Saturday, January 19, 2013

10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam

Theo báo cáo của VNR Report, số doanh nghiệp tư nhân xuất hiện trong Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam tăng dần đều qua sáu năm xếp hạng.
Xuất phát từ năm 2007 chỉ có 103 doanh nghiệp tư nhân nằm trong Bảng VNR 500, tới năm 2012, con số này đã là 225, tăng hơn hai lần. Cùng xem các doanh nghiệp này hoạt động "khủng" thế nào.
1. Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI
Để đủ tiêu chuẩn lựa chọn xem xét  trong Bảng xếp hạng doanh nghiệp tư nhân, doanh thu tối thiểu của Doanh nghiệp phải đạt trên 660 tỷ đồng.
Năm 2012, Tập đoàn được xếp hạng số một trong Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VNR500) với mức doanh thu đạt gần 32.000 tỉ đồng.
Qua gần 20 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Tập đoàn DOJI đã có bề dày trong lĩnh vực Vàng bạc Đá quý, xây dựng hệ thống chuỗi trung tâm và cửa hàng trang sức cao cấp trên khắp nước; đầu tư kinh doanh dịch vụ, bất động sản và tài chính ngân hàng.
Doanh thu của Tập đoàn liên tục nhảy vọt với những con số ấn tượng: Năm 2010 đạt 20.000 tỉ đổng. Năm 2011 đạt 30.000 tỉ đồng và kết thúc năm 2012, Tập đoàn xuất sắc đạt 31.500 tỉ đồng.
Trong Bảng xếp hạng 1000 Doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất Việt Nam, DOJI xếp thứ 564.
2. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB)
Tại Đại hội cổ đông bất thường ngày 26-12-2012, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), ông Đỗ Minh Toàn, cho biết, lợi nhuận năm 2012 của ngân hàng đạt xấp xỉ 1.200 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2013, ngân hàng sẽ tăng trưởng tín dụng khoảng 15 – 20% và huy động vốn tăng 20 – 30%.
Trước đó, tại đại hội cổ đông năm 2012, ACB thông qua kế hoạch lợi nhuận 5.500 tỷ đồng cho năm.
Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của ngân hàng này sụt giảm mạnh do phải đóng trạng thái vàng (lỗ 1.700 tỷ) và tác động từ sự việc 6 nguyên lãnh đạo của nhà băng này bị khởi tố hồi tháng 8 và tháng 9. Năm 2011, ACB đạt lợi nhuận hợp nhất 4.202 tỷ đồng.
3. Công ty Cổ phần FPT
Ngày 18-12-2012, FPT công bố kết quả kinh doanh sau 11 tháng hoạt động. Theo đó, doanh thu toàn tập đoàn đạt 21.856 tỷ đồng, vượt mức 1 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt mức 1.364 tỷ đồng, tương đương EPS đạt 5.019 đồng.
Ngày 28-12, hơn 13.000 cổ đông FPT nhận được cổ tức bằng tiền đợt hai năm 2012 với tỷ lệ 10%, tương ứng 1.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, đợt chi trả cổ tức lần một bằng tiền đã được tập đoàn hoàn tất vào ngày 29-8 cũng với tỷ lệ 10%.
Như vậy, tính tổng cộng trong năm 2012, FPT trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, nằm trong kế hoạch trả cổ tức ban đầu đã được thông qua là trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với mức tối thiểu 15%, tối đa 30%.
4. Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)
Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, Vinamilk vẫn tăng trưởng và phát triển vững mạnh, duy trì tốc độ tăng trưởng cao về doanh thu, đặc biệt là nộp ngân sách nhà nước, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu.
