãn Thanh đưa 20 vạn quân sang giày xéo quê cha đất tổ cũng là ông vua đã mất dân. Đó là bài học muôn đời để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
                                                                               Ng.Phong thực hiện
                                                                        
(Nguồn thanhnien.com.vn)