Friday, October 5, 2012

10 câu nói bất hủ của Steve Jobs

Ngày này (5-10) cách đây tròn một năm, làng công nghệ đã sững sờ đón nhận tin Steve Jobs, "cha đẻ" của Apple, đã qua đời ở tuổi 56.
 
Nhiều người tỏ ra tâm đắc với câu nói "thời gian là hữu hạn, vì thế đừng phí thời gian vào việc sống cuộc đời của người khác" trong bài phát biểu của huyền thoại Steve Jobs tại trường Đại học Stanford năm 2005.

Nhân một năm ngày mất của Steve Jobs, kênh truyền hình CNN bình chọn và đưa ra 10 câu nói nổi tiếng lúc sinh thời của huyền thoại công nghệ này.
 
1. “Đối với tôi mà nói, máy tính là công cụ có ý nghĩa nhất mà nhân loại từng tạo ra. Nó tương tự như một chiếc xe đạp để chuyên chở tư duy của chúng ta”. (Trích từ phim “Ký ức và Sự tưởng tượng” năm 1990)

2. “Tôi kiên quyết không mua nhiều thứ vì tôi nhận thấy chúng thật kỳ cục”. (Tờ Independent năm 2005)

3. “Tôi nghĩ rằng, cái chết là phát minh tuyệt vời nhất của cuộc đời. Nó loại bỏ những mô hình cũ đã trở nên lỗi thời”. (Tạp chí PlayBoy năm 1985).

4. “Mọi người cho rằng sự tập trung nghĩa là nói Có với những thứ mà họ phải dồn sức vào. Nhưng điều đó không hoàn toàn như vậy. Nó có nghĩa là phải nói Không với hàng trăm ý tưởng tốt khác. Bạn phải lựa chọn chúng một cách cẩn thận. Tôi thực sự tự hào về những việc mình Không làm, cũng như những việc Có làm. Sáng tạo là nói Không với 1.000 thứ”. (Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu, năm 1997).

5. “Việc khắc trên bia mộ dòng chữ tôi là người giàu nhất thế gian chẳng có ý nghĩa gì lắm. Điều quan trọng là mỗi đêm trước khi đi ngủ, bạn có thể nói mình đã làm được một việc gì đó tuyệt vời”. (Tạp chí CNN Money/Fortune năm 1993).

6. “Công việc của tôi không phải là dễ dãi với người khác, mà làm sao để họ trở nên tốt hơn”. (Tạp chí CNN Money/ Fortune năm 2008)

7. “Nếu bạn muốn sống một cuộc đời theo cách sáng tạo, như một nghệ sỹ, thì bạn đừng nhìn lại quá khứ quá nhiều. Bạn phải sẵn lòng quẳng đi tất cả những gì bạn đã làm, những kiểu con người mà bạn đã từng thể hiện”. (Tạp chí Playboy năm 1985)

8. “Sự sáng tạo giúp phân biệt một nhà lãnh đạo với một người tùy tùng”. (Cuốn sách “Những bí mật sáng tạo của Steve Jobs” năm 2001).

9. “Hình mẫu kinh doanh của tôi là ban nhạc The Beatles. Họ là bốn con người hiểu rõ tính cách tiêu cực của nhau. Họ giúp cân bằng nhau và khi kết hợp lại họ trở thành một lực lượng tuyệt vời, chứ không phải là sự cộng gộp các thành phần. Đó chính là cách tôi nhìn nhận về kinh doanh: Những thứ tuyệt vời trong kinh doanh không bao giờ chỉ do một người tạo nên, mà do một nhóm người cùng tạo nên”. (Chương trình “60 phút” năm 2003)

10. “Tôi sẽ mang tất cả những công nghệ của mình để đánh đổi lấy một buổi chiều với Socrates (Triết gia Hy Lạp thời cổ đại)”. (Tạp chí Newsweek năm 2001).

Những câu nói được trích từ nội dung cuốn sách "Tôi, Steve: Steve Jobs qua lời kể của chính ông".

