Friday, September 28, 2012

QUYẾT CHÍ

Rồi một ngày kia ta sẽ đi,
Vì sao? Ai đó hỏi làm chi,
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Trách nhiệm non sông, phải có gì.

Gói gém hành trang ta bước đi,
Gian khó, chông gai có nghĩa gì,
Một lòng đã quyết không lùi bước,
Long đàm hổ huyệt ta vẫn đi.

                              PUT
                      Ngày 28/9/2012

Thursday, September 27, 2012

NIỀM TIN

Con đường phía trước ắt chông gai,
Nhưng ta tin chắc một ngày mai,
Sau cơn giông bão sẽ nhìn thấy,
Vầng dương chiếu sáng khắp toà đài.

Con đường phía trước ắt gian nan,
Chí ta đã quyết nên chẳng màng,
Tận lực, hết lòng rồi sẽ thấy,
Phía trước con đường rộng thênh thang.

Ta có niềm tin vào tương lai,
Niềm tin mãnh liệt mãi không phai,
Niềm tin là máu là nhựa sống,
Dào dạt tuôn trào buổi sớm mai.

                                  PUT
                          Ngày 27/9/2012

Wednesday, September 26, 2012

Nước Nhật giữa muôn trùng vây

Bên cạnh tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc và Đài Loan, Nhật còn đối mặt với những thách thức lớn từ các tranh chấp lãnh thổ với Hàn Quốc và Nga.
Khi các cuộc biểu tình chống Nhật nổ ra trên khắp Trung Quốc và tàu bè của Trung Quốc tiến đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, chính phủ của Thủ tướng Yoshihiko Noda có vẻ như bất ngờ trước phản ứng cứng rắn của Bắc Kinh về quyết định quốc hữu hóa ba hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp.
Một nguồn tin chính phủ Nhật tiết lộ với hãng Kyodo rằng việc quốc hữu hóa không có mục đích gây ầm ĩ. “Tôi không hiểu tại sao nó lại diễn biến theo chiều hướng này”, người này nói.
Căng thẳng leo thang với Bắc Kinh
Các quan chức chính phủ Nhật chỉ ra rằng quốc hữu hóa quần đảo là lựa chọn tốt hơn thay vì để các hòn đảo lọt vào tay chính quyền thành phố Tokyo mà đứng đầu là một người thuộc phái diều hâu Thị trưởng Shintaro Ishihara, vốn tuyên bố sẽ mua lại Senkaku/Điếu Ngư và thực thi các biện pháp mạnh mẽ nhằm xác lập chủ quyền tại quần đảo không người ở.
Chính phủ Nhật hy vọng phía Trung Quốc sẽ thể hiện sự thông cảm cho quyết định “chẳng đặng đừng” song thực tế không phải như vậy, theo hãng Kyodo.
Trung Quốc có vẻ như đoàn kết trong việc phản đối động thái của Nhật, từ tuyên bố của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào rằng Bắc Kinh xem hành động của Tokyo là “phi pháp và vô giá trị” cho đến các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp cả nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã bày tỏ lo ngại rằng sự bùng phát tranh chấp có thể gây bất ổn cho khu vực.
“Rõ ràng, chúng tôi lo ngại bởi các cuộc biểu tình và lo ngại bởi căng thẳng đang diễn ra tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư… Việc Nhật và Trung Quốc duy trì quan hệ tốt đẹp và tìm giải pháp tránh leo thang thêm nữa là lợi ích của mọi bên”, ông Panetta phát biểu tại Tokyo vào tuần trước.
Tuy nhiên, hiện chính quyền của ông Noda đã ở vào tình thế “đâm lao phải theo lao” nên khó có thể đảo ngược, theo một nguồn tin chính phủ Nhật. “Không còn chỗ cho thỏa hiệp”, người này nói với hãng Kyodo.
Thêm vào đó là cái chết bất thình lình của đại sứ Nhật tại Trung Quốc Shinichi Nishimiya chưa đầy một tuần sau khi được bổ nhiệm. Ông này vốn được phái đến Bắc Kinh để hàn gắn lại mối quan hệ sóng gió giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Ông Motofumi Asai, người từng đứng đầu Ban Trung Quốc và Mông Cổ của Bộ Ngoại giao Nhật, phát biểu với hãng Kyodo: "Trung Quốc sẽ để ngoài tai lập luận của Nhật rằng quốc hữu hóa hòn đảo tốt hơn việc để chính quyền thành phố Tokyo mua chúng”.
Sức ép từ Hàn Quốc và Nga
Ngoài tình thế căng thẳng với Trung Quốc, Nhật còn có các tranh chấp chủ quyền biển đảo với Hàn Quốc và Nga. Đó là chưa kể mối đe dọa tên lửa thường trực từ CHDCND Triều Tiên.
Quan hệ Nhật - Hàn đã xấu đi đáng kể sau khi Tổng thống Lee Myung-bak thân chinh đến một quần đảo ở biển Nhật Bản được Nhật gọi là Takeshima còn Hàn Quốc gọi là Dokdo vào tháng 8. Đây là chuyến thăm quần đảo tranh chấp đầu tiên của một tổng thống Hàn Quốc.
Nhật đã tạm thời triệu hồi đại sứ nhằm phản đối và đề xuất mang tranh chấp ra giải quyết tại Tòa án Công lý Quốc tế, một động thái nhanh chóng bị Hàn Quốc cự tuyệt.
Vào đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nói riêng với ông Noda và ông Lee rằng họ phải hợp tác dàn xếp vụ việc.
