Tuesday, September 25, 2012

Ai đang thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng?

Chiến dịch vận động bầu cử chưa ngã ngũ. Nhưng nếu cuộc bầu cử được tổ chức hôm nay, Barack Obama có thể sẽ thắng.
Các nhà báo Mỹ tường thuật về chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ thường hay bị chỉ trích vì chăm chăm vào khía cạnh đua tranh của cuộc bầu cử. Đáng lẽ báo chí cần phân tích cặn kẽ những khác biệt về chính sách giữa hai ứng viên thì các nhà báo lại mất quá nhiều thời gian để đánh giá xem ai sẽ thắng và ai sẽ thua. Cho dù bài viết này đứng trước nguy cơ sẽ bị chỉ trích như vậy, tác giả cho rằng giờ vẫn là thời điểm thích hợp để xem xét cuộc đua đang đi đến đâu khi chỉ còn vài tuần nữa là đến ngày bầu cử.
Giống như mọi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khác, cuộc bầu cử lần này sẽ là một cuộc đua sít sao. Người dân Mỹ bị chia rẽ một cách sâu sắc và tương đối cân bằng nhau trong sự lựa chọn đảng phái, và đặc điểm này được phản ánh trong phiếu bầu của họ. Khoảng 90% cử tri Mỹ ủng hộ ứng cử viên của đảng mình trở thành tổng thống. Cho đến nay, không có bất kỳ một cuộc thăm dò dư luận trước thềm kì bầu cử 2012 cho thấy sự thay đổi quan trọng nào trong cơ cấu này. Đại đa số những cử tri Cộng hòa sẽ bỏ phiếu cho Mitt Romney, và cũng tương tự như vậy, đa số cử tri Dân chủ sẽ đứng bên cạnh Tổng thống của họ.
Do đặc thù phân chia đảng phái trong nền chính trị Hoa Kỳ, kết quả cuộc bầu cử sẽ được quyết định chủ yếu bới 3 nhân tố. Một là số lượng cử tri đi bầu. Lợi thế quan trọng sẽ thuộc về ứng viên nào thành công nhất trong việc thu hút những ủng hộ viên của mình đi bỏ phiếu, đặc biệt là ở những bang chiến trường như Florida, OhioPennsylvania. Chỉ có lá phiếu bầu mới đem lại chiến thắng, chứ không phải sự ủng hộ đơn thuần.
Chìa khóa thứ hai quyết định đến kết quả là yếu tố mà các nhà phân tích chính trị gọi là "lá phiếu dao động" ("swing vote"). Đó là một số ít các cử tri độc lập và những người ít có liên hệ đảng phái, những cử tri chưa thể quyết định sẽ ngả theo ứng cử viên nào. Họ được gọi là những "cử tri hay dao động" bởi vì trong bất kỳ cuộc bầu cử nào, họ đều có thể ngả từ bên này sang bên kia. Hầu như mọi người đều chung nhận định cuộc bầu cử 2012, các cử tri dao động này sẽ có khả năng chiếm khoảng 5% phiếu đại cử tri. Nhưng trong một cuộc đua sít sao như thế này, lá phiếu của họ có thể quyết định người chiến thắng.
Nhân tố thứ ba là chính chiến dịch vận động tranh cử và những sự kiện có thể xảy ra từ nay cho đến ngày 6/11. Chiến dịch tranh cử cho đến nay đã đi được một chặng đường dài. Quan điểm của cả hai ứng viên đều đã được thể hiện rõ ràng và hình ảnh của họ cũng đã được định vị trong nhận thức của các cử tri. Nhưng phía trước còn là ba cuộc tranh luận tay đôi. Cuộc tranh luận đầu tiên sẽ thực hiện vào ngày 3/10, cuộc cuối cùng vào ngày 22/10. Mỗi cuộc tranh luận tay bo giữa hai ứng viên sẽ kéo dài trong 90 phút và được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc đến khoảng 80 triệu khán giả.