                                                                                       N.C.K
                                                                          (Nguồn tienphong.vn)

Tài sản mềm của nước Mỹ

Mới lập quốc hơn 200 năm, nhưng hiện nay, tài sản mềm của nước Mỹ lan tỏa khắp hoàn cầu.
Tài sản mềm của một quốc gia thường tụ hội từ nhiều nhân tố. Tài sản lớn nhất của Trung Quốc là 5 ngàn năm lịch sử và văn hóa đặc trưng của Nho giáo, thể hiện qua lối sống của 1,3 tỷ dân và hơn 100 triệu Hoa kiều. Mặt trời không bao giờ lặn trên đế chế Anh 100 năm trước, nên người Anh thường rất khôn ngoan trong những lựa chọn về chính trị, kinh tế và xã hội... vì họ đã từng trải qua bao thời vàng son cũng như khốn khổ. Hoa Kỳ thì chỉ mới lập quốc hơn 200 năm nhưng hiện nay, tài sản mềm của nước Mỹ lan tỏa khắp hoàn cầu.
Dù đa dạng, phức tạp và có  thể gây nhiều tranh cãi, trong góc nhìn của tôi, 5 tài sản mềm lớn nhất của nước Mỹ gồm có:
1. Niềm tin của người dân
Nếu hỏi một người Mỹ là họ  tin vào cái gì, ngoài đức tin vào tôn giáo riêng, câu trả lời sẽ là một giao ước xã hội (social contract).
Điều kiện đầu tiên của giao ước là tôi bình đẳng và tự do trước mọi cơ hội để mưu tìm hạnh phúc cho mình và gia đình, từ vật chất đến tinh thần. Tôi có thể là một đứa bé da mầu, lớn lên trong khu ổ chuột nhưng tôi vẫn có thể làm tổng thống hay là người giàu nhất nước Mỹ hay một văn nghệ sĩ tăm tiếng. Độ cao hay thấp của hành trình hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng và ước muốn của tôi.
Sau đó, tôi được chính phủ cam kết là không ai có quyền can thiệp hay ngăn trở bất cứ hành vi nào của tôi miễn không phạm pháp. Căn bản cũng như chi tiết của hệ thống pháp luật này phải được xây dựng hay hủy bỏ với sự đồng thuận của đa số cử tri hoặc người đại biểu do dân bầu. Và tôi tin rằng trước pháp luật, tôi sẽ được xét xử bởi những người dân khác (bồi thẩm đoàn) hoàn toàn độc lập với mọi quyền lực có thể ảnh hưởng đến kết quả.
Theo giao ước, để đánh đổi các quyền lợi trên, tôi phải có trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của những công dân khác, qua bổn phận đóng thuế hay nhập ngũ. Một phần tiền thuế sẽ được dùng để cứu giúp và tạo một mạng lưới an toàn (safety net) cho những công dân kém may mắn. Điều tranh cãi thường xuyên ở đây là chính phủ được quyền lấy bao nhiêu tiền của tôi để làm chi phí điều hành cho bộ máy và bao nhiêu để giúp người khác? Đây cũng là đề tài chính cho bao cuộc vận động tranh cử tại mọi tầng lớp xã hội.
Dù thế nào, đa số người dân Mỹ tin vào giao ước xã hội này và những nhân quyền cùng sự tự do tiềm ẩn bên trong. Niềm tin là nền tảng chung cho mọi thành phần trong sự vận hành quốc gia và nó tạo sự bền vững cho mọi kế hoạch, ngắn và dài hạn, của cá nhân hay của chính phủ.
2. Văn hóa Mỹ quốc
Sau những đợt di cư đầu tiên từ Âu châu vào thế kỷ 18, nước Mỹ bắt đầu mở cửa rộng rãi đón nhận mọi sắc dân từ khắp thế giới. Họ đến với một "giấc mơ Mỹ quốc" (American dream), họ chấp nhận giao ước xã hội nói trên và đã không ngừng cùng nhau tạo dựng một nền "văn hóa Mỹ quốc" vô cùng đa dạng nhưng đặc thù, vô cùng năng động nhưng giản dị và minh bạch.
Căn bản của nền văn hóa dân gian này là sáng tạo trong trí tuệ, hăng say trong công việc, chơi đùa và mua sắm thỏa thích, tôn trọng riêng tư, không ngần ngại sử dụng quyền lực của mình, minh bạch trong thông tin, cởi mở thân thiện với người lạ và ý tưởng mới, không trừng phạt thất bại và tiếp tục cố gắng trong mọi hoàn cảnh. Trên hết, người Mỹ lạc quan vào sự thành công tối hậu của mục tiêu đời mình.
Dĩ nhiên, mặt trái của văn hóa Mỹ cho thấy nhiều nhược điểm. Như một đứa trẻ giàu có, xã hội Mỹ khá ngạo mạn và không quan tâm nhiều đến văn hóa truyền thống của nhân loại. Câu nói "my way or highway" (lối của tôi hay lối xa lộ = không theo tôi thì cút đi) thể hiện trong nhiều hành xử của người Mỹ từ chính trị đến kinh doanh. Nhưng đứa trẻ này lại rất sáng tạo trong thời đại của tri thức, tạo nên những tài sản quý báu cho kho tàng nhân loại, từ y tế đến nông nghiệp, từ IT đến giáo dục, từ tài chính đến chính trị.