Năm 2012, Vinamilk đạt doanh thu hơn 27.300 tỷ đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt gần 180 triệu USD; nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 2.900 tỷ đồng.
2012 cũng là năm sản lượng tiêu thụ của Vinamilk đạt cao nhất từ trước tới nay, với trên 4 tỷ sản phẩm trong điều kiện Vinamilk không tăng giá và tham gia bình ổn giá sữa cho người tiêu dùng cả nước.
Năm 2017, Vinamilk phấn đấu lọt vào top 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới, với doanh số 3 tỷ USD.
Liên tục đứng trong top 5 các doanh nghiệp tư nhân có doanh thu lớn nhất từ 2008, đến 2012, Vinamilk tiếp tục đứng thứ tư trong top năm doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
5. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)
Trong bảng xếp hạng VNR500 dành cho khối doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2012, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đứng vị trí thứ 5.
Trong bảng xếp hạng VNR500 - 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, Eximbank xếp vị trí thứ bảy, sau Sacombank (thứ sáu), Techcombank (thứ năm) và ACB (thứ hai).
Hồi tháng 8-2012, Eximbank được tạp chí Asia Money trao giải thưởng “Ngân hàng nội địa tốt nhất Việt Nam 2012".
Theo thông tin công bố, lợi nhuận quý ba và chín tháng đầu năm 2012 của Techcombank sụt giảm so với cùng kỳ 2011. Lợi nhuận thuần quý 3/2012 của Techcombank đạt 452,57 tỷ đồng, giảm 26,9% so với cùng kỳ năm 2011; lũy kế 9 tháng đầu năm 2012 đạt 1.681 tỷ đồng, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2011.
Nếu so với năm 2011, lợi nhuận và nhiều chỉ số của Techcombank giảm khá mạnh. Trong năm 2011, Techcombank đạt tăng trưởng thu nhập lãi thuần ở mức cao, với 58,9%, chủ yếu đến từ mảng hoạt động cho vay truyền thống; tăng trưởng dư nợ đạt 20,8% so với mức 10,9% của toàn ngành; tăng trưởng tiền gửi đạt 10,1% so với mức 9,9% của toàn ngành; thị phần cho vay tăng thêm 0,2%.
Lợi nhuận sau thuế năm 2011 của Techcombank cũng tăng trưởng khá mạnh với 51,5%, đạt mức 3.141 tỷ đồng so với mức 2.073 tỷ đồng trong cùng kì năm ngoái.
6. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)
Theo thông tin từ ngân hàng này, tại thời điểm 31-10-2012, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 2.259 tỷ đồng, tương đương 66% kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,26% và tất cả các tỷ lệ an toàn hoạt động đều được đảm bảo theo đúng quy định.
Tổng tài sản của Sacombank đạt 149.689 tỷ đồng, tăng 7% so với thời điểm cuối năm 2011; tiền gửi và cho vay của Sacombank tại các TCTD khác là 15.377 tỷ đồng, tăng 59% so với số dư đầu năm. Tổng tiền gửi và vay từ các TCTD khác giảm 54% trong 10 tháng qua, ở mức 5.671 tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức kinh tế và dân cư 10 tháng đầu năm tăng 9,1% so với cuối năm 2011 (trong đó bằng VND đạt 72.459 tỷ, tăng 14%), với lượng vốn cho vay khách hàng đạt hơn 84.452 tỷ (đã trích lập 1.139 tỷ đồng dự phòng rủi ro).
7. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)
Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Trương Văn Phước cho biết, con số tổng kết tính đến sáng 15-1 của ngân hàng là 2.828 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm khá mạnh so với lợi nhuận năm 2011 (4.056 tỉ đồng). Tăng trưởng tín dụng của Eximbank 0,3%, nợ xấu 1,34%.
8. Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ)
Thành lập vào ngày 28-4-1988 với tên gọi Cửa hàng Kinh doanh Vàng bạc Phú Nhuận, trực thuộc UBND Quận Phú Nhuận, đến năm 1990, được nâng cấp với tên gọi là Công ty Vàng bạc Mỹ nghệ Kiều hối Phú Nhuận.
Năm 1992 chính thức đổi tên thành Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ.
Đến năm 1994, được UBND Quận Phú Nhuận, TPHCM chuyển giao về cho Ban Tài chính Quản trị Thành ủy quản lý.
Đến tháng 1-2004, PNJ được cổ phần hóa và trở thành Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận cho đến hôm nay.
PNJ là đơn vị tiên phong trong việc xuất khẩu trang sức Việt Nam ra thị trường thế giới. Từ năm 1995, sản phẩm nữ trang PNJ có mặt tại Hội chợ nữ trang Hồng Kông. Đến nay, sản phẩm PNJ có mặt tại Đan Mạch, Đức, Hoa Kỳ, Úc và đang bắt đầu thâm nhập thị trường Dubai.
PNJ cũng chứng tỏ năng lực của mình trên các lĩnh vực khác, trong đó có việc sáng lập ra Ngân hàng Đông Á năm 1992 và trở thành một trong những ngân hàng TMCP lớn, có uy tín tại Việt Nam hiện nay.
PNJ cũng tham gia sáng lập hoặc góp vốn vào nhiều công ty khác như Công ty CP Địa ốc Đông Á, Công ty CP Năng lượng Đại Việt, Công ty CP S.G Fisco, Công ty CP năng lượng Sài Gòn SFC…
9. Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát
Với doanh thu hợp nhất 2011 đạt 17.851 tỷ đồng, Hòa Phát lần thứ tư liên tiếp nằm trong Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, thứ hạng trong VNR500 cũng tăng dần qua các năm. Điều đó cho thấy, Hòa Phát luôn giữ được mức tăng trưởng khá vững chắc.
Năm nay, Tập đoàn Hòa Phát xếp vị trí 43 trong VNR500 năm 2012, vượt bốn bậc so với năm 2011 và là một trong 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Bên cạnh công ty mẹ, các công ty thuộc Tập đoàn Hòa Phát có mặt trong VNR500 gồm: Công ty Thương mại Hòa Phát, công ty Ống thép Hòa Phát, công ty CP Nội thất Hòa Phát, Công ty TNHH MTV ống thép Hòa Phát Bình Dương.
10. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank)
Trong năm 2012, Maritime Bank cũng là một trong những ngân hàng nhận được nhiều bình chọn.
Mới đây nhất, Maritime Bank được nhận giải thưởng “Ngân hàng tiêu biểu tại Việt Nam - Vietnam Outstanding Banking Awards 2012", do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG dưới sự bảo trợ của Hiệp Hội Ngân Hàng Việt Nam, Bộ thông tin và truyền thông Việt Nam, Bộ công an và Uỷ ban Nhân dân TP. HCM trao tặng.
Năm 2011, Maritime Bank với khoản lợi nhuận trước thuế đạt 1.036 tỷ đồng, giảm 31,7% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 797 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ hoạt động khác chiếm tỷ trọng nhiều nhất với 829 tỷ đồng, tiếp đến là hoạt động dịch vụ với 343,7 tỷ đồng tăng hơn 65% so với năm trước.
Nếu năm 2010 kinh doanh ngoại hối của MaritimeBank lỗ 106,9 tỷ đồng, thì năm nay, hoạt động này lãi 41,9 tỷ đồng. Năm 2011, tỷ lệ nợ xấu của MaritimeBank là 2,27%, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gần 120 tỷ đồng.