Các cuộc tranh luận này sẽ mang đến cơ hội cũng như nguy cơ cho các ứng cử viên. Một mặt, các cuộc tranh luận trực tiếp là cơ hội để ứng viên gây dựng một hiệu ứng tích cực, củng cố và truyền cảm hứng cho những ủng hộ viên hiện tại cũng như thu hút một lượng quan trọng những cử tri còn đang dao động. Nhưng một sự thể hiện kém cỏi trong tranh luận, một lỗi lầm hay một thất bại trong việc giải thích một đề xuất chính sách, thậm chí một sự lựa chọn từ ngữ không chuẩn xác cũng có thể tạo ra hàng loạt những tin bài tường thuật tiêu cực sau đó,
Và còn dòng chảy thường nhật của các sự kiện ở Mỹ và nước ngoài. Cuộc sống không dừng lại vì một chiến dịch tranh cử tổng thống. Một thảm họa tự nhiên ở trong nước hay những cuộc khủng hoảng quốc tế có thể tập trung sự chú ý vào phản ứng của các ứng cử viên, đặc biệt khi ứng viên đó là tổng thống đương nhiệm. Dưới ánh sáng của các sự kiện, bản lĩnh thực sự của một ứng viên thường được bộc lộ một cách rõ ràng hơn. Chúng ta đã chứng kiến điều này trong những ngày gần đây, khi các cuộc biểu tình, bị châm ngòi bởi một bộ phim báng bổ đạo Hồi đã bùng nổ ở khắp các nước Trung Đông. Ở Lybia, một đại sứ Mỹ đã bị giết. Khi các sự kiện đang xảy ra, Mitt Romney đã công kích Tổng thống Obama và các nhà ngoại giao Hoa Kỳ sai thời điểm. Ông đã bị nhiều người chỉ trích gay gắt, ngay cả những người Cộng hòa vốn ủng hộ ông. Trong dòng chảy của các sự kiện, một ứng viên có thể nổi lên, một số khác lại chìm xuống.
Ở đây có một vấn đề cần làm rõ đối với mọi nhà phân tích: chiến dịch chưa ngã ngũ. Nhưng nếu cuộc bầu cử được tổ chức hôm nay, Barack Obama có thể sẽ thắng.
Obama đã giữ vững cách biệt cho dù rất sít sao với Romney trong tất cả các cuộc thăm dò toàn quốc kể từ khi Romney giành được đề cử của đảng Cộng hòa. Các cuộc thăm dò hiện tại cho thấy ông đang vượt lên đáng kể ở một số trong những bang chiến trường lớn nhất. Khi các cử tri được hỏi rằng họ thích ai lãnh đạo chính sách đối ngoại hơn, Obama luôn dẫn điểm. Ngay cả khả năng lãnh đạo của Romney trong các vấn đề kinh tế, trước vốn luôn là lợi thế thì nay cũng đang dao động mạnh về điểm số.
Romney vẫn còn thời gian để bắt kịp với Obama, và có nhiều dẫn chứng lịch sử rõ ràng về các cuộc đua tranh tổng thống sít sao vào những tuần cuối cùng. Nhưng thời gian đang thu ngắn lại. Các ứng viên đang dần trở nên mệt mỏi. Các cuộc bỏ phiếu sớm đã bắt đầu ở nhiều bang.
Cơ hội của Romney giờ đây có thể phụ thuộc vào những nhân tố vượt ngoài tầm kiểm soát của ông: sự thể hiện kém cỏi của Obama trong các cuộc tranh luận trực tiếp, một cuộc khủng hoảng quốc tế, một vài tin tức kinh tế tồi tệ. Nhưng có vẻ như đó là tia hi vọng mong manh cho một ứng viên đã vận động tranh cử suốt một thời gian dài và đã không thành công trong việc giành được sự yêu mến của nhiều người trong đảng mình, và dường như cũng thất bại trong việc giành được sự ủng hộ của đa số cử tri Mỹ.