3.  Nguồn trí tuệ và tài năng
Ngày xưa, mọi con đường đều dẫn đến La Mã. Ngày nay mọi tài năng đều tìm về đấu trường Mỹ. Trung tâm quyền lực chính trị và quân sự tập trung tại Washington DC; tháp cao tài chính nằm ở Wall Street; trung tâm phim ảnh là Hollywood; thế giới của công nghệ cao chọn Silicon Valley làm điểm tựa; và đỉnh cao trí tuệ là liên minh giáo dục của các đại học Ivy League.
Niềm tin về giao ước xã hội và  văn hóa cởi mở là lý do chính cho sự du nhập của các tài năng thế giới. Đất lành thì chim đậu. Sự lựa chọn môi trường Mỹ để phát huy sáng tạo và xây dựng sự nghiệp của họ là một minh chứng hữu hiệu gấp ngàn lần những khẩu hiệu rỗng tuếch hay chính sách đãi ngộ trên giấy tờ.
Như một nàng con gái đẹp, thông minh, đảm đang... nước Mỹ không thiếu những chàng trai trẻ xếp hàng cầu hôn. Ngay tại những quốc gia mà dư luận thế giới cho là có thể vượt mặt Mỹ trong vài chục năm tới như Trung Quốc, Nhật, Nga, Ấn Độ... các tài năng địa phương này đã và đang ào ạt mua vé "một chiều" qua Mỹ. Trong một nền kinh tế kiến thức, tài năng là những viên ngọc quý cho đội ngũ và Team America chắc còn nắm lợi thế cạnh tranh này trong dài hạn.
4. Thương hiệu quốc gia
Tám trong 10 thương hiệu hàng đầu của thế  giới là của Mỹ. Dù Made in Japan và Germany có thể hấp dẫn khách hàng trong vài ngành nghề và công nghệ, Made in USA tiếp tục hưởng một premium (giá nâng cấp) khá cao trong suốt 100 năm qua.
Không phải thương hiệu Mỹ không có thử thách và đối thủ nặng ký. Trong thập niên 1980 và 1990, kỹ nghệ ô tô Mỹ bị lão hóa và Toyota, Honda nhảy vào vị thế hàng đầu tại Mỹ về chất lượng và doanh thu. Nhưng GM, Ford và Chrysler đã phục hồi nhanh chóng và thương hiệu Mỹ về ô tô lại chiếm thế thượng phong trên thị trường.
Trong ngành điện thoại di động, Nokia và  RIM (Blackberry) đã nắm thời cơ và dẫn đầu thị trường trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, các công ty Mỹ lại sáng tạo và thay đổi cuộc chơi với công nghệ và ứng dụng mới. Ngày nay, hệ điều hành của Apple và Google Android đã thống lĩnh thị phần.
Sự thay máu nhanh chóng của tư duy, tầm nhìn và trí tuệ Mỹ là một vũ khí rất năng động để giữ vững giá trị của thương hiệu khi đối diện với cạnh tranh.
5. Cơ chế chính trị và xã hội
Sau cùng, các tài sản mềm trên lại  được quản lý bởi một cơ chế vô cùng bền vững suốt lịch sử non trẻ của Mỹ. Yếu tố chính là sự phân quyền rõ rệt của 3 bộ phận: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hiến pháp Mỹ không cho phép một bộ phận nào có thể thao túng một bộ phận khác bằng các cuộc bầu cử độc lập và tự do; cũng như việc chia quyền để các chính phủ tiểu bang và địa phương không bị sự khống chế của chính phủ liên bang (trung ương).
Cẩn thận hơn, các nhà khai sáng nền dân chủ Mỹ còn đặt tự do ngôn luận vào đệ tứ quyền (quyền lực thứ 4) để đảm bảo minh bạch và đầy đủ thông tin từ các mạng truyền thông.
Cơ chế nào cũng đều tồn tại những sai lầm hay xung đột mâu thuẫn. Tuy nhiên, nền tảng phân quyền và dân chủ tạo nên một minh bạch rất cần thiết để ngăn ngừa sai phạm. Những tranh luận tự do khắp nơi khắp lúc đem đến cho người dân một cảm nhận là họ đang tham dự vào việc điều hành đất nước và mọi quyết định quan trọng về hướng đi của chính sách công phải được sự đồng ý của họ. Cơ chế này là yếu tố quan trọng để tạo niềm tin.
***
Tóm lại, có thể thấy trong lịch sử cũng như hiện tại, vị thế của nước Mỹ được xây dựng không phải chủ yếu dựa trên chiến lược tài chính, sức mạnh quân sự hay thủ thuật chính trị,... Chính các tài sản mềm quý báu mới là nhân tố trọng yếu giúp quốc gia này giữ vững vị thế.
Cố Tổng thống J. F. Kennedy từng bày tỏ rõ ràng về giá trị của tài sản Mỹ: "Chúng ta phải tin là dân Mỹ đủ trí khôn để phán xét các sự kiện bất ổn, các ý tưởng ngoại lai, các triết thuyết lạ kỳ và các giá trị khác biệt. Bởi vì một quốc gia không dám để cho người dân quyền quyết đoán về sự thật và giả dối trong một môi trường tự do là một quốc gia sợ sệt ngay chính người dân của mình".

