Tuesday, September 25, 2012

Ai đang thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng?

Chiến dịch vận động bầu cử chưa ngã ngũ. Nhưng nếu cuộc bầu cử được tổ chức hôm nay, Barack Obama có thể sẽ thắng.
Các nhà báo Mỹ tường thuật về chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ thường hay bị chỉ trích vì chăm chăm vào khía cạnh đua tranh của cuộc bầu cử. Đáng lẽ báo chí cần phân tích cặn kẽ những khác biệt về chính sách giữa hai ứng viên thì các nhà báo lại mất quá nhiều thời gian để đánh giá xem ai sẽ thắng và ai sẽ thua. Cho dù bài viết này đứng trước nguy cơ sẽ bị chỉ trích như vậy, tác giả cho rằng giờ vẫn là thời điểm thích hợp để xem xét cuộc đua đang đi đến đâu khi chỉ còn vài tuần nữa là đến ngày bầu cử.
Giống như mọi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khác, cuộc bầu cử lần này sẽ là một cuộc đua sít sao. Người dân Mỹ bị chia rẽ một cách sâu sắc và tương đối cân bằng nhau trong sự lựa chọn đảng phái, và đặc điểm này được phản ánh trong phiếu bầu của họ. Khoảng 90% cử tri Mỹ ủng hộ ứng cử viên của đảng mình trở thành tổng thống. Cho đến nay, không có bất kỳ một cuộc thăm dò dư luận trước thềm kì bầu cử 2012 cho thấy sự thay đổi quan trọng nào trong cơ cấu này. Đại đa số những cử tri Cộng hòa sẽ bỏ phiếu cho Mitt Romney, và cũng tương tự như vậy, đa số cử tri Dân chủ sẽ đứng bên cạnh Tổng thống của họ.
Do đặc thù phân chia đảng phái trong nền chính trị Hoa Kỳ, kết quả cuộc bầu cử sẽ được quyết định chủ yếu bới 3 nhân tố. Một là số lượng cử tri đi bầu. Lợi thế quan trọng sẽ thuộc về ứng viên nào thành công nhất trong việc thu hút những ủng hộ viên của mình đi bỏ phiếu, đặc biệt là ở những bang chiến trường như Florida, OhioPennsylvania. Chỉ có lá phiếu bầu mới đem lại chiến thắng, chứ không phải sự ủng hộ đơn thuần.
Chìa khóa thứ hai quyết định đến kết quả là yếu tố mà các nhà phân tích chính trị gọi là "lá phiếu dao động" ("swing vote"). Đó là một số ít các cử tri độc lập và những người ít có liên hệ đảng phái, những cử tri chưa thể quyết định sẽ ngả theo ứng cử viên nào. Họ được gọi là những "cử tri hay dao động" bởi vì trong bất kỳ cuộc bầu cử nào, họ đều có thể ngả từ bên này sang bên kia. Hầu như mọi người đều chung nhận định cuộc bầu cử 2012, các cử tri dao động này sẽ có khả năng chiếm khoảng 5% phiếu đại cử tri. Nhưng trong một cuộc đua sít sao như thế này, lá phiếu của họ có thể quyết định người chiến thắng.
Nhân tố thứ ba là chính chiến dịch vận động tranh cử và những sự kiện có thể xảy ra từ nay cho đến ngày 6/11. Chiến dịch tranh cử cho đến nay đã đi được một chặng đường dài. Quan điểm của cả hai ứng viên đều đã được thể hiện rõ ràng và hình ảnh của họ cũng đã được định vị trong nhận thức của các cử tri. Nhưng phía trước còn là ba cuộc tranh luận tay đôi. Cuộc tranh luận đầu tiên sẽ thực hiện vào ngày 3/10, cuộc cuối cùng vào ngày 22/10. Mỗi cuộc tranh luận tay bo giữa hai ứng viên sẽ kéo dài trong 90 phút và được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc đến khoảng 80 triệu khán giả.