Phát biểu với các phóng viên vào tuần trước, Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba cam kết phản ứng một cách bình tĩnh trong tranh chấp với Hàn Quốc, tiết lộ ông và ông Panetta đã nhất trí tại một cuộc họp rằng quan hệ giữa Nhật, Mỹ và Hàn Quốc vẫn quan trọng và quan hệ hợp tác về an ninh của họ không nên bị sa lầy.
Trong khi đó, Nhật vẫn còn vướng vào vụ tranh chấp lãnh thổ lâu đời với Nga. Tranh chấp này xấu đi vào tháng 11.2010 khi Tổng thống Dmitry Medvedev của Nga lúc bấy giờ đến thăm một hòn đảo thuộc quần đảo Kurils mà Nhật gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc.
Nhật đã lên án chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Nga đến khu vực tranh chấp. Vụ việc đã khiến quan hệ song phương trở nên lạnh nhạt và làm đình trệ những nỗ lực giải quyết tranh chấp.
Quan hệ có vẻ như đã ấm dần lên trong năm nay khi Tổng thống Vladimir Putin, người quay trở lại điện Kremlin vào tháng 5, đồng ý với ông Noda về việc chỉ thị cho Bộ Ngoại giao hai nước tổ chức thương lượng về tranh chấp.
Tuy nhiên, lập trường của TokyoMoscow về quần đảo mà Liên Xô chiếm giữ sau khi Nhật đầu hàng hồi Thế chiến thứ hai vẫn còn khác xa nhau.
Chưa hết, Đài Loan, vùng lãnh thổ có quan hệ khá thân thiện với Nhật, cũng nhảy vào vụ tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Mới đây, hàng chục tàu cá Đài Loan với sự hộ tống của tàu tuần duyên đã tiến đến vùng biển mà Tokyo xem là lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Một màn “đấu” vòi rồng giữa tuần duyên Nhật và Đài Loan đã nổ ra vào hôm 25.9 trước khi các tàu Đài Loan rời đi. 
Dịch chuyển ưu tiên quân sự
Các động thái thách thức quyền kiểm soát thực tế của Nhật từ các tàu Trung Quốc và Đài Loan có thể dẫn đến sự cố tai hại tiềm tàng mà theo giới quan sát, có thể tăng thêm thái độ thù địch từ Trung Quốc.
Ông Kunihiko Miyake, giám đốc nghiên cứu tại Viện Toàn cầu Canon ở Tokyo, nói việc leo thang đối đầu quân sự khó có thể diễn ra trong tương lai gần, dựa vào sức mạnh hải quân của Nhật, vốn có tên gọi chính thức là Lực lượng Phòng vệ trên biển, và quan hệ đồng minh của Tokyo với Washington.
Dù không đưa ra lập trường chính thức về quyền sở hữu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Washington đã nhiều lần nói rõ rằng họ sẽ bảo vệ Nhật trong trường hợp xảy ra xung đột tại quần đảo.
“Trung Quốc sẽ không sử dụng vũ lực vì họ sẽ thua”, ông Miyake nói với tờ Financial Times.
Thay vào đó, theo ông Miyake, Bắc Kinh sẽ tiếp tục sử dụng lực lượng phi quân sự để thách thức quyền kiểm soát của Nhật, một chiến lược phù hợp với binh pháp của nhà chiến lược quân sự thời cổ đại Tôn Tử. “Họ muốn bất chiến tự nhiên thành. Đó là binh pháp Tôn Tử”, ông Miyake nói.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Nhật nhận thức sâu sắc rằng sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc và sự phát triển của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc chắc chắn sẽ thu hẹp khoảng cách quân sự hiện tại.
Vào hôm 25.9, hải quân Trung Quốc đã đưa vào sử dụng tàu sân bay đầu tiên của họ. Sự phát triển các hệ thống vũ khí khác của Trung Quốc như các tên lửa chống hạm hiện đại đặt ra một thách thức lớn hơn nữa với Nhật.
Căng thẳng tại Senkaku/Điếu Ngư chắc chắc sẽ củng cố quyết tâm của Nhật tái bố trí lực lượng phòng thủ từ khu vực phía bắc, nơi từng được xem là bức tường thành chống lại Liên Xô, xuống các quần đảo phía nam.
Theo chính sách quốc phòng mới được trình làng năm 2010, Nhật sẽ tăng cường số lượng tàu ngầm từ 16 lên 22 trong khi số lượng xe tăng, phần lớn đóng tại đảo Hokkaido ở phía bắc, sẽ được cắt giảm từ 830 xuống còn 400 chiếc.
Tranh chấp biển đảo chắc chắn cũng sẽ là động cơ để Nhật tăng cường trang bị cho lực lượng tuần duyên vốn đóng vai trò tuyến đầu trong việc ứng phó khủng hoảng.
Các ứng cử viên trong cuộc chạy đua giành chức lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do đối lập Nhật vào hôm nay, 26.9, đã kêu gọi tăng cường sức mạnh cho tuần duyên. Đảng Dân chủ Tự do được nhận định sẽ lên nắm quyền trở lại trong cuộc bầu cử sắp tới và cựu Thủ tướng Shinzo Abe, người chiến thắng tại cuộc bầu cử lãnh đạo đảng này vào hôm nay, vốn là một người thuộc phái diều hâu.
Trong một loạt các đề xuất về chính sách được công bố hôm 24.9, Viện Các vấn đề quốc tế Nhật, một tổ chức nghiên cứu, cũng kêu gọi “cải thiện đáng kể” năng lực và trang bị cho tuần duyên cũng như ưu tiên triển khai thêm nhiều tàu tuần tra tại khu vực Senkaku/Điếu Ngư.

                                                                                                       Sơn Duân
                                                                                          (Nguồn thanhnien.com.vn)

Tập đoàn: Ai ở, ai đi?

Các tập đoàn kinh tế hiện nắm giữ 30% tổng giá trị tài sản, 51% tổng số vốn chủ sở hữu và gần 40% lao động của khối doanh nghiệp nhà nước.

Thay vì duy trì con số 13 như hiện nay, trong thời gian tới Chính phủ sẽ cắt giảm số tập đoàn kinh tế xuống còn 5 - 7. Thông tin về việc giảm số tập đoàn kinh tế nhà nước đã được người phát ngôn Chính phủ khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ hồi đầu tháng 9 vừa qua.

Ngoại trừ hai tập đoàn đã được Bộ Xây dựng kiến nghị dừng hoạt động thí điểm là Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị (HUD) và Tập đoàn Công nghiệp xây dựng (VNIC), danh sách các tập đoàn phải dừng hoạt động, quay lại mô hình tổng công ty hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Nhóm “trụ hạng” khá rõ

Tuy nhiên, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thông tin với báo giới rằng, Chính phủ sẽ chỉ giữ lại những tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến quốc kế dân sinh, có vai trò trọng yếu đối với nền kinh tế như năng lượng, dầu khí, viễn thông… Số còn lại chắc chắn sẽ xem xét cắt giảm dựa trên sự cần thiết và hiệu quả kinh doanh của các tập đoàn.

Với sự gợi mở nói trên, có thể nhận thấy một số tập đoàn cầm chắc “suất trụ hạng”.

Đó có thể là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT). Trong “tứ đại gia” này, duy nhất chỉ có EVN là làm ăn không được như ý muốn, song đổi lại vị thế của tập đoàn này lại khá chắc chắn vì ai cũng biết, điện là lĩnh vực cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế cũng như an ninh quốc phòng.

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, thì Chính phủ chỉ giữ lại 5 - 7 tập đoàn, tức số tập đoàn còn lại trong danh sách “trụ hạng” chỉ còn từ 1 - 3 đơn vị. Ngoài “tứ đại gia” nói trên, trong số 9 tập đoàn còn lại, tính cần thiết và vai trò của mỗi tập đoàn đối với nền kinh tế là tương đương nhau. Cao su, dệt may, hóa chất cũng quan trọng không kém gì ngành đóng tàu, bảo hiểm, xây dựng...

Như vậy, theo cách hiểu đơn giản, việc loại “anh” nào, giữ “anh” nào chỉ còn căn cứ vào hiệu quả sử dụng nguồn lực vốn và tài nguyên của các tập đoàn kinh tế...?