                                                                                                Tác giả: TS. Alan Phan
                                                                                                 (Nguồn tuanvietnam.net)

Wednesday, October 3, 2012

Lương bổng - biết thế nào là vừa?

Người Việt ta đi xin việc ít khi hỏi lương vì ngại, chả lẽ chưa làm gì đã đòi hỏi, nghe kỳ kỳ thế nào, dù trong bụng rất muốn biết.

Lương bổng - yếu tố quan trọng nhất

Người viết bài này từng tham dự khá nhiều lần tuyển nhân viên cho một tổ chức quốc tế và luôn phải chuẩn bị một câu hỏi "Quí ông/bà mong muốn lương là bao nhiêu?". Hoặc có khi ứng viên hỏi thẳng về lương mà không vòng vo.
Theo bạn, mấy tỷ người trên hành tinh đi xin việc nghĩ gì trước? Câu trả lời là lương, lương và lương, là bao nhiêu tiền đút vào túi hàng tháng.
Một thống kê bên Mỹ nói rằng, có tới 90% người đi xin việc thừa nhận, lương là yếu tố quan trọng nhất, liệu có nhận việc đó hay không, rồi mới đến cơ hội thăng tiến, gần nhà hay môi trường làm việc. Thống kê còn cho biết thêm, hơn 50% kêu ca lương trả quá thấp hơn khả năng.
Như vậy lương bổng là câu chuyện từ ngàn đời nay, chuyện chung của các châu lục, chẳng phải chuyện riêng của công chức Việt Nam, bài toán nan giải của mọi chế độ. Đất nước no ấm hay không, hạnh phúc hay không là do đồng lương quyết định tất cả.
Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, Barack Obama và Mitt Romney luôn nói về công ăn việc làm. Đó là đồng tiền bát gạo của hàng trăm triệu gia đình Mỹ. Không có lương thì chẳng ai cần... tổng thống làm gì.

Lương thế nào là vừa?