                                                                              Phạm Tuyên
                                                                       (Nguồn tiền phong.vn)

Quyết liệt vì Hoàng Sa

Ngày này cách đây đúng 39 năm, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Hành động phi pháp ấy đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của người Việt Nam và sự lên án mạnh mẽ của thế giới.

Ngày 25.11.2011, trong phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập tới hai thời điểm Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam: “Năm 1956, Trung Quốc đã đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn, tức chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Chính quyền VNCH lúc đó đã phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Chính phủ lâm thời cách mạng miền Nam Việt Nam lúc đó cũng ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này”. Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ kiên trì đòi lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.
Phát biểu của người đứng đầu Chính phủ của một đất nước Việt Nam thống nhất đã nhắc chúng ta nhớ tới một ngày bi tráng của 39 năm về trước, khi đất nước còn chia đôi. Đó là ngày 19.1.1974, Trung Quốc nổ súng cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa. Các chiến hạm cùng quân nhân VNCH đã chiến đấu quyết liệt, nhưng cuối cùng với một lực lượng mạnh hơn, Trung Quốc đã chiếm được cụm phía tây của quần đảo Hoàng Sa, sau khi đã chiếm cụm phía đông hồi thập niên 1950, qua đó chiếm đóng phi pháp toàn bộ quần đảo này từ đó đến nay.
Xâm lăng
Trận hải chiến Hoàng Sa diễn ra trong khoảng 30 phút vào ngày 19.1.1974, nhưng trước đó nhiều ngày, Trung Quốc đã bắt đầu những chuyển động cho hành trình xâm lược của mình. Ngày 10.1, tàu Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trong khu vực cụm tây quần đảo Hoàng Sa. Sau đó một ngày, Bộ Ngoại giao nước này phát đi từ Bắc Kinh tuyên bố rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc và VNCH đang chiếm đóng phi pháp. Ngay lập tức, Tổng trưởng Ngoại giao Vương Văn Bắc của chính quyền Sài Gòn đã bác bỏ luận điệu ngang ngược này và lên án hành động xâm lăng gây hấn của Trung Quốc.
Lúc bấy giờ, về mặt quân sự, phía Việt Nam chỉ có một trung đội địa phương quân thuộc Chi khu Hòa Vang trú đóng trên đảo Hoàng Sa. Để tăng cường sức mạnh bảo vệ biển đảo, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải vào ngày 15.1 đã ra lệnh cho tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16), do trung tá Lê Văn Thự làm hạm trưởng, trực chỉ Hoàng Sa. Tiếp theo, khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) do trung tá Vũ Hữu San chỉ huy đang tuần tra vùng biển ngoài khơi Quảng Ngãi cũng được lệnh tức tốc tới bảo vệ Hoàng Sa. Sau đó, do diễn biến phức tạp, tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) và hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) cũng đã được điều động. HQ-5 là soái hạm, với hạm trưởng là trung tá Phạm Trọng Quỳnh; còn HQ-10 do thiếu tá - Hạm trưởng Ngụy Văn Thà chỉ huy. Ban Chỉ huy công tác trên biển của chiến dịch bảo vệ Hoàng Sa được đặt trên tàu HQ-5, với đại tá Hà Văn Ngạc thừa lệnh Tư lệnh HQ Vùng 1 Duyên hải làm chỉ huy trưởng.
Trong thời gian này, phía Trung Quốc đã cho tàu cá chở quân lính giả dạng ngư dân tiến chiếm một số đảo. Công điện 50.356 của Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải gửi HQ-4, HQ-5 và HQ-16 cho biết: “Trung Cộng đã bất thần tiến chiếm các đảo Robert (Cam Tuyền - NV), Duncan (Quang Hòa), Drummond (Duy Mộng) và Money (Vĩnh Lạc) thuộc quần đảo Hoàng Sa kể từ ngày 10.1.1974. Hiện có 2 tàu loại 100 tấn neo đậu tại đảo Robert... Trên đảo Duncan có 1 chòi quan sát... Tại đảo Money có 1 hầm còn mới...”. Công điện còn cho biết phi cơ của Sư đoàn 1 Không quân đang trực ở sân bay Đà Nẵng. Nhiệm vụ được giao cho lực lượng bảo vệ Hoàng Sa là trước hết sử dụng đường lối ôn hòa, yêu cầu kẻ địch rút khỏi lãnh thổ Việt Nam, trong trường hợp địch khai hỏa thì “tập trung khả năng để tiêu diệt địch”, lệnh từ văn phòng chỉ huy ở Đà Nẵng truyền ra cho HQ-5 nêu rõ.