Các tập đoàn còn lại là Công nghiệp Cao su, Phát triển nhà và đô thị (HUD), Công nghiệp Xây dựng (VNIC), Viễn thông Quân đội (Vietel), Hóa chất, Bảo Việt, Cao su, Than - Khoáng sản (TKV), Vinashin và Dệt may (Vinatex). Trong số này, hiệu quả kinh doanh của Vinashin và TKV là đáng chú ý. Hiện số nợ ngân hàng của TKV lên tới 20.500 tỷ đồng, còn nợ của Vinashin cũng xấp xỉ 20.000 tỷ đồng.

Giảm là tất yếu?

Sau gần 7 năm thực hiện thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế, đến cuối năm 2011 vừa qua, Chính phủ đã tổ chức một hội nghị sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước nhằm chỉ ra việc làm được, chưa làm được, mặt mạnh, mặt yếu của tập đoàn kinh tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, các tập đoàn kinh tế hiện nắm giữ 30% tổng giá trị tài sản, 51% tổng số vốn chủ sở hữu và gần 40% lao động của khối doanh nghiệp nhà nước. Hầu hết tập đoàn kinh tế Nhà nước đều chiếm lĩnh vị trí thống lĩnh ở những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Thế nhưng, tính đến cuối năm 2011, dư nợ vay ngân hàng của khối doanh nghiệp nhà nước này cũng không hề nhỏ, tương đương 16,9% tổng dư nợ cả nước.

Đáng lưu ý là việc thành lập tập đoàn kinh tế thí điểm trong thời gian qua đã vượt quá trình độ, năng lực quản trị của bộ máy quản lý của một số tập đoàn, làm hạn chế kết quả hoạt động của nhiều tập đoàn kinh tế Nhà nước nói chung và quản lý, giám sát đối với các tập đoàn kinh tế nói riêng. Hiện tượng đầu tư nóng vào chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bất động sản không chỉ mang tính rủi ro cao mà còn làm hạn chế cơ hội của khối tư nhân.

Theo đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga, tất cả các tập đoàn kinh tế Nhà nước hiện nay đều đang trong giai đoạn thí điểm. Về nguyên tắc thí điểm thì có thể thành công hay thất bại, nên phạm vi thí điểm phải hẹp, sau một thời gian phải tổng kết, nếu khẳng định thành công thì mới triển khai trên diện rộng. Tuy nhiên, ngay từ đầu chúng ta đã thí điểm trên phạm vi rất rộng, tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu, xương sống của nền kinh tế.

Chỉ trong hai năm (2005 - 2007), liên tiếp 8 tập đoàn kinh tế được thành lập. Đến năm 2009, ngay cả khi Vinashin bắt đầu đổ vỡ trong khi chưa có tổng kết thí điểm, lại có thêm 4 tập đoàn mới.

Chuyên gia kinh tế Phạm chi Lan cho rằng các tập đoàn kinh tế Nhà nước được hưởng vị thế độc quyền, được ưu đãi đặc biệt nên lẽ ra hiệu quả sản xuất, kinh doanh phải cao hơn các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, do chúng ta chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá chính xác hiệu quả của các tập đoàn nên hiệu quả hoạt động của các tập đoàn nhiều khi cũng không được xác định rõ ràng.

Xét về sự cần thiết của tập đoàn kinh tế, một chuyên gia kinh tế từng nói rằng việc Chính phủ chủ trương không thành lập mới và giảm số tập đoàn hiện tại là tất yếu. Điều đó thể hiện sự cầu thị của Chính phủ khi đã lắng nghe phản hồi của các nhà khoa học, chuyên gia và dư luận về vai trò của các tập đoàn kinh tế.

                                                                                        TỪ NGUYÊN
                                                                                (Nguồn vneconomy.vn)

Tuesday, September 25, 2012

SƯ TỬ VÀ LINH DƯƠNG

1. Truyện dân gian Châu Phi:

Mỗi sáng ở châu Phi, một con linh dương thức dậy.
Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn cả con sư tử chạy nhanh nhất.
Nếu không nó sẽ bị giết.
Mỗi sáng một con sư tử thức dậy.
Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất.
Hoặc nó sẽ bị chết đói.
Điều quan trọng không phải việc bạn là sư tử hay linh dương.
Khi mặt trời mọc, bạn nên bắt đầu chạy.

2. Đề thơ:

Linh dương sáng thức dậy,
Đã ý thức từ đây,
Phải nhanh hơn sư tử,
Nếu không bị phanh thây.

Còn bản thân sư tử,
Cũng tự nhủ tâm tư,
Đã nhanh, càng nhanh nữa,
Nếu không sẽ đói lừ.

Quan trọng, không phải là:
Linh dương hay sư tử,
Mà khi mặt trời lên,
Bạn nên bắt đầu chạy.

                 [PUT sưu tầm và đề thơ]
                        Ngày 25/9/2012