Thời chiến tranh, lương cả tháng chỉ đủ ăn trong một tuần, nhưng ít nghe về nạn tham nhũng như bây giờ. Bởi cả nước muốn thắng Mỹ và có mục đích duy nhất "thắng giặc ta sẽ xây bằng năm bằng mười", ít người nghĩ đến đồng lương và so sánh hơn thiệt. Rất đơn giản ai cũng thấy vừa lòng vì mình đã làm việc và đóng góp cho đất nước.
Nhưng thời bình mục tiêu đã khác. Gia đình, con cái, nhà cửa, đất cát đều là mục đích tối thượng của người làm công ăn lương. Mục đích chung mờ nhạt, mục đích riêng rõ hơn, từ quan to đến dân thường.
Hơn nữa, đạo đức thời chiến khác với đạo đức thời bình.  Lấy thước đo đạo đức của hai thời ra kêu gọi lương thấp để làm việc nhiều như ngày xưa là không ổn.
Trả lương đúng với trình độ và cống hiến của người làm việc là cách tốt nhất. Và sự thỏa thuận giữa người làm thuê và người thuê về mức thù lao là quan trọng.
Gọi một người đến giúp lau chùi cái nhà ba tầng. Có người đòi 500 ngàn, người khác đòi một triệu. Có gì đảm bảo một triệu kia đã làm người ta vừa lòng. Người đòi ít hơn có khi lại vui vì hôm đó họ kiếm được việc làm. Trong hai người, chủ thuê thích ai hơn, chắc bạn đọc đã rõ.
Nhưng một hôm nào đó người hưởng ít kia phát hiện ra, cũng lau chùi cái nhà ấy mà kẻ khác lại được tới gấp đôi. Chắc chắn sẽ có sự so bì. Như vậy, công bằng trong xếp lương cũng quan trọng không kém.
Người chủ, nếu thông minh, có thể giải thích, trả cho anh kia gấp đôi vì anh ta phải lau cả trong lẫn ngoài, rửa mái nhà, làm lại sân vườn. Còn anh chỉ làm mỗi phía trong nhà nên lương trả một nửa là đúng thôi.
Dựa vào nguồn kinh phí, số cán bộ cần thiết cho cơ quan, xác định phạm vi công việc (TOR) cho từng vị trí và định mức lương tương ứng là việc quan trọng nhất, khi xác định thang lương.
Lúc phỏng vấn, xem sơ yếu lý lịch, kiểm tra với nơi làm cũ, trình độ của ứng viên và so sánh với khả năng kinh phí, ban tuyển chọn sẽ đưa ra một quyết định về mức lương.
Ứng viên trình độ cao quá so với công việc yêu cầu cũng khó được nhận vì khi vào rồi, họ sẽ đòi hỏi, so sánh lương bổng, rồi đâm ra lười biếng vì công việc dưới tầm, đôi khi làm mất đoàn kết nội bộ.
Lấy người trình độ thấp lại mất công đào tạo, phí tổn tiền của và đôi khi làm cho năng suất lao động của cả cơ quan bị ảnh hưởng.
Để tuyển chọn công chức từ thấp đến cao thì bên phát triển nguồn nhân lực phải ra được một bộ hồ sơ tuyển chọn bao gồm TOR, thang lương và cách tuyển chọn thế nào cho đúng. Thi tuyển minh bạch và công bằng mới mong chọn được đúng người đúng việc và ...đúng lương.