Lúc bấy giờ, lực lượng chiến đấu của phía Trung Quốc có 11 tàu, trong đó có 2 tàu chống ngầm Krondstadt, 2 tàu quét lôi, vài tiểu đoàn thủy quân lục chiến và một số tàu chở quân. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có một đội quân dự phòng ở Hải Nam, trong đó có nhiều tàu tên lửa Komar và Osa.
Nổ súng
Sáng sớm 19.1, một toán Biệt hải từ HQ-4 và một đội Hải kích từ HQ-5 chia làm hai mũi dùng bè cao su đổ bộ lên tái chiếm đảo Quang Hòa. Một cuộc đọ súng xảy ra giữa quân VNCH và quân Trung Quốc đã chiếm đảo này từ trước cùng với số mới đổ bộ từ các chiến hạm gần đấy. Cuộc giao tranh này khiến 2 quân nhân VNCH tử thương và sau đó, do quân số ít hơn rất nhiều, hai toán đổ bộ của VNCH đã phải rời đảo, trở lại tàu.
Lúc này, các tàu chiến trên biển đã di chuyển theo đội hình chiến thuật, bộ chỉ huy trên soái hạm HQ-5 chỉ định mục tiêu cho từng chiến hạm thành viên để tiêu diệt. Theo đó, HQ-5 đối đầu tàu Krondstadt 274; HQ-4 đối đầu Krondstadt 271; HQ-10 đối đầu trục lôi hạm 396; HQ-16 đối đầu trục lôi hạm 389. Lúc 10 giờ 22 sáng 19.1.1974, lệnh tác xạ đồng loạt vào các chiến hạm Trung Quốc được ban hành từ HQ-5. Thông tin công khai trước đây cho rằng tàu Trung Quốc đã nổ súng trước. Tuy nhiên, mới đây, nguyên Hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San xác nhận rằng, lúc bấy giờ, tàu chiến của VNCH đã “chủ động khai hỏa”. Ngay trong những phút đầu, một chiếc Krondstadt đã bị trúng đạn bốc cháy. Sau đó, chiếc Krondstadt thứ hai cũng hư hại và phải ủi vào rạn san hô gần đó để khỏi chìm. Phía VNCH cũng chịu tổn thất khi HQ-4 và HQ-5 đều trúng đạn nhưng vẫn còn chiến đấu được; HQ-16 bị hư hại nặng hơn và phải dần rút khỏi vòng chiến. Riêng HQ-10, là tàu nhỏ nhất, bị bắn chìm và Hạm trưởng Ngụy Văn Thà tử trận.
Đến gần 11 giờ, có tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang tăng viện với các tàu tên lửa Komar xuất hiện từ phía xa. Nhận thấy tình thế bất lợi, chỉ huy trưởng Hà Văn Ngạc đã ra lệnh cho toàn bộ lực lượng rời vùng giao tranh. Trong cuộc chiến này, theo con số thống kê chưa đầy đủ, 53 quân nhân VNCH đã bỏ mình vì nước; một số quân nhân và nhân viên khí tượng bị bắt làm tù binh và đã được trao trả sau đó. Phía Trung Quốc có 4 tàu bị bắn hỏng và 18 binh sĩ chết.
Sau trận chiến ngắn ngủi nhưng ác liệt, Trung Quốc đã chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Dù thế, trận hải chiến 1974 một lần nữa khẳng định ý chí bất khuất của người Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền. Trước một kẻ thù mạnh hơn và trong một tình hình chính trị chung có nhiều diễn biến bất lợi, các quân nhân đã kiên cường nổ súng vào kẻ xâm lăng. Cuộc chiến đó cũng một lần nữa làm nổi rõ tính phi nghĩa của Trung Quốc tại Hoàng Sa và trên toàn biển Đông về sau, như tuyên cáo của Bộ Ngoại giao VNCH số 015/BNG sau trận hải chiến 1974 đã vạch rõ: “Các hành động quân sự của Trung Cộng là hành vi xâm phạm trắng trợn vào lãnh thổ VNCH”. Hành động dùng vũ lực để chiếm lãnh thổ của nước khác đi ngược lại với Hiến chương LHQ, và vì thế, dù cho đã chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa gần 40 năm qua, Trung Quốc mãi mãi vẫn không có được một tư cách hợp pháp đối với vùng lãnh thổ này.  
Tư liệu cho bài viết này được lấy từ Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa (Vũ Hữu San, Trần Đỗ Cẩm), qua trao đổi với ông Vũ Hữu San và một số cựu quân nhân tham gia trận hải chiến cũng như tham khảo nhiều tài liệu khác.
                                                                   
