I. VỀ TÁC GIẢ
O. Henry (1862-1910), một nhà văn Mỹ viết rất nhiều tác
phẩm, một nghệ sĩ bậc thầy của những kết cục bất ngờ, đã viết nên nhiều tác
phẩm về cuộc sống của những con người bình thường sinh sống ở thành phố New York phồn hoa. Một
bước ngoặt trong cốt truyện, chuyển hướng theo một tình huống trùng hợp ngẫu
nhiên hay một chi tiết châm biếm, là điểm đặc thù trong truyện ngắn O''Henry.
William Sydney Porter (O. Henry) sinh ra ở Greenboro, Bắc
Carolina. Cha của ông, Algernon Sidney Porter, là một bác sĩ. Khi William lên
ba tuổi, mẹ của ông qua đời, từ lúc đó, ông được bà nội và cô nuôi nấng và chăm
sóc. Ngay từ nhỏ, William đã là một cậu bé ham đọc sách, nhưng đến năm 15 tuổi,
cậu bỏ học và làm việc trong một cửa hàng thuốc ở một nông trang tại Texas. Sau đó, William
rời đến Houston,
nơi sau này ông phải làm rất nhiều công việc, trong đó có công việc thư ký ngân
hàng. Sau khi chuyển đến Austin,
Texas vào năm 1882, ông lập gia
đình.
Vào năm 1884, ông bắt đầu sự nghiệp phóng viên cho tờ tuần
báo hài Rolling Stones. Khi tờ tuần báo này bị sụp, William tham gia tờ Houston
Post với tư cách là một phóng viên và một người phụ trách chuyên mục. Năm 1887,
ông bị kết án biển thủ tiền, dù cho đã có nhiều tranh luận về tội trạng thực của
ông. Năm 1898, ông phải vào một trại cải tạo ở Columbus, Ohio.
Trong quãng thời gian ở tù, O.Henry bắt đầu viết truyện
ngắn kiếm tiền để chu cấp cho con gái Margaret của mình. Tác phẩm đầu tiên của
ông, "Whistling Dick''s Christmas Stocking" (1899), ra mắt trong tạp
chí McClure''s. Sau ba năm trong quãng thời gian 5 năm cải tạo, Porter được mãn
hạn vào 1901 và đổi tên thành O.Henry.
O. Henry chuyển đến thành phố New York vào năm 1902; từ
tháng 12-1903 cho đến tháng 1-1906, ông viết mỗi truyện ngắn một tuần cho tờ
New York World, và những truyện này cũng được đăng trên những tạp chí khác.
Tuyển tập đầu tiên của O.Henry, Cabbages And Kings xuất hiện vào năm 1904.
Tuyển tập thứ hai, The Four Million, xuất bản hai năm sau đó và có bao gồm cả
truyện ngắn nổi tiếng "The Gift of the Magi" và "The Furnished
Room" của ông. Tập The Trimmed Lamp (1907) có truyện "The Last
Leaf". Nhưng truyện ngắn nổi tiếng nhất của O.Henry và có lẽ cũng là
truyện ngắn được soạn thành hợp tuyển nhiều lần :"The Ransom of Red
Chief", nằm trong tập Whirligigs (1910). The Heart Of The West (1907) lại
trình bày những câu chuyện ở miền đất Texas
.
Trong suốt cuộc đời của mình, O.Henry đã cho xuất bản tổng
cộng 10 tuyển tập và trên 600 truỵện ngắn.
Những năm tháng cuối cùng của O.Henry bị bao trùm trong
bóng tối của chứng nghiện rượu, tình trạng sức khoẻ tồi tệ và các vấn đề tài
chính. Ông kết hôn với Sara Lindsay Coleman ào năm 1907, nhưng cuộc hôn nhân đó
lại không được hạnh phúc, và họ ly thân chỉ một năm sau đó. O. Henry mất vì
bệnh xơ gan vào tháng 5-1910 ở New
York. 3 tuyển tập khác, Sixes And Sevens (1911),
Rolling Stones (1912) và Waifs And Strays (1917) đều được xuất bản sau cái chết
của ông.