                                                                                               GS Calvin Mackenzie
                                                                                                 (Nguồn tuanvietnam)

Monday, September 24, 2012

TÁI CƠ CẤU NGÂN HÀNG ĐANG ĐẾN ĐÂU?

Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được chia làm ba giai đoạn: củng cố thanh khoản, lành mạnh tài chính thông qua xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hoạt động. Nhưng đến nay, khi kết thúc giai đoạn 1 thì tiến trình bị chậm lại.

Quanh chủ đề nêu trên, cũng như cách nào để giải quyết tình trạng đóng băng tín dụng, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn tài Chính tiền tệ quốc gia.

“Sức đề kháng của hệ thống khá tốt”

Thưa ông, sau gần một năm triển khai Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, ông có đánh giá gì về kết quả thực hiện của giai đoạn 1?

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là chương trình có tính nền tảng để tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế. Chương trình này được chia làm 3 giai đoạn, gồm: củng cố thanh khoản hệ thống ngân hàng mà trọng tâm là thanh khoản một số ngân hàng có vấn đề; lành mạnh hóa tài chính của các ngân hàng thương mại mà trọng tâm là xử lý nợ xấu và minh bạch hóa tài chính; tái cơ cấu tổ chức, hoạt động và quản trị hệ thống ngân hàng.

Cho đến nay, giai đoạn 1 đã đạt được kết quả quan trọng, thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng đã được củng cố và ổn định, một số ngân hàng nhỏ nguy cơ mất khả năng thanh toán đã được ngăn chặn và đang hoạt động ổn định trở lại.

Qua những sự kiện gần đây của một số ngân hàng càng chứng tỏ sức đề kháng của toàn hệ thống khá tốt và khả năng xử lý cú sốc của các ngân hàng và của Ngân hàng Nhà nước đáng tin cậy. Hoạt động thị trường liên ngân hàng đã được chấn chỉnh theo hướng minh bạch hơn. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng khá ổn định và giảm mạnh từ mức trên 20% xuống còn 10% - 12%, tùy thuộc vào kỳ hạn.

Nhiều ngân hàng thương mại quy mô vừa trở lên đều có dự trữ vốn khả dụng tốt. Tăng trưởng huy động vốn từ dân cư khá cao, kể cả nội tệ và ngoại tệ. Kết quả này tạo tiền đề cho việc thực hiện giai đoạn tiếp theo của chương trình.

Trong số 5 ngân hàng thương mại phải sáp nhập vừa qua, có 2 đơn vị là TienphongBank và Habubank được xử lý theo hướng “xã hội hóa” thay vì Nhà nước bỏ tiền tái cấu trúc như với 3 đơn vị trước đó. Ông nhận xét gì về cách làm này?

Có thể nói Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời can thiệp xử lý những ngân hàng có nguy cơ sụp đổ lớn nhất, đã thành công và đã loại bỏ được tác động xấu lan truyền của nó đến toàn hệ thống.

Một số ngân hàng khó khăn khác cũng được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản, và tạo điều kiện cho việc mua lại hoặc sáp nhập theo nguyên tắc thị trường. Bằng cách này, việc xử lý các ngân hàng yếu đỡ tốn kém hơn, đồng thời cùng tận dụng được lực lượng thị trường để giải quyết.

Cũng có ý kiến cho rằng nên giải quyết nhanh vấn đề này bằng việc quốc hữu hóa ngân hàng như một số nước đang làm. Tôi cho rằng chúng ta cần dùng tiền vào việc khác quan trọng hơn như xử lý nợ xấu, nhưng trong trường hợp cần thiết có thể đó cũng là một lựa chọn hợp lý.

Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước đang để ngỏ vấn đề này để thị trường xử lý trước là một cách làm khôn ngoan.

“Công ty mua bán nợ phải có đầy đủ quyền lực”

Có ý kiến cho rằng, sự loay hoay của Ngân hàng Nhà nước với đề án xử lý nợ xấu thông qua công ty mua bán nợ chính là nguyên nhân dẫn đến sự đình trệ của giai đoạn tiếp theo, ý kiến ông như thế nào?

Giai đoạn 2 là lành mạnh hóa tài chính tập trung xử lý nợ xấu đã được khởi động bằng một loạt các quy định của Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tái cơ cấu lại nợ, như giãn nợ, giảm lãi suất, đẩy mạnh thủ tục pháp lý để xử lý nợ...

Ngân hàng Nhà nước cũng trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội cho phép miễn giảm một số loại thuế, phí đối với các ngân hàng được xử lý mua, bán, sát nhập.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ Đề án thành lập công ty mua bán nợ tập trung để xử lý trên quy mô lớn nợ xấu đang là “vật cản chủ yếu” đối với việc bình thường hóa quan hệ tín dụng, tạo ra dòng chảy hợp lý về vốn của nền kinh tế.

Tuy nhiên, quy mô nợ xấu là khá lớn, vượt quá khả năng tự xử lý các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, vì vậy, nhất thiết phải đưa vào nguồn vốn của Nhà nước. Vốn cần nhiều hay ít lại phụ thuộc vào vòng quay của mua nợ và bán nợ nhanh hay chậm.

