Thursday, September 6, 2012

CẨM SẮT

(Lý Thương Ẩn)
1. Nguyên văn phổ biến:

Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền,
Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên.
Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp,
Vọng đế  xuân tâm thác đỗ quyên.
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ,
Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên.
Thử tình khả đãi thành truy ức,
Chỉ thị đương thì dĩ võng nhiên.

Ðàn gấm, năm mươi sợi ảo huyền
Từng dây, từng trục gọi hoa niên
Trang sinh, mộng sớm mơ hồn bướm
Thục đế, lòng xuân gửi tiếng quyên
Trăng sáng, lệ châu nhòa Bích Hải
Nắng hanh, khói ngọc tỏa Lam Ðiền
Tình này ôn lại còn thương cảm
Một thuở đau lòng chữ nợ duyên.
     (bản dịch của Vương Thanh)

2. Dịch nghĩa:

- Cẩm sắt: là cây đàn sắt có chạm trổ. Đàn sắt là loại đàn lớn làm bằng gỗ cây ngô đồng. Đàn sắt và đàn cầm là hai loại đàn cổ, chữ cầm sắt thường dùng để chỉ vợ chồng hòa hợp, như đàn sắt đàn cầm hòa nhau.
- Vô đoan: do đâu, từ đâu, không có lý do.
- Ngũ thập huyền: Theo truyền thuyết, khi Tố Nữ gảy đàn sắt tế trời theo lệnh vua Phục Hy, đàn này có 50 dây. Nhưng vì tiếng đàn quá ai oán não nùng, Phục Hy cấm không cho sử dụng đàn này nữa. Sau đó, vì dân chúng vẫn không chịu tuân lệnh, Phục Hy mới cho phép dùng nửa số dây, từ đó đàn sắt chỉ có 25 dây.
- Trụ: trụ, trục.
- Tư; tứ: nghĩ, nhớ; ở đây dùng theo nghĩa “gợi nhớ”.
- Hoa niên: thanh xuân; tuổi trẻ; thời kỳ rạo rực yêu đương.
- Trang sinh: tức Trang Tử hay Trang Chu.
Câu 3 của bài thơ lấy ý tưởng trong thiên “Tề vật luận” của Trang Tử: “Ngày xưa, Trang Chu chiêm bao thấy mình hóa bướm bay nhởn nhơ, tự lấy làm thích chí, quên mình là Chu. Bất giác tỉnh giấc, thấy hình thù mình vẫn là Chu. Không biết Chu chiêm bao là bướm, hay bướm chiêm bao là Chu!”
- Vọng đế: đế hiệu của vua Đỗ Vũ nước Thục cuối đời Chu (nên còn gọi là Thục đế).
- Xuân tâm: lòng xuân, còn có nghĩa như xuân tình.
- Đỗ quyên: còn gọi là Tử qui hay Đỗ Vũ.
Theo điển tích, Đỗ Vũ là vua nước Thục. Trong một trận đại thủy tai, ông có sai bầy tôi là Miết Linh ra làm công tác khắc phục lũ lụt. Ở triều, ông vua này lại tư tình với vợ Miết Linh. Đến khi Miết Linh về, ông lại nghe lời người đàn bà này truyền ngôi  cho Miết Linh rồi đi vào rừng ẩn dật. Sau Thục đế chết hóa thành chim đỗ quyên có tiếng kêu “quốc quốc” vì  tiếc thương nhớ nước.
- Thương hải: biển xanh, còn có nghĩa là biển rộng, biển cả. Thương hải cũng có khi dùng để chỉ tên một biển hư cấu ở cõi tiên.
- Nguyệt minh: Trăng sáng.