II. VỀ TÁC PHẨM
1. Tóm tắt:
Johnsy và Sue là hai họa sỹ trẻ sống trong một khu phố
nghèo. Johnsy đang ốm nặng và có thể qua đời vì viêm phổi. Cô nhìn thấy những
chiếc lá rơi từ một cây (trường xuân) ở bên ngoài cửa sổ căn phòng của mình. Cô
nghĩ rằng khi chiếc lá cuối cùng rơi thì cô cũng sẽ chết. Trong khi đó Sue cố
gắng ngăn bạn mình có những suy nghĩ như vậy.
Một họa sỹ già không thành đạt tên Behrman sống ở tầng
dưới của Johnsy và Sue. Ông đã tuyên bố rằng ông sẽ vẽ một kiệt tác, mặc dù ông
chưa bao giờ thử bắt đầu vẽ. Sue gặp ông và kể rằng bạn mình sắp chết vì viêm
phổi và Johnsy luôn cho rằng khi chiếc lá cuối cùng rời khỏi cây ở bên ngoài
cửa sổ thì cô sẽ chết. Behrman cười nhạo ý tưởng ngốc nghếch này, nhưng ông tự
cho rằng mình là người bảo vệ của hai nghệ sĩ trẻ, ông quyết định lên xem
Johnsy và cây bên ngoài cửa sổ đó.
Đêm hôm đó, có một cơn bão lớn và gió thổi, mưa đập
vào cửa sổ. Sue đóng rèm cửa và nói với Johnsy đi ngủ, mặc dù chỉ còn có một
chiếc lá trên cây. Johnsy không muốn đóng cửa nhưng Sue quyết làm vậy bởi cô
không muốn Johnsy xem chiếc lá cuối cùng. Vào sáng hôm sau, Johnsy muốn nhìn
thấy cây để chắc rằng tất cả các lá đã rụng, nhưng trước sự ngạc nhiên của họ,
vẫn còn lại một chiếc lá trên cây.
Dù ngạc nhiên khi chiếc lá vẫn còn đó, Johnsy chắc mẩm
rằng nó sẽ rơi ngày hôm đó. Nhưng đến tận đêm và qua ngày hôm sau nó vẫn còn trên
cành. Johnsy tin rằng chiếc lá còn lại để chứng tỏ sự nhẫn tâm của cô và cô có
tội khi muốn chết. Cô lấy lại niềm khao khát sống và hồi phục nhanh chóng.
Vào buổi chiều, một bác sĩ nói chuyện với Sue. Bác sĩ
kể rằng ông Behrman đã qua đời vì viêm phổi và không thể giúp gì được. Ông được
đưa đến bệnh viện để có được sự thoải mái trong giờ phút cuối cùng. Một người
gác cổng đã thấy ông quằn quại đau đớn, với đôi giày và quần áo ướt và lạnh như
đá. Người gác cổng không thể xác định được ông đã ở đâu trong đêm giông bão đó,
dù tìm thấy một chiếc đèn bão còn sáng, một chiếc thang đã bị chuyển khỏi chỗ,
mấy chiếc bút lông vương vãi và một bảng pha màu xanh vàng trộn lẫn,
"Và... nhìn ra cửa sổ kia, bạn, chỗ chiếc lá cuối cùng ấy. Bạn không ngạc
nhiên tại sao nó chẳng hề rung rinh hay di chuyển khi gió thổi? Ồ, bạn ơi, đấy
là kiệt tác của bác Behrman... Bác vẽ nó vào cái đêm chiếc lá cuối cùng
rơi".
2. Nội dung:
Trong một khu nhỏ ở phía Tây quảng trường Washington, đường phố chạy ngoằn ngoèo và tự
cắt thành những mảnh nhỏ gọi là ‘biệt khu’. Nhũng ‘biệt khu’ này tạo thành
những góc và đường lượn kỳ lạ. Mỗi con phố tự cắt một hoặc hai lần. Một dạo, có
nghệ sĩ đã khám phá ra khả năng hữu ích của con phố này. Thử hình dung, một
người khi thu hoá đơn tiền sơn, tiền giấy và tiền vải vẽ đi qua phố ấy, bỗng
nhiên nhận thấy mình quay lại mà chưa thu được lấy một xu nào.
Vậy nên chẳng mấy chốc cánh nghệ sĩ đổ xô dến ngôi làng Greenwich cổ kính kì quặc
đó, săn tìm những cửa sổ phía Bắc, những đầu hồi thế kỉ thứ mười tám và những
căn phòng áp mái kiểu Hà Lan với giá thuê rẻ. Rồi họ nhập khẩu vài cái xô chậu
đúc bằng hợp kim chì và thiếc, một hoặc hai cái bếp lẩu từ đại lộ Thứ Sáu rồi
hình thành nên ‘khu hoạ sĩ’.