Điều quan trọng là Ngân hàng Nhà nước và Công ty mua bán nợ phải dự kiến thành lập có đầy đủ quyền lực để xử lý nhanh các giao dịch trên thị trường mua bán nợ.

Giai đoạn 3, các chương trình tái cơ cấu cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị, bằng việc chuẩn bị ban hành một số quy định sửa đổi quyết định 493 về phân loại tài sản, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, các quyết định về chỉ tiêu an toàn hệ thống, về công khai minh bạch tài chính, về chuẩn mực kế toán và báo cáo tài chính ...

Nếu các thao tác pháp lý thuận lợi thì năm 2013 sẽ là năm trọng tâm của chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và có thể kết thúc vào năm 2015.

Lòng tin được cải thiện?

Ông thấy nhận thức của người dân với ngân hàng hiện nay so trước như thế nào?

Rất tốt là trong những năm qua chúng ta đã tạo lập được một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn, cùng với các ngân hàng thương mại Nhà nước hình thành trụ cột khá vững của thị trường tài chính nói chung và thị trường tiền tệ nói riêng.

Chính nhờ những ngân hàng hàng đầu này mà rủi ro đổ bể hệ thống đã giảm thiểu đáng kể. Thời gian gần đây, chúng ta đã chứng kiến Sacombank và ACB vẫn đứng vững và phục hồi ổn định trước những cú sốc mạnh gấp nhiều lần so với những cú sốc đã từng xảy ra trong lịch sử ngân hàng thương mại Việt Nam.

Điều này cũng chứng tỏ lòng tin của người gửi tiền đối với những ngân hàng này đã được cải thiện hơn nhiều so với cách đây 10 năm.

Các ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu đều có vốn điều lệ lớn, cấu trúc tài sản hợp lý, nền tảng công nghệ hiện đại, hệ thống quản trị đang được chuyên nghiệp hóa và khả năng sinh lời ổn định.

Cứ 6 tháng một lần chúng tôi xác lập bản đồ định vị hiệu quả hoạt động của tất cả các ngân hàng thương mại.

Kết quả cho thấy nhóm ngân hàng cổ phần hàng đầu như Sacombank, ACB, Eximbank, SHB… có vị thế khá ổn định trước, trong và sau khủng hoảng tài chính quốc tế. Trong khi một số ngân hàng nhỏ hơn như An Bình, Liên Việt, Quốc tế, Đại Dương… có sự thay đổi định vị khá tích cực.

Điều này cho thấy công cuộc tái cơ cấu ngân hàng là một quá trình mà từng ngân hàng tự tái cơ cấu và hiện đại hóa có vai trò quyết định, đó là những bằng chứng thực tiễn để các ngân hàng khác tham khảo.

Tất nhiên, quá trình tái cấu trúc mới đi được những bước đầu tiên rất cần sự chỉ đạo, giám sát và hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước cũng như sự cải thiện của cơ sở pháp lý và môi trường kinh doanh.

Sử dụng dự phòng để khoanh nợ xấu?

Dù vậy nhưng một điểm nóng của hệ thống ngân hàng từ nay đến hết năm là giải quyết tình trạng đóng băng tín dụng. Ông có “kế sách” gì?

Phục hồi lại tăng trưởng tín dụng hợp lý để tăng thanh khoản cho nền kinh tế là vấn đề đáng quan tâm nhất trước mắt. Tín dụng ngân hàng quyết định 80% đầu tư của doanh nghiệp nội địa, 30% đầu tư công từ ngân sách và khoảng 30% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Điều này cho thấy vai trò chi phối của tính dụng ngân hàng đến toàn bộ hoạt động kinh tế lớn đến mức nào. Tín dụng bị đóng băng là căn bệnh đã bóp nghẹt nhiều nền kinh tế lớn như Thụy Điển, Nhật Bản, Brazil, Agentina trước đây và cả châu Âu, Mỹ hiện nay mà chủ yếu là do nợ xấu.

Mỹ, ECB và nhiều nước đã phải chi hàng ngàn tỷ đồng để mua nợ xấu, phá băng tín dụng. Gói QE3 của Mỹ vừa công bố có thể coi là hành động mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử tiền tệ thế giới.

Ở Việt Nam, trước mắt khi chưa có công ty mua bán nợ tập trung ra đời, cũng cần có hành động cụ thể và quyết liệt để xử lý việc đóng băng tín dụng có liên quan đến nợ xấu.