- Nguyệt minh châu hữu lệ: Theo Văn tuyển (Lý Thiện chú thích), “khi trăng đầy, trai có ngọc (châu), khi trăng khuyết trai không có ngọc” (nguyệt mãn tức châu toàn, nguyệt khuy tức châu khuyết). Theo cuốn Biệt quốc động minh ký thời Lục Triều, ngày xưa có người lặng xuống đáy biển tìm ngọc, lạc vào cung điện của nhân ngư, tìm được bảo ngọc do nước mắt của nhân ngư đọng lại. Ngoài ra câu này còn có thể hiểu theo điển tích “thương hải di châu” (hạt ngọc bỏ rơi trong biển cả), ngụ ý là người có tài mà không có chỗ thi thố.
- Lam Điền: Tên một huyện vùng núi ở tỉnh Thiểm Tây. Nơi đây có núi Ngọc Sơn, có nhiều ngọc quí. Theo sách Sưu thần ký, đời Đường có ông Dương Bá Ung người nhân đức, hay giúp người nghèo khó. Sau có người đem cho một nắm sỏi,  bảo ông đem gieo ở núi Lam Điền về sau  sẽ có bích ngọc và ông sẽ cưới được cô gái họ Từ xinh đẹp. Ông làm theo và quả nhiên được như ý. Nhưng trong bài dịch tôi hiểu theo nghĩa là ruộng lam để đối với biển xanh.
- Nhật noãn: có thể hiểu là nắng chiếu, nắng hanh, nắng ấm...
- Ngọc sinh yên. Có 2 giả thuyết:
+ Thứ nhất: Theo Lục dị truyện, con gái Ngô Phù Sai là Tử Ngọc yêu người lính hầu là Hàn Trọng nhưng không được Ngô vương chấp thuận, mang mối bi tình xuống tuyền đài. Một sáng, khi Ngô vương đang dùng lược chải tóc, nhìn ra vườn thấy có viên ngọc lớn màu tím chiếu sáng, phu nhân nghe nói chạy ra vườn, khi vừa ôm chầm hòn ngọc thì ngọc tan thành khói biến mất.
+ Thứ hai: Người ta cho rằng tứ thơ trong câu này lấy từ ý nghĩa câu sau đây của nhà thơ Đái Thúc Lân (732- 789) thời Trung Đường: “thi gia chi cảnh như Lam Điền nhật noãn lương ngọc sinh yên, khả vọng nhi bất khả trí ư mi tiệp chi tiền giã”. Nghĩa là: Cảnh, đối với nhà thơ, tựa như viên ngọc quý bốc tan thành khói khi Lam Điền ửng nắng, chỉ có thể đứng nhìn từ xa chứ không được lại gần”.
- Thử tình: giả sử tình này.
- Khả : phải nên, đáng để, có thể ,có lẽ, hình như...
- Đãi: đợi.
- Khả đãi: có thể đợi, đáng đợi.
- Truy ức: đáng ghi nhớ.
- Chỉ thị: hay chỉ, lúc này.
- Đương thì: đang lúc ấy, đang thuở ấy.
- Võng nhiên: không biết gì cả, ngơ ngác như mất hồn, phôi pha, tàn phai.
3. Dịch thơ:

Cẩm sắt sao mà năm chục dây,
Mỗi dây mỗi trụ ý xum vầy.
Trang sinh hiểu mộng mê thành bướm,
Vọng đế tình xuân tiếng cuốc chầy.
Biển xanh trăng sáng châu nhỏ lệ,
Ruộng lam nắng chiếu ngọc toả mây.
Tình này hãy đợi sau còn nhớ,
Lúc đã tàn phai với tháng ngày.

*** Thi hào Nguyễn Du đã dịch bốn câu trên để diễn tả tiếng đàn sum họp của Thúy Kiều như sau:
3199. Khúc đâu đầm ấm dương hòa!
3200. Ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh? 
3201. Khúc đâu êm ái xuân tình!
3202. Ấy hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên? 
3203. Trong sao châu nhỏ duềnh quyên!
3204. Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!

                                             PUT
                                     Ngày 05/9/2012

No comments:

Post a Comment