                                                                                         Đỗ Hùng
                                                                            (Nguồn thanhnien.com.vn)

Tuesday, January 15, 2013

Cách truy cập vào Facebook bị chặn cho mạng VNPT, FPT, Viettel năm 2013

Cách 1: Dùng phần mềm miễn phí Hotspot Shield

Áp dụng cho máy dùng hệ điều hành Windows. Cách này cực kỳ đơn giản. Bạn chỉ cần download phần mềm Hotspot Shield về, cài vào máy, và bật lên mỗi khi muốn vào Facebook hay những trang web bị chặn khác, ví dụ blogspot, wordpress, hay 1 số kênh Youtube hoặc xem phim chặn người dùng Việt Nam. Hotspot Shield được đánh giá cao bởi các tổ chức uy tín như PC World, CNET... Không virus, ko spyware, và hoàn toàn miễn phí. Download phần mềm này tại đây.

Cách 2: Sửa file hosts để vào Facebook

Bước 0 - Download file host: Thực hiện bước này nếu bạn không muốn tự sửa file hosts bằng tay. Bạn có thể bỏ qua các bước 1 đến bước 3 ở dưới đây nếu bạn tải file hosts EPIC.VN đã chuẩn bị sẵn. Sau khi tải về, bạn giải nén, rồi copy đè file vừa giải nén lên file hosts có sẵn tại thư mục: C:WindowsSystem32driversetc
 Link download:
Download file hosts cho mạng VNPT và Viettel
Download file hosts cho mạng FPT

Nếu bạn không làm bước 0 thì có thể làm bước 1 đến 3 sau đây:
Bước 1 - Mở Notepad: Click vào Start Menu > All Programs > Accessories > Notepad. Nếu bạn dùng Windows Vista hoặc Windows 7, thay vì click vào biểu tượng Notepad, bạn click chuột phải vào biểu tượng Notepad, trên menu hiện ra, chọn "Run as Administrator".
Bước 2 - Mở file hosts: Trong Notepad bạn vào menu File > Open. Ở phần Filter gần ô File name, bạn chọn All Files (*.*). Sau đó vào đường dẫn: C:\Windows\System32\drivers\etc để mở file có tên là hosts.
Bước 3 - Sửa file hosts: Sau khi đã mở file hosts, di chuyển con trỏ đến cuối file. Rồi bấm Enter. Đối với từng mạng FPT hoặc VNPT hoặc Viettel, copy toàn bộ nội dung tương ứng như sau để thêm vào cuối file hosts (bạn có thể thử lần lượt 1 trong 3 nội dung)
Chạy tốt trên cả 3 nhà mạng (có thể upload được ảnh cập nhật ngày 04/01/2013): 
31.13.79.7 www.facebook.com
31.13.79.7 facebook.com
31.13.79.7 www.login.facebook.com
31.13.79.7 login.facebook.com
31.13.79.7 apps.facebook.com
31.13.79.7 upload.facebook.com
31.13.79.7 graph.facebook.com
31.13.79.7 register.facebook.com
31.13.79.7 vi-vn.connect.facebook.com
31.13.79.7 vi-vn.facebook.com
31.13.79.7 static.ak.connect.facebook.com
31.13.79.7 developers.facebook.com
31.13.79.7 error.facebook.com
31.13.79.7 channel.facebook.com
31.13.79.7 upload.facebook.com
31.13.79.7 static.ak.facebook.com

Bước 4 - Bấm Save và tắt Notepad
Bước 5 - Tắt trình duyệt bạn đang dùng và vào lại trang facebook.com để kiểm tra kết quả


Cách 3: Thay đổi DNS để vào Facebook

Bạn có thể thay đổi DNS để "nói" với máy tính rằng hãy tìm địa chỉ IP thực của Facebook bằng 1 máy chủ khác. Một số địa chỉ DNS server uy tín mà bạn có thể sử dụng:
Open DNS: 208.67.222.222 và 208.67.220.220
Google DNS: 8.8.8.8 và 8.8.4.4
Các bước để thay đổi DNS như sau:
Bước 1:
Đối với Windows XP, Windows Vista: Vào Start Menu > Control Panel > Network Connections, sau đó chọn Properties trên cửa sổ. Cách khác nhanh hơn là bạn bấm phải chuột vào biểu tượng nhấp nháy màu xanh, hình mạng máy tính ở góc dưới cùng bên tay phải của màn hình, sau đó chọn Properties.
Đối với Windows 7 (Win7): Bấm vào biểu tượng chiếc máy tính ở icon tray phía dưới bên phải màn hình. Bấm vào Open Network and Sharing Center. Trên màn hình hiện ra, chọn Change adapter settings. Sau đó bấm đúp chuột vào biểu tượng nào có hình kết nối màu xanh, rồi chọn Properties.
Bước 2: Trên màn hình Properties, chọn Internet Protocol Version 4 (TCP/IP v4), sau đó bấm tiếp vào Properties. Trên màn hình hiện ra bạn bấm vào Use the following DNS server addresses: sau đó điền giá trị của DNS server ở trên vào ô Prefered DNS ServerAlternate DNS Server.
+ Prefered DNS Server: 208.67.222.222 (hoặc 8.8.8.8 nếu bạn muốn dùng Google DNS)
+ Alternate DNS Server: 208.67.220.220 (hoặc 8.8.4.4 nếu bạn muốn dùng Google DNS)
Sau đó bấm OK để cập nhật DNS mới.
Bước 3: Bạn đóng trình duyệt Internet Explorer, FireFox hoặc Google Chrome đang sử dụng. Sau đó mở lại và vào lại http://www.facebook.com

Cách 4: vào trang http://proxy.mymasy.com

Bước 1: Truy cập vào trang http://proxy.mymasy.com
Bước 2: Copy địa chỉ cần truy cập rồi past vào ô trống rồi bấm GO. Như hình dưới:
Chúc các bạn thành công & vui vẻ với Facebook.

                                                               [PUT sưu tầm]

Tuesday, January 1, 2013

ĐÓN NĂM MỚI 2013

Ta chào đón năm mới
Với tâm hồn phơi phới
Chung tay nhau vun xới
Để ngày mai đổi mới.

  00 giờ ngày 01/01/2013
               PUT

Sunday, December 30, 2012

Tổng hợp những điểm nóng của thế giới trong năm 2012

Năm nay, thế giới đã “chao đảo” trước diễn biến của nội chiến đẫm máu tại Syria, “chảo dầu sôi” ở Trung Đông - Biển Đông - Hoa Đông, cho đến kịch tính của các cuộc chuyển giao quyền lực có ảnh hưởng toàn cầu…
1. Chuyển giao quyền lực
Trung Quốc trải qua cuộc chuyển giao quyền lực lớn nhất một thập niên. Một vụ bê bối chính trị cấp cao đã dẫn tới việc ngã ngựa của ngôi sao chính trị đang lên Bạc Hy Lai. Đội ngũ lãnh đạo mới, dẫn đầu là ông Tập Cận Bình, đang đối mặt với muôn vàn thách thức như bất ổn xã hội trong nước, tăng trưởng kinh tế sụt giảm, hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Tại Triều Tiên, Kim Jong Un kế nhiệm cha, cố lãnh đạo Kim Jong Il, đang ngày càng củng cố quyền lực.
Sau một cuộc tranh cử kịch tính, một cuộc rượt đuổi sít sao và những lần tranh luận thậm chí thất bại trên truyền hình,  Tổng thống Mỹ Obama đắc cử nhiệm kỳ hai.
Ở Nga, Putin trở lại ghế tổng thống nhiệm kỳ ba trong bối cảnh nước này có nhiều thay đổi. Áp lực đè nặng lên ông Putin bắt đầu từ nhiều tháng trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 3 khi hàng loạt cuộc biểu tình quy mô chưa từng có ở Moscow.
Nhật chuẩn bị đón chào cựu Thủ tướng Shinzo Abe trở lại quyền lực với tuyên bố không thể nhượng bộ trong tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Hàn Quốc có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử. Bà Park Geun-hye - con gái cựu Tổng thống Park Chung-hee - đang được người dân hy vọng sẽ thành công trong nỗ lực đại đoàn kết dân tộc.
2. Những vùng biển động châu Á
Khi Washington tuyên bố chiến lược trục xoay từ Trung Đông về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mọi thứ dường như nóng lên ở các vùng biển châu Á. Bắc Kinh ngày càng quả quyết, thậm chí gây hấn, trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên biển, cả với Nhật ở biển Hoa Đông và với các nước Đông Nam Á ở Biển Đông - những nơi mà người Trung Quốc coi là phạm vi ảnh hưởng của mình.
Cả Hoa Đông và Biển Đông đều sở hữu những trục đường vận chuyển quan trọng nhất với thương mại toàn cầu, cũng được cho là giàu trữ lượng dầu khí. Các hòn đảo, quần đảo cằn cỗi, hầu như không có người ở trở thành nơi va chạm thường xuyên giữa tàu cá, tàu hải giám, tàu ngư chính Trung Quốc với các tàu từ Việt Nam, Philippines và Nhật Bản.
Bắc Kinh và Manila có vụ bế tắc kéo dài nhiều tháng ở bãi cạn Scarborough. Ở Hoa Đông, phản ứng của Trung Quốc ngày một mạnh mẽ, nhất là sau khi Tokyo hoàn tất kế hoạch quốc hữu hoá một số đảo thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Căng thẳng Trung - Nhật “kích hoạt” các cuộc biểu tình chủ nghĩa dân tộc và phong trào tẩy chay hàng hoá Nhật ở Trung Quốc.
Vào thời điểm nhiều láng giềng quan ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhất là về sức mạnh quân sự, Bắc Kinh bị dồn vào thế “tiến thoái lưỡng nan” vừa chống chọi với chủ nghĩa dân tộc tăng cao trong nước vừa cố xoa dịu nỗi bất an khu vực.
3. Khủng hoảng châu Âu
Nam Âu nặng gánh nợ nần tiếp tục chìm vào cơn ác mộng tài chính như muốn nhấn chìm khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và phủ bóng lên triển vọng hồi phục kinh tế toàn cầu.
Nhiều cuộc biểu tình và đình công lớn diễn ra ở Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha... khi người dân nổi giận với những biện pháp cắt giảm của chính phủ. Các nỗ lực giảm chi tiêu công dường như không hiệu quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng cần thiết ở những nền kinh tế Địa Trung Hải.
Thay vào đó, khó khăn và bất bình đẳng ngày càng trở nên sâu sắc, thất nghiệp tăng vọt. Các cuộc bầu cử địa phương và quốc gia chứng kiến việc cử tri rời xa những đảng phái đưa ra chính sách khắc khổ để vượt khủng hoảng.
Ở Hy Lạp, bầu cử nghiêng về những đảng phái cực tả hoặc cực hữu. Tại Pháp, Francois Hollande của đảng Xã hội đã lật đổ tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy sau một chiến dịch tranh cử giương cao ngọn cờ dân túy, chống lý thuyết thắt lưng buộc bụng. Sau nhiều tháng nhậm chức và bắt tay vào công việc, Hollande - giống như nhiều nhà hoạch định chính sách khác của châu Âu - nhận thấy rằng, làm không dễ như nói.
4. Syria: bế tắc đẫm máu
Khi năm 2012 sắp kết thúc, cũng là lúc Syria chuẩn bị tròn hai năm cuộc nội chiến đẫm máu với rất ít khả năng có được một giải pháp lập tức. Những con số thống kê cho thấy, hơn 40.000 người đã thiệt mạng.
Trong năm thứ hai của cuộc chiến ấy, thế giới đã chứng kiến sự tàn khốc của “nồi da nấu thịt” với đạn pháo, mưa bom. Mỹ và các đồng minh quốc tế chưa sẵn sàng can thiệp. Quyền lực của Tổng thống Assad bị thu hẹp ở nhiều nơi.
5. Có một mùa đông Ảrập
Sau Năm của những người biểu tình, thì tới Năm của những thế lực chính trị. Giai đoạn tiếp theo của các cuộc cách mạng ở Ai Cập, Libya và Tunisia cho thấy các lực lượng chính trị Hồi giáo bị coi là thứ yếu trước đây nay đang hưởng lợi đáng kể.
Những đảng phái chính trị bị cấm hoặc hạn chế hoạt động giờ đây nắm giữ nhiều vị trí quyền lực. Tại Libya, cuộc tấn công 11/9 vào lãnh sự Mỹ ở Benghazi đã đặt ra những câu hỏi về an ninh và sự phát triển ngày một lớn của chủ nghĩa cực đoan sau khi Muammar Gaddafi bị lật đổ.
Đáng chú ý nhất là số phận của Anh em Hồi giáo - tổ chức ngày một lớn mạnh trong các phong trào hồi giáo của Thế giới Ảrập - giờ đây đang phát huy quyền lực trong đảng cầm quyền của quốc gia đông dân nhất thế giới Ảrập.
Đảng Tự do và Công lý của Anh em Hồi giáo đã chiếm ưu thế trong quốc hội khi cuộc bầu cử hoàn tất vào mùa xuân, và sau đó mùa hè chứng kiến việc ứng viên của đảng là Mohamed Morsi đắc cử tổng thống. Nỗ lực mở rộng quyền lực có thể là thái quá của ông dẫn tới những cuộc biểu tình mới ở Cairo không chỉ nhằm vào ông mà còn vào tổ chức Anh em Hồi giáo. Nhiều người đã lo ngại về một cuộc nổi dậy mới ở trung tâm thế giới Ảrập.
                                                                         Ngày 30/12/2012
                                                                           PUT tổng hợp