Các cuộc tranh luận này sẽ mang đến cơ hội cũng như nguy cơ cho các ứng cử viên. Một mặt, các cuộc tranh luận trực tiếp là cơ hội để ứng viên gây dựng một hiệu ứng tích cực, củng cố và truyền cảm hứng cho những ủng hộ viên hiện tại cũng như thu hút một lượng quan trọng những cử tri còn đang dao động. Nhưng một sự thể hiện kém cỏi trong tranh luận, một lỗi lầm hay một thất bại trong việc giải thích một đề xuất chính sách, thậm chí một sự lựa chọn từ ngữ không chuẩn xác cũng có thể tạo ra hàng loạt những tin bài tường thuật tiêu cực sau đó,
Và còn dòng chảy thường nhật của các sự kiện ở Mỹ và nước ngoài. Cuộc sống không dừng lại vì một chiến dịch tranh cử tổng thống. Một thảm họa tự nhiên ở trong nước hay những cuộc khủng hoảng quốc tế có thể tập trung sự chú ý vào phản ứng của các ứng cử viên, đặc biệt khi ứng viên đó là tổng thống đương nhiệm. Dưới ánh sáng của các sự kiện, bản lĩnh thực sự của một ứng viên thường được bộc lộ một cách rõ ràng hơn. Chúng ta đã chứng kiến điều này trong những ngày gần đây, khi các cuộc biểu tình, bị châm ngòi bởi một bộ phim báng bổ đạo Hồi đã bùng nổ ở khắp các nước Trung Đông. Ở Lybia, một đại sứ Mỹ đã bị giết. Khi các sự kiện đang xảy ra, Mitt Romney đã công kích Tổng thống Obama và các nhà ngoại giao Hoa Kỳ sai thời điểm. Ông đã bị nhiều người chỉ trích gay gắt, ngay cả những người Cộng hòa vốn ủng hộ ông. Trong dòng chảy của các sự kiện, một ứng viên có thể nổi lên, một số khác lại chìm xuống.
Ở đây có một vấn đề cần làm rõ đối với mọi nhà phân tích: chiến dịch chưa ngã ngũ. Nhưng nếu cuộc bầu cử được tổ chức hôm nay, Barack Obama có thể sẽ thắng.
Obama đã giữ vững cách biệt cho dù rất sít sao với Romney trong tất cả các cuộc thăm dò toàn quốc kể từ khi Romney giành được đề cử của đảng Cộng hòa. Các cuộc thăm dò hiện tại cho thấy ông đang vượt lên đáng kể ở một số trong những bang chiến trường lớn nhất. Khi các cử tri được hỏi rằng họ thích ai lãnh đạo chính sách đối ngoại hơn, Obama luôn dẫn điểm. Ngay cả khả năng lãnh đạo của Romney trong các vấn đề kinh tế, trước vốn luôn là lợi thế thì nay cũng đang dao động mạnh về điểm số.
Romney vẫn còn thời gian để bắt kịp với Obama, và có nhiều dẫn chứng lịch sử rõ ràng về các cuộc đua tranh tổng thống sít sao vào những tuần cuối cùng. Nhưng thời gian đang thu ngắn lại. Các ứng viên đang dần trở nên mệt mỏi. Các cuộc bỏ phiếu sớm đã bắt đầu ở nhiều bang.
Cơ hội của Romney giờ đây có thể phụ thuộc vào những nhân tố vượt ngoài tầm kiểm soát của ông: sự thể hiện kém cỏi của Obama trong các cuộc tranh luận trực tiếp, một cuộc khủng hoảng quốc tế, một vài tin tức kinh tế tồi tệ. Nhưng có vẻ như đó là tia hi vọng mong manh cho một ứng viên đã vận động tranh cử suốt một thời gian dài và đã không thành công trong việc giành được sự yêu mến của nhiều người trong đảng mình, và dường như cũng thất bại trong việc giành được sự ủng hộ của đa số cử tri Mỹ.

                                                                                               GS Calvin Mackenzie
                                                                                                 (Nguồn tuanvietnam)

No comments:

Post a Comment