Để tăng lương lấy tiền ở đâu ra

Có nhà máy in tiền, cứ thế người ta... in tiền ra mà phát lương. Những năm 1980, chuyện này đã xảy ra rồi và không thể tăng lương bằng cách in tiền. Vì lạm phát sẽ tăng, lương lại tăng, lại lạm phát, một vòng luẩn quẩn.
Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người hưởng lương từ ngân sách, chưa kể lực lượng vũ trang khoảng 1-2 triệu người. Cứ tạm tính trung bình lương là 3,5 triệu/ tháng. Như vậy quỹ lương hàng tháng vào khoảng từ 24 đến 25 ngàn tỷ, tương đương với hai cái bảo tàng lịch sử quốc gia định xây.
Có bao giời chúng ta tự hỏi, nước mình có cần tới 7 triệu cán bộ như thế không? Hay ta chỉ cần 3 hay 4 triệu là đủ.
Cho số 3 triệu kia thôi việc, chuyển họ sang kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài. Nếu họ có tài thực sự thì lương sẽ rất cao, không bị pha phí chất xám, đóng góp cho đất nước lớn hơn rất nhiều.
Cán bộ trình độ kém, ngồi nhầm ghế, thường gây ra trì trệ xã hội, dốt hay tham, muốn ăn thì phải phá, trộm cắp dễ xảy ra, số tiền mất mát khó mà tính được và hiệu ứng ngược của xã hội đã rõ.
Sàng lọc để tuyển ra đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, năng động, sáng tạo và trong sạch, rút bớt đi một nửa thì cũng đã tăng lương cho họ tới gấp đôi, tính sơ sơ, lương lên tới 6 đến 7 triệu/ tháng.
Để thêm gấp đôi thu nhập cho cán bộ từ 10 đến 15 triệu/ tháng, ta nên bắt chước Singapore, vay tiền ODA để trả lương. Vì lương thấp mà họ tham nhũng thì còn quá số tiền đi vay. Quan trọng hơn cả, tham nhũng làm băng hoại đạo đức và đất nước không thể phát triển.
Với mức lương cao từ 10 đến 15 triệu/ tháng, thì trong khoảng thời gian 5 năm nữa, cán bộ sẽ ít kêu ca.

Quan hệ lương và tham nhũng

Thấy lương thấp và tham nhũng cao nên tăng lương cho cán bộ khỏi ăn cắp, tham nhũng hay tham ô ư? Nhầm hoàn toàn. Lương thấp vẫn tham nhũng, lương đủ ăn cũng kiếm thêm bằng phong bì...
Không đủ tiền cung cấp cho vợ con thì cán bộ xã, huyện, tỉnh, tham ô nhũng nhiễu. Họ giải thích là nghèo quá, đói ăn vụng túng làm liều. Liệu có ai nghe được chăng? Có thể đồng ý cho 70% dân số Việt Nam là nông dân vào thành phố đi... "ăn cắp" vì thu nhập ở quê thấp hơn thành phố?
Cựu thống đốc bang Chicago (Mỹ), Blagojevich, với lương khoảng 200.000USD/năm, đủ cho gia đình đàng hoàng, xe hơi, nhà lầu bên Mỹ, nhưng ông ta vẫn bán cái ghế của Obama nhằm kiếm thêm. Hiện đang ngồi bóc lịch tới 14 năm.
Cựu Tổng thống Suharto của Indonesia có hàng chục triệu đô la sau vài năm cầm quyền, ông ta vẫn tiếp tục tham lam thêm mấy chục năm sau. Tài sản lên tới 30 tỷ đô và đất cát nhà cửa của gia đình chiếm tới 40% diện tích đảo Timor Leste và 36.000 km2 ở Indonesia, bằng một nửa diện tích Việt Nam. Sự tham lam của con người ta là vô tận. Chả thế mà gọi là tham- sân- si. Nói là tăng lương cao để giảm tham nhũng mới đúng một nửa.

Giải pháp chống tham nhũng

Cán bộ Nhà nước khác người làm thuê tại các công ty, nhà máy, hay đầu tư nước ngoài, ở chỗ là họ có quyền. Khi tiếp xúc với dân đến xin xỏ thì đó là kẽ hở để móc túi dân.
Có bao giời chúng ta tự hỏi, nước mình có cần tới 7 triệu cán bộ như thế không? Hay ta chỉ cần 3 hay 4 triệu là đủ.
Cho số 3 triệu kia thôi việc, chuyển họ sang kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài. Nếu họ có tài thực sự thì lương sẽ rất cao, không bị pha phí chất xám, đóng góp cho đất nước lớn hơn rất nhiều.