Áp mái tòa nhà gạch ba tầng thấp tịt, Sue và Johnsy có một xưởng vẽ.
Johnsy là tên gọi thân mật của Joanna. Một người từ Maine
đến, còn người kia đến từ California.
Họ gặp nhau tại Table d’hôte trong tiệm Delmonico trên phố Thứ Tám và
nhận thấy có cùng sở thích về nghệ thuật, về món salad rau diếp, về kiểu ống
tay áo ngoài rộng và hợp nhau đến nỗi kết quả là một xưởng vẽ chung ra đời.
Dạo ấy là vào tháng Năm. Tháng Mười Một, gã khách lạ chưa hề được thấy
mặt, lạnh lẽo, mà bác sĩ gọi là gã Viêm Phổi, rình rập đến khu họa sĩ, thỉnh
thoảng vươn những ngón tay lạnh buốt của mình chạm vào ai đó. Khắp mạn Ðông, kẻ
hủy diệt ấy hùng dũng bước đi, quật ngã hàng chục nạn nhân; nhưng khi qua những
‘biệt khu’ đầy rêu và những con phố hẹp loằng ngoằng, bàn chân gã bước đi dè
dặt.
Ngài Viêm Phổi không thuộc hàng chính nhân quân tử. Một phụ nữ mảnh
mai, máu kiệt dần bởi những cơn gió Tây miền California khó có thể là đối thủ
chính đáng của gã đần có nắm đấm đỏ, thở dốc, già nua kia. Nhưng gã vẫn quật
ngã Johnsy; cô nằm, hầu như không động đậy trên chiếc giường sắt sơn của mình,
nhìn qua những ô kính cửa sổ nhỏ kiểu Hà Lan lên bức tường trống trơn của ngôi
nhà gạch đối diện.
Sáng nọ, ông bác sỹ có đôi mày rậm, đốm bạc gọi Sue ra hành lang.
- Ta có thể nói cơ hội sống của cô ấy chỉ còn lại một phần mười, - ông
nói khi lắc nhiệt kế để thuỷ ngân hạ xuống. - Nhưng cái phần đó còn phụ thuộc
vào việc cô ấy có muốn sống nữa hay không. Cái kiểu con người cứ sắp hàng bên
cạnh ông chủ nhà hòm như thế thì thuốc men cũng chẳng có nghĩa lí gì. Cô bạn bé
nhỏ của cô đã nghĩ rằng mình sẽ không bình phục nữa. Cô ấy có điều gì vướng mắc
trong đầu không?
- Bạn ấy - bạn ấy mong ước có ngày vẽ được vịnh Naples, - Sue đáp.
- Vẽ ư? Hừ! Cô ấy không có điều gì đáng để bận tâm gấp bội lần hơn ư? -
một chàng trai, chẳng hạn?
- Một chàng trai à? - Sue nói, cao giọng như thể tiếng đàn chợt buông
dây. - Một người đàn ông thì tốt ư? Nhưng, không, thưa bác sỹ, không có chuyện
đó đâu.
- À, vậy ra chỉ tại yếu thôi, - bác sỹ nói. - Tôi sẽ cố hết sức chữa
chạy bằng tất cả vốn liếng y học của mình. Nhưng một khi bệnh nhận bắt đầu tính
có bao nhiêu xe dự tang lễ của mình thì tôi phải trừ đi năm mươi phần trăm công
hiệu cứu chữa của thuốc men. Nếu cô có thể làm cho cô ấy hỏi về những mốt mới
mùa đông, tay áo chẳng hạn, thì tôi chắc trong mười phần cô ấy đã khá lên hai
thay vì một như bây giờ.
Sau khi bác sĩ ra về, Sue vào phòng làm việc, khóc ướt đẫm cả chiếc
khăn Nhật. Rồi cô bình tĩnh mang bảng vẽ vào phòng Johnsy, miệng huýt sáo một
điệu nhạc Jazz.
Johnsy nằm, quay mặt về phía cửa sổ, tấm chăn trên người hầu như không
gợn vết nhăn nào. Sue ngừng huýt sáo bởi tưởng bạn đã ngủ.
Cô dựng bảng vẽ và bắt đầu vẽ bức minh họa cho câu chuyện tạp chí bằng
bút sắt. Những họa sĩ trẻ phải lát con đường đến nghệ thuật bằng các bức tranh
minh họa cho những truyện trên tạp chí do các cây bút trẻ đã lát xuống để đến
với văn học.
Khi Sue đang vẽ phác chiếc quần dài cưỡi ngựa trang nhã và chiếc kính
một mắt cho nhân vật chính của truyện, anh chàng cao bồi Idaho, thì cô nghe có
tiếng thì thầm lặp đi lặp lại nhiều lần. Cô bước vội đến bên giường.
Mắt Johnsy mở to. Cô đang nhìn ra cửa sổ và đếm - đếm lùi lại.
- Mười hai, - cô đếm, ngừng một lát, - ‘mười một’, rồi ‘mười’, ‘chín’;
rồi gần như cùng một lúc ‘tám’ và ‘bảy’.
Sue lo lắng nhìn ra ngoài của sổ. Ðếm cài gì ở ngoài đó? Trong tầm mắt
chỉ có một cái sân trơ trụi, ảm đạm và bức tường trống trơn của ngôi nhà gạch
cách chừng sáu mét. Một dây trường xuân già, rất già, gốc cong queo và mục nát,
leo đến giữa bức tường gạch. Hơi thở lạnh lẽo của mùa thu đã bứt lá của nó ra
khỏi thân cho đến lúc chỉ còn trơ đám cành cây gần trụi hết lá bám vào những
viên gạch nẻ sứt.
- Cái gì vậy hả bạn? - Sue hỏi.
- Sáu, - Johnsy nói như thể là tiếng thì thào. - Giờ thì chúng rụng
nhanh hơn. Ba hôm trước phải gần cả trăm. Nó làm đầu mình phát đau lên khi đếm.
Nhưng bây giờ thì dễ rồi. Một chiếc nữa đã đi. Giờ chỉ còn năm.
- Năm cái gì hả bạn? Nói cho Sudie của bạn biết đi.
- Những chiếc lá. Trên cây trường xuân. Khi chiếc cuối cùng rơi, chắc
mình cũng ra đi. Mình biết điều đó đã ba ngày nay. Bác sĩ không nói gì với bạn
sao?
- Ồ, mình không nghe những chuyện nhảm nhí như vậy đâu, - Sue trách với
vẻ ân cần quả quyết. - Mấy chiếc lá trường xuân già đó thì có liên quan gì đến
việc bạn bình phục kia chứ? Tại bạn quá yêu các dây leo ấy, thế đấy, bạn hư
quá. Ðừng có nói dại nữa! À, sáng nay bác sỹ bảo mình rằng cơ hội bình phục
nhanh của bạn là - để mình nhớ chính xác lời ông ấy - ông nói cơ hội chiếm đến
chín phần mười! À, đấy là cơ hội gần chắc chắn như khi chúng ta đi ô tô hay đi
bộ vượt qua một tòa nhà mới ở New
York. Bây giờ hãy cố ăn tí cháo và để Sudie quay lại
với bức vẽ, có thế thì bạn ấy mới có thể bán cho người biên tập rồi mua rượu
vang port cho cô bé ốm yếu của bạn và lườn lợn cho cái bụng háu ăn của bạn ấy.
- Bạn không cần phải mua rượu vang nữa đâu, - Johnsy nói, mắt vẫn nhìn
ra ngoài cửa sổ. - Một chiếc nữa rơi rồi. Không, mình không muốn ăn cháo tí
nào. Chỉ còn bốn chiếc lá. Mình muốn xem chiếc cuối cùng rụng trước khi trời
tối. Rồi mình cũng sẽ đi theo.
- Bạn Johnsy yêu quý ơi, - Sue cúi người xuống nói, - bạn có hứa với
mình là sẽ nhắm mắt và không nhìn ra ngoài cửa sổ cho đến khi mình làm xong
việc không? Mình phải nộp mấy bức này vào ngày mai. Mình cần ánh sáng, nếu
không thì mình đã buông rèm xuống.
- Bạn không thể vẽ ở phòng khác sao? - Johnsy hờ hững hỏi.
- Mình thích ở đây, bên bạn, - Sue đáp. - Hơn nữa mình không muốn bạn
cứ dán mắt vào những chiếc lá trường xuân ngớ ngẩn ấy.
- Khi nào bạn xong thì báo ngay cho mình nhé, - Johnsy nói, nhắm mắt
lại và nằm im, tái nhợt như một pho tượng đổ, - bởi vì mình mình muốn xem chiếc
lá cuối cùng rụng. Mình mệt mỏi vì chờ đợi. Mình rã rời vì suy nghĩ. Mình muốn
tháo tung mọi thứ ràng buộc và dong buồm lướt đi, lướt đi tựa như một trong những
chiếc lá mòn mỏi đáng thương kia.
- Hãy cố ngủ đi, - Sue nói. - Mình phải mời ông lão Behrman lên làm mẫu
bức người thợ mỏ già khắc khổ. Mình sẽ đi một chốc thôi. Ðừng cố di chuyển cho
đến khi mình quay lại.
Ông lão Behrman là họa sĩ sống ở tầng trệt bên dưới nhà họ. Lão đã
ngoài sáu mươi, có bộ râu xoăn như bức tượng Moses của Michael Angelo, lượn như
tóc từ đầu của thần Satyr xuống thân hình một con quỷ nhỏ. Behrman không thành
công trong nghệ thuật. Ðã bốn mươi năm múa bút mà lão chưa hề chạm tới được gấu
áo Nữ thần của mình. Lão luôn ấp ủ ý định vẽ một kiệt tác, nhưng vẫn chưa bắt
đầu. Suốt nhiều năm nay, lão chẳng vẽ được gì ngoại trừ thỉnh thoảng làm mấy
đường quảng cáo hay chào hàng. Lão kiếm được ít tiền bằng cách ngồi mẫu cho mấy
nghệ sĩ trẻ trong khu ‘hoạ sĩ’ ấy, những người không đủ tiền thuê người mẫu
chuyên nghiệp. Lão uống gin quá độ, nhưng vẫn nói về kiệt tác sắp vẽ của mình.
Còn những lúc khác, lão là một lão già nhỏ thó hung tợn, luôn chế nhạo tính nhu
mì của bất kì ai và luôn tự xem mình như loại khuyển đặc biệt, canh phòng bảo
vệ hai nghệ sĩ trẻ ở xưởng vẽ bên trên.
Sue tìm thấy lão Behrman nồng nặc mùi rượu dâu nặng trong cái hang mờ
tối của lão bên dưới. Trong góc phòng, một tấm vải trống, căng sẵn trên giá,
vẫn đợi suốt hai mươi lăm năm nay chờ nét vẽ đầu tiên của bức kiệt tác. Cô kể
cho lão nghe ý nghĩ lạ lùng của Johnsy và cái cách bạn ấy thực sự đuối đi, sắp
lìa tung như một chiếc lá bay xa khi sự níu giữ mỏng manh của bạn ấy với thế
giới này ngày một yếu hơn.
Lão Behrman, đôi mắt đỏ ngấn lệ, oang oang biểu lộ sự khinh thường và
công kích của mình trước chuyện tưởng tượng ngu ngốc như thế.
- Chà! Trên thế gian này còn có người ngốc đến độ muốn chết vì những
chiếc lá lìa xa cái dây leo dớ dẩn kia ư? Ta chưa bao giờ nghe chuyện nào như
thế cả. Không, ta sẽ không ngồi làm mẫu lão già đần độn khắc khổ ù lì của cô
đâu. Sao cô lại để cái chuyện ngu ngốc ấy chui vào óc của cô ta? Ôi, tội nghiệp
thay cho Johnsy bé bỏng.
- Bạn ấy ốm yếu lắm, - Sue nói, - và sốt đã làm đầu óc bạn ấy đâm bệnh hoạn,
đầy rẫy những ý tưởng hoang đường. Thôi được, bác Behrman à, nếu bác không ngồi
mẫu cho cháu thì cũng chẳng sao. Nhưng cháu nghĩ bác là một lão già cục cằn, ba
hoa, lọm khọm.
- Cô đúng là đồ đàn bà! - lão Behrman hét lên. - Ai bảo ta không ngồi
mẫu? Ði nào. Ta đi cùng cô. Ta đã nói suốt nửa tiếng đồng hồ rằng ta sẽ làm mẫu
rồi cơ mà. Lạy Chúa! Ðây không phải là nơi để một người tử tế như cô Johnsy nằm
dưỡng bệnh. Hôm nào đó ta sẽ vẽ kiệt tác đó và tất cả chúng ta sẽ giã từ chốn
này. Lạy Chúa! Ðúng đấy.
Johnsy đang ngủ khi hai người lên gác. Sue kéo rèm xuống che kín cửa sổ
rồi ra hiệu cho lão Behrman sang phòng bên. Ở đấy, họ lo lắng nhìn ra cửa sổ,
về phía cây trường xuân. Rồi hai người im lặng nhìn nhau một lát. Một cơn mưa
lạnh, dai dẳng lẫn với tuyết đang rơi. Vận chiếc sơ mi xanh cũ, Behrman ngồi
trên cái ấm lật úp, giả làm hòn đá trong tư thế người thợ mỏ khắc khổ.
Sáng hôm sau, Sue thức giấc sau khi chợp mắt được một tiếng đồng hồ, cô
bắt gặp đôi mắt mở to, vô cảm của Johnsy nhìn trân trân vào tấm rèm xanh nơi
cửa sổ.
- Kéo hộ nó lên đi; mình muốn nhìn, - cô thì thào giục.
Sue miễn cưỡng nghe lời.
Nhưng, kìa! Sau một đêm mưa quật, gió mạnh lồng lộng không ngớt, trên
bức tường gạch kia chiếc lá trường xuân vẫn đứng nương vào vách. Ðấy là chiếc
lá cuối cùng. Vẫn xanh thẫm nơi gần cuống lá, nhung quanh rìa đã ngả màu vàng
sẫm và hư hoại; chiếc lá vững chãi bám chắc vào cành cây cách mặt đất chừng sáu
mét.
- Ðấy là chiếc lá cuối cùng, - Johnsy nói. - Mình tưởng chắc nó đã rơi
đêm qua rồi. Mình nghe tiếng gió. Hôm nay chắc nó sẽ rơi và lúc ấy mình cũng sẽ
chết.
- Bạn yêu quý, - Sue nói, mặt hốc hác cúi xuống gối, - nếu bạn không
nghĩ về bản thân thì hãy nghĩ đến mình. Mình biết làm gì bây giờ?
Nhưng Johnsy không trả lời. Trên cõi đời này, cái cô độc nhất là một
linh hồn đang chuẩn bị sẵn sàng để đi xa trên hành trình bí ẩn của nó. Ý nghĩ
đó dường như chế ngự cô mạnh hơn khi từng tí, sợi dây ràng buộc cô với tình
bạn, với thế gian này đang chùng ra.
Ngày trôi qua và ngay đến khi trong ánh hoàng hôn họ vẫn còn thấy chiếc
lá trường xuân cô đơn bám chặt lấy thân cây tựa trên bờ vách. Và rồi khi bóng
đêm tràn đến, gió bắc lại lồng lên trong lúc mưa vẫn nặng hạt quật vào cửa sổ,
rơi xuống từ mái hiên thấp kiểu Hà Lan.
Lúc trời vừa hửng sáng, Johnsy tàn nhẫn yêu cầu kéo rèm lên.
Chiếc lá trường xuân vẫn còn đó.
Johnsy nằm nhìn nó hồi lâu. Lát sau cô gọi nhẹ Sue, đang nấu cháo gà
cho cô trên cái bếp ga.
- Mình đúng là đồ tệ thật, Sudie à, - Johnsy nói. - Cái điều đã khiến
chiếc lá cuối cùng kia nằm đấy đã cho mình thấy mình là kẻ nhẫn tâm như thế
nào. Muốn chết là tội lỗi. Bây giờ bạn cho mình xin một tí cháo, ít sữa có pha
tí rượng vang, và… khoan đã, đưa cho mình chiếc gương tay trước rồi sắp mấy cái
gối quanh mình, mình sẽ ngồi dậy xem bạn nấu.
Một giờ sau cô nói:
- Sudie à, hôm nào đó mình hi vọng sẽ vẽ vịnh
Naples.
Buổi chiều bác sỹ đến, khi ông về, Sue kiếm cớ để theo ra hành lang.
- Thoát rồi, - bác sỹ nắm bàn tay gầy guộc run run của Sue và nói. -
Bằng tài chăm sóc khéo léo, cô đã chiến thắng. Bây giờ tôi phải đi thăm một ca
khác ở dưới lầu. Behrman, tên ông ấy… tôi chắc đó là một nghệ sĩ. Cũng bị viêm
phổi. Ông ấy đã già yếu mà bệnh tình thì lