Monday, September 24, 2012

KHÔNG DANH LỢI

Không lợi không danh, há chẳng hay!
Chẳng cần lo lắng, rảnh cả ngày.
Sáng bàn thế sự, chân cao thấp,
Chiều luận sơn hà, mặt tỉnh say.
Lâu đài khanh tướng nhiều biến trá,
Áo mũ công hầu dễ đổi thay.
Ôi thôi! danh lợi xin đừng nhắc,
Để tớ tiêu dao hết kiếp này.

                             PUT
                    Ngày 24/9/2012

Sunday, September 23, 2012

THU HỨNG

    [Đỗ Phủ]

1. Nguyên văn

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu Sơn Vu Giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Ðế thành cao cấp mộ châm.

2. Dịch nghĩa

Cảm hứng mùa thu
Sương móc làm cho rừng phong tiêu điều, xơ xác,
Khí thu dâng mù mịt giữa hai vách Vu Sơn, Vu Giáp.
Mặt sông in trời, sóng như nhảy tận lưng trời,
Trên cửa ải mây giăng sát mặt đất.
Bụi cúc nở hoa bấy nay đã hai lần làm rơi nước mắt,
Một chiếc thuyền con cột chặt chút lòng thương nhớ mảnh vườn xưa.
Nhà nhà đang dao kéo may áo, lo đỡ cái giá lạnh sắp đến,
Trên thành Bạch Ðế cao, tiếng chày giặt áo về chiều nghe hối hả.
3. Dịch thơ
3.1. Nguyễn Công Trứ:

Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt, khí thu lòa.
Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.
Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình già.
Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước,
Thành Bạch, chầy vang bóng ác tà.
3.2. Phạm Quốc Toàn:

Xơ xác rừng phong hạt móc bay,
Vu sơn hai vách phủ hơi đầy.
Đáy sông cuộn chảy, trời tung sóng,
Nơi ải xa mờ, đất rợp mây.
Khóm cúc nở tuôn dòng lệ chảy,
Thuyền con cột chặt nhớ thương đầy.
Nhà nhà giục giã may áo rét,
Bạch đế thành vang rộn tiếng chày.
                            
                                      PUT
                              Ngày 23/9/2012

Friday, September 21, 2012

Mỹ lại ra đòn hiểm bất ngờ với Trung Quốc

Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vừa ra sức trấn an Trung Quốc bằng tuyên bố không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Châu Á hiện nay thì một quan chức cấp cao Mỹ mới đây lại tuyên bố, nước này sẽ bảo vệ Nhật Bản trong cuộc tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư. “Cú đấm” bất ngờ này của Mỹ chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận.
Xoa dịu...
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuần này đã thực hiện một chuyến công du Châu Á kéo dài một tuần với các chặng dừng chân gồm Nhật Bản, Trung Quốc và New Zealand.

Tại thủ đô Bắc Kinh, trong bài phát biểu trực tiếp với các sĩ quan trẻ Trung Quốc hôm 19/9, Bộ trưởng Panetta đã tìm cách trấn an Bắc Kinh về nỗi quan ngại của nước này trước sự can thiệp của Mỹ vào cuộc tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư cũng như kế hoạch quân sự của Mỹ trong khu vực.
Trung Quốc gần đây luôn cảm thấy bất an và không thoải mái khi Mỹ thường xuyên can thiệp vào một loạt các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông của họ với các nước láng giềng. Nói về vấn đề này, ông chủ Lầu Năm Góc hôm 19/9 đã tái khẳng định, Washington sẽ giữ lập trường trung lập, không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện nay ở khu vực Châu Á. Ông Panetta đã kêu gọi cả Nhật Bản và Trung Quốc đều cần phải bình tĩnh, kiềm chế để tránh một cuộc xung đột có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài nói đến sự lo lắng của Trung Quốc về việc Mỹ can thiệp vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cũng không quên đề cập đến nỗi quan ngại lớn của Bắc Kinh trước kế hoạch đưa thêm lực lượng, tàu chiến và triển khai hệ thống lá chắn tên lửa mới của Mỹ ở Châu Á.
Kể từ khi Lầu Năm Góc thông báo về kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương hồi đầu năm nay, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh dường như “mất ăn mất ngủ”.
Tuy nhiên, tại một trường học của quân đội Trung Quốc giữa thủ đô Bắc Kinh, Bộ trưởng Panetta đã khẳng định: "Kế hoạch sắp xếp lại lực lượng ở Châu Á - Thái Bình Dương của chúng tôi không phải là một nỗ lực nhằm kiềm chế Trung Quốc. Đó là một nỗ lực nhằm tăng cường hợp tác với Trung Quốc và mở rộng vai trò của mối quan hệ hợp tác này trong khu vực Thái Bình Dương. Kế hoạch của chúng tôi là tạo ra một mô hình mới trong quan hệ giữa hai cường quốc Thái Bình Dương".
... và sau đó là thêm một “cú đấm” bất ngờ
Khi Trung Quốc còn chưa kịp thở phào nhẹ nhõm trước những lời trấn an, xoa chịu chắc nịch của Mỹ thì ngay ngày hôm qua (20/9), một quan chức cấp cao của Mỹ đã lên tiếng tuyên bố, nước này có trách nhiệm phải bảo vệ Nhật Bản trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Ông Kurt Campbell, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, mới đây đã phát biểu trước Tiểu ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ rằng, quần đảo Senakaku/Điếu Ngư - nhóm đảo nhỏ chưa có người sinh sống ở biển Hoa Đông, “rõ ràng” nằm trong hiệp ước phòng thủ chung mà Mỹ và Nhật Bản đã ký kết năm 1960. Cụ thể, theo hiệp ước này, Mỹ có trách nhiệm phải bảo vệ Nhật Bản nếu cường quốc Châu Á này bị tấn công. Phạm vi bảo vệ của Mỹ đối với Nhật Bản bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
"Chúng tôi không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền đối với những hòn đảo nhỏ đó. Tuy nhiên, chúng tôi phải thừa nhận rõ ràng rằng, Nhật Bản đang nắm quyền kiểm soát quần đảo Senkaku và vì vậy, quần đảo này chắc chắn vẫn nằm trong phạm vi Điều khoản 5 của Hiệp ước An ninh", ông Campbell đã phát biểu như vậy tại một phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về các cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện nay ở Châu Á.
Điều khoản 5 tuyên bố, “mỗi bên phải thừa nhận rằng, một cuộc tấn công vũ trang vào bất kỳ bên nào trong vùng lãnh thổ dưới sự kiểm soát của Nhật Bản đều là hành động nguy hiểm đối với hòa bình và an ninh chung của hai bên. Vì thế, hai bên sẽ phải hành động để đối phó với mối nguy hiểm chung. Hành động đó phải phù hợp với các tiến trình và quy định của hiến pháp".
Nhật Bản đã kiểm soát những hòn đảo nhỏ chưa có người sinh sống ở biển Hoa Đông từ năm 1895 đến nay và đặt tên cho nhóm đảo nhỏ này là quần đảo Senkaku. Trước đó, từ 1945-1972, Mỹ quản lý quần đảo Senkaku.
Rõ ràng, Mỹ đang bị đặt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản. Nếu một cuộc xung đột Trung-Nhật nổ ra, Mỹ chắc chắn sẽ phải can thiệp vào bởi nước này có ràng buộc với Nhật Bản bởi một Hiệp ước phòng thủ chung. Tuy nhiên, Mỹ hoàn toàn không muốn gây căng thẳng quá mức với Trung Quốc bởi điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ. Đây là lý do giải thích tại sao, trong thời gian qua Mỹ đã tăng cường các nỗ lực ngoại giao nhằm làm dịu căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
                                                 Kiệt Linh
                                                                                   (Nguồn VnMedia)

Thursday, September 20, 2012

TỨ TUYỆT KHOÁI

Một buổi trưa hè oi ả ở một làng quê Việt Nam
, bốn ông đồ nho (chùm) tụ họp trà nước và tán dóc như thường lệ. Hôm nay trời nóng hơn mọi hôm! Chủ nhà, Đồ Gàn, gọi tiểu đồng ra pha thêm trà, rồi bảo 3 người bạn:

- Nói chuyện gẫu mãi cũng chán! Tôi đề nghị mình làm thơ đi!
Đồ Hàn góp ý:
- Ý này cũng hay, chúng ta bốn người tất là làm được một bài thơ Tú Tuyệt để lại cho hậu chúng!
Cử Tạ lên tiếng: "Thơ thì xong rồi, nhưng lấy gì làm đề?"
Thế là bốn ông toáng cả lên để chọn đề tài bài thơ. Sau cùng, ông Nghè Đe mới tủm tỉm:
- Hay thế bây giờ mình làm bài thơ Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt để vịnh cái khoái của đời. Mỗi người làm một câu, thế là tứ khoái!

Tất cả đồng ý. Đồ Gàn nhìn trời nóng chang chang, ruộng đất nứt nẻ, ứng khẩu đọc lên:
- Đại hạn phùng cam lộ (Trời hạn hán, gặp mưa trong).
Cử Tạ vốn là người xứ khác, một mình lạc đến vùng này, lúc nào cũng cảm thấy cô độc. Buồn cảnh đất khách quê người, ông thốt lên:
- Tha hương ngộ cố tri (Xa nhà gặp lại bạn cũ).
Mọi người quay nhìn Nghè Đe. Bây giờ Nghè ta mới giật mình vì không biết tả cái khoái gi. Nhìn quẩn nhìn quanh, chợt ông thấy hai con thạch sùng đang quấn đuôi trên trần nhà, đắc chí, Nghè Đe rung đùi rồi đọc:
- Động phòng hoa chúc dạ (Động phòng đêm tân hôn).
Tới câu chót là của Đồ Hàn. Đồ Hàn công danh lận đận, thi hỏng mãi phải quay về làng đi dạy học. Nghĩ đến đời mình, Đồ Hàn lẩm bẩm than:
- Kim bảng quải danh thì (Bảng vàng đề tên).
Thế là bốn ông Nho chùm ngồi vuốt râu và vừa đọc lại thơ, vừa khen lấy nhau...
Lúc bấy giờ, thằng tiểu đồng pha trà đi ngang, nghe lỏm thơ, cứ lắc đầu. Tinh mắt, ông Nghè mới bảo thằng tiểu đồng:
-Mày thấy bài thơ tả bốn cái khoái trên đời này không đúng sao mà cứ lắc đầu mãi?
Tiểu đồng:
- Thưa cụ, bài thơ quả có hay và tả đúng bốn cái khoái, nhưng con thấy vẫn còn chưa thật là khoái ạ!
- Thế làm sao mới thật là khoái?
- Dạ thưa cụ, con nghĩ nếu thêm vào mỗi câu hai chữ nữa thì mới thật là khoái ạ!
- A cái thằng giỏi nhỉ! Mày mà biết thơ với thúng gì... Thơ Ngũ Ngôn mà lại thêm vào hai chữ thì thành Thất Ngôn à? Các cụ nhao nhao lên mắng thằng tiểu đồng, làm thằng bé hốt hoảng nín thinh, ứa nước mắt.
Đồ Hàn lên tiếng bênh thằng tiểu đồng:
- Thôi các cụ cứ để cho nó nói hết! Mày cứ nói đi, nếu không ra gì thì chết với các cụ!
Tiểu đồng lấm la lấm lét rồi nói rằng:
- Thưa cụ, câu thứ nhất thì con nghĩ nên thêm vào "Thập niên". Nói xong nó đứng khoanh tay nhìn xuống đất.
Các cụ nhìn nhau. Thằng này cũng có lý vì nếu là mười năm hạn hán mà được mưa thì thật là càng khoái hơn nữa!
- Thế rồi câu thứ hai? Một cụ hỏi.
- Dạ con thêm vào "Lữ khách" vì xa nhà đã buồn, mà xa nhà một mình, bây giờ gặp bạn cũ thì thích lắm ạ.
Các cụ gật gật đầu, có vẻ đồng ý. Nhưng đợi mãi, không thấy thằng tiểu đồng nói gì. Sốt ruột, một cụ lên tiếng giục. Tiểu đồng đỏ mặt:
- Thưa cụ con không dám.
Đồ Gàn:
- Mày cứ nói, các cụ tha cho.
Tiểu đồng:
- Dạ con xin thêm vào câu này "Tu sĩ"!!!
Các cụ mỉm cười. Động phòng đã là thú rồi, mà lại là tu sĩ chưa bao giờ hưởng mùi vị thì chắc chắn là tuyệt.
Không đợi các cụ, tiểu đồng thêm vào:
- Còn câu cuối, con xin thêm vào "Hàn nho" vì thi đậu là thích, mà một nho sĩ nghèo, thi đậu để mang lại no ấm cho gia đình thì quả không gì bằng...
Nghe đến đây, Đồ Hàn quay đi.

Thế là bài thơ Tứ Tuyệt  Khoái trở thành:

Thập niên Đại hạn phùng cam lộ
Lữ khách Tha hương ngộ cố tri
Tu sĩ Động phòng hoa chúc dạ
Hàn nho Kim bảng quải danh thì.

Dịch thơ:

Mười năm hạn hán, gặp mưa trong
Tu sỹ khoái chí đêm động phòng
Một mình xa quê gặp bạn cũ
Nho nghèo bảng nhãn thỏa ước mong.

                                                                    [PUT sưu tầm & dịch thơ]
                                                               Ngày 20/9/2012

TIẾNG XƯA

Tri âm ai đó hững hờ,
Tiếng xưa vọng lại bến bờ Tầm Dương.
Đàn buông réo rắt đêm trường,
Hơi thu se lạnh cung thương lạc loài.
Áo xanh bạc thếch ai hoài,
Đò xưa bến cũ đợi người tri âm.

                           PUT
                  Ngày 16/9/2012