Đúng là quan chức lương cao thì không phải lo chuyện thường nhật của gia đình. Đó là yếu tố quan trọng để họ đóng góp hết lòng cho đất nước. Khi họ tận tụy với công việc thì đất nước sẽ yên ổn, dân không phải lo lót, cứ đường thẳng mà đi. Sự trong sạch của xã hội cũng từ đó mà ra.
Tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long có lương một năm là 1,7 triệu USD/ năm, tổng thống có lương 1,19 triệu, các bộ trưởng hưởng 850 ngàn và đại biểu quốc hội hưởng khoảng 150 ngàn đô/ năm. Thủ tướng lương gấp 10 lần đại biểu quốc hội. Và họ không phải đóng thuế thu nhập.
Bên xứ Mỹ, Tổng thống Barack Obama có lương một năm là 400 ngàn, thêm 50 ngàn tiền tiêu vặt, nhưng phải đóng thuế khá nặng. Phó Tổng thống hưởng bằng một nửa. Ngoại trưởng Hillary Clinton lương vẻn vẹn 186 ngàn USD/ năm.
Lương công chức cao, chế độ đãi ngộ tốt, cán bộ mẫn cán hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, chỉ số tham tham nhũng năm 2011 của Mỹ là 7.1, Singapore là 9.2 (thấp nhất thế giới). Họ đạt được điều này bởi luật pháp chặt chẽ, chính phủ minh bạch, xã hội dân chủ...
Báo chí, quyền lực thứ tư, không bị hạn chế, không có vùng cấm. Mọi chuyện tham nhũng dễ bị phơi bầy. Và không có ai ngồi trên pháp luật.
Đừng bao giờ nói người Mỹ, người Singapore không biết tham tiền. Tiền bạc, quyền lực không có pháp luật kiểm soát thì trộm cắp là đương nhiên.
Tại những nước phát triển, nếu bị phát hiện tham nhũng thì bị mất việc, bị tù và suốt đời không ngẩng đầu lên được. So sánh hình phạt và số tiền tham nhũng, công chức ở những nước này thường phải cân đong đo đếm rất kỹ khi thò tay lấy phong bì.
Lương cao cho quan chức trong một xã hội như thế thì chắc chắn sẽ thu nạp được nhân tài làm cho Chính phủ, là yếu tố quan trọng cho phát triển.
Nếu chỉ nghĩ lấy lương cao "nhử" cán bộ về làm mà cách tuyển chọn không minh bạch, công việc không rõ ràng, luật pháp không nghiêm và công bằng, xã hội thiếu dân chủ, thì chuyện tăng lương để chống tham nhũng chỉ là câu chuyện nhiều tập không có hồi kết.

                                                                                                    Hiệu Minh
                                                                                        (Nguồn tuanvietnam.net)

Sunday, September 30, 2012

THỤC TƯỚNG

    [Đỗ Phủ]

1. Nguyên văn

Thừa tướng từ đường hà xứ tầm,
Cẩm quan thành ngoại bách sâm sâm.
Ánh giai bích thảo tự xuân sắc,
Cách diệp hoàng ly không hảo âm.
Tam cố tần phiền thiên hạ kế,
Lưỡng triều khai tế lão thần tâm.
Xuất sư vị tiệp thân tiên tử,
Trường sử anh hùng lệ mãn khâm.
2. Dịch nghĩa
 
Thừa tướng nước Thục
Tìm ở nơi nào thấy đền thờ của thừa tướng?
Chính là ở ngoài thành Cẩm Quan, nơi có hàng cây bách um tùm;
Cỏ xanh biếc chiếu trên thềm tự đầy vẻ xuân sắc;

Bên kia lá cây, chim oanh vàng vẫn cất tiếng hót hay ;
Lưu Huyền Ðức ba lần đến thăm làm cho ngài phải bận tâm với kế sách bình định thiên hạ;
Ngài đã có công mở nước và giúp rập hai triều, hết lòng bậc lão thần;
Ngài đem quân đi đánh Ngụy chưa thắng trận mà thân đã thác;
Việc này mãi mãi khiến cho các bậc anh hùng lệ rơi đầy vạc áo.
3. Dịch thơ

Miếu thờ thừa tướng biết tìm đâu,
Cẩm thành rừng bách phủ trước sau.
Hoàng oanh lãnh lót len trong lá,
Cỏ biếc xuân xanh phủ một màu.
Ba lần cầu kiến bàn mưu sách,
Hai triều hiểu rõ, nỗi lòng sâu.
Xuất quân chưa thắng thân đã chết,
Mãi khiến anh hùng nhỏ lệ sầu.
                                PUT
                       Ngày 30/9/2012