Tôi cho rằng Chính phủ nên quyết định cho phép Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại sử dụng dự phòng rủi ro để khoanh nợ xấu (đưa ra ngoại bảng, không thu lãi) và cho vay mới đối với các doanh nghiệp có nợ xấu nhưng có khả năng phục hồi và phát triển. Đặc biệt là cho vay vốn lưu động để duy trì sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm, ổn định kinh tế - xã hội lấy lại lòng tin cho doanh nghiệp.

Đây là một quyết định quan trọng có tầm ảnh hưởng rất lớn, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi tạo ra phần lớn việc làm và thu nhập cho dân cư. Nợ khoanh sẽ được xử lý khi công ty mua bán nợ tập trung ra đời, hoặc các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp xử lý dần theo thị trường.

                                                                                            NGUYỄN HOÀI
                                                                                    (Nguồn vneconomy.vn)

KHÔNG DANH LỢI

Không lợi không danh, há chẳng hay!
Chẳng cần lo lắng, rảnh cả ngày.
Sáng bàn thế sự, chân cao thấp,
Chiều luận sơn hà, mặt tỉnh say.
Lâu đài khanh tướng nhiều biến trá,
Áo mũ công hầu dễ đổi thay.
Ôi thôi! danh lợi xin đừng nhắc,
Để tớ tiêu dao hết kiếp này.

                             PUT
                    Ngày 24/9/2012

Sunday, September 23, 2012

THU HỨNG

    [Đỗ Phủ]

1. Nguyên văn

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu Sơn Vu Giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Ðế thành cao cấp mộ châm.

2. Dịch nghĩa

Cảm hứng mùa thu
Sương móc làm cho rừng phong tiêu điều, xơ xác,
Khí thu dâng mù mịt giữa hai vách Vu Sơn, Vu Giáp.
Mặt sông in trời, sóng như nhảy tận lưng trời,
Trên cửa ải mây giăng sát mặt đất.
Bụi cúc nở hoa bấy nay đã hai lần làm rơi nước mắt,
Một chiếc thuyền con cột chặt chút lòng thương nhớ mảnh vườn xưa.
Nhà nhà đang dao kéo may áo, lo đỡ cái giá lạnh sắp đến,
Trên thành Bạch Ðế cao, tiếng chày giặt áo về chiều nghe hối hả.
3. Dịch thơ
3.1. Nguyễn Công Trứ:

Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt, khí thu lòa.
Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.
Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình già.
Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước,
Thành Bạch, chầy vang bóng ác tà.
3.2. Phạm Quốc Toàn:

Xơ xác rừng phong hạt móc bay,
Vu sơn hai vách phủ hơi đầy.
Đáy sông cuộn chảy, trời tung sóng,
Nơi ải xa mờ, đất rợp mây.
Khóm cúc nở tuôn dòng lệ chảy,
Thuyền con cột chặt nhớ thương đầy.
Nhà nhà giục giã may áo rét,
Bạch đế thành vang rộn tiếng chày.
                            
                                      PUT
                              Ngày 23/9/2012

Friday, September 21, 2012

Mỹ lại ra đòn hiểm bất ngờ với Trung Quốc

Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vừa ra sức trấn an Trung Quốc bằng tuyên bố không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Châu Á hiện nay thì một quan chức cấp cao Mỹ mới đây lại tuyên bố, nước này sẽ bảo vệ Nhật Bản trong cuộc tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư. “Cú đấm” bất ngờ này của Mỹ chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận.
Xoa dịu...
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuần này đã thực hiện một chuyến công du Châu Á kéo dài một tuần với các chặng dừng chân gồm Nhật Bản, Trung Quốc và New Zealand.

Tại thủ đô Bắc Kinh, trong bài phát biểu trực tiếp với các sĩ quan trẻ Trung Quốc hôm 19/9, Bộ trưởng Panetta đã tìm cách trấn an Bắc Kinh về nỗi quan ngại của nước này trước sự can thiệp của Mỹ vào cuộc tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư cũng như kế hoạch quân sự của Mỹ trong khu vực.
Trung Quốc gần đây luôn cảm thấy bất an và không thoải mái khi Mỹ thường xuyên can thiệp vào một loạt các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông của họ với các nước láng giềng. Nói về vấn đề này, ông chủ Lầu Năm Góc hôm 19/9 đã tái khẳng định, Washington sẽ giữ lập trường trung lập, không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện nay ở khu vực Châu Á. Ông Panetta đã kêu gọi cả Nhật Bản và Trung Quốc đều cần phải bình tĩnh, kiềm chế để tránh một cuộc xung đột có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài nói đến sự lo lắng của Trung Quốc về việc Mỹ can thiệp vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cũng không quên đề cập đến nỗi quan ngại lớn của Bắc Kinh trước kế hoạch đưa thêm lực lượng, tàu chiến và triển khai hệ thống lá chắn tên lửa mới của Mỹ ở Châu Á.
Kể từ khi Lầu Năm Góc thông báo về kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương hồi đầu năm nay, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh dường như “mất ăn mất ngủ”.
Tuy nhiên, tại một trường học của quân đội Trung Quốc giữa thủ đô Bắc Kinh, Bộ trưởng Panetta đã khẳng định: "Kế hoạch sắp xếp lại lực lượng ở Châu Á - Thái Bình Dương của chúng tôi không phải là một nỗ lực nhằm kiềm chế Trung Quốc. Đó là một nỗ lực nhằm tăng cường hợp tác với Trung Quốc và mở rộng vai trò của mối quan hệ hợp tác này trong khu vực Thái Bình Dương. Kế hoạch của chúng tôi là tạo ra một mô hình mới trong quan hệ giữa hai cường quốc Thái Bình Dương".
... và sau đó là thêm một “cú đấm” bất ngờ
Khi Trung Quốc còn chưa kịp thở phào nhẹ nhõm trước những lời trấn an, xoa chịu chắc nịch của Mỹ thì ngay ngày hôm qua (20/9), một quan chức cấp cao của Mỹ đã lên tiếng tuyên bố, nước này có trách nhiệm phải bảo vệ Nhật Bản trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Ông Kurt Campbell, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, mới đây đã phát biểu trước Tiểu ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ rằng, quần đảo Senakaku/Điếu Ngư - nhóm đảo nhỏ chưa có người sinh sống ở biển Hoa Đông, “rõ ràng” nằm trong hiệp ước phòng thủ chung mà Mỹ và Nhật Bản đã ký kết năm 1960. Cụ thể, theo hiệp ước này, Mỹ có trách nhiệm phải bảo vệ Nhật Bản nếu cường quốc Châu Á này bị tấn công. Phạm vi bảo vệ của Mỹ đối với Nhật Bản bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
"Chúng tôi không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền đối với những hòn đảo nhỏ đó. Tuy nhiên, chúng tôi phải thừa nhận rõ ràng rằng, Nhật Bản đang nắm quyền kiểm soát quần đảo Senkaku và vì vậy, quần đảo này chắc chắn vẫn nằm trong phạm vi Điều khoản 5 của Hiệp ước An ninh", ông Campbell đã phát biểu như vậy tại một phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về các cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện nay ở Châu Á.
Điều khoản 5 tuyên bố, “mỗi bên phải thừa nhận rằng, một cuộc tấn công vũ trang vào bất kỳ bên nào trong vùng lãnh thổ dưới sự kiểm soát của Nhật Bản đều là hành động nguy hiểm đối với hòa bình và an ninh chung của hai bên. Vì thế, hai bên sẽ phải hành động để đối phó với mối nguy hiểm chung. Hành động đó phải phù hợp với các tiến trình và quy định của hiến pháp".
Nhật Bản đã kiểm soát những hòn đảo nhỏ chưa có người sinh sống ở biển Hoa Đông từ năm 1895 đến nay và đặt tên cho nhóm đảo nhỏ này là quần đảo Senkaku. Trước đó, từ 1945-1972, Mỹ quản lý quần đảo Senkaku.
Rõ ràng, Mỹ đang bị đặt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản. Nếu một cuộc xung đột Trung-Nhật nổ ra, Mỹ chắc chắn sẽ phải can thiệp vào bởi nước này có ràng buộc với Nhật Bản bởi một Hiệp ước phòng thủ chung. Tuy nhiên, Mỹ hoàn toàn không muốn gây căng thẳng quá mức với Trung Quốc bởi điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ. Đây là lý do giải thích tại sao, trong thời gian qua Mỹ đã tăng cường các nỗ lực ngoại giao nhằm làm dịu căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
                                                 Kiệt Linh
                                                                                   (Nguồn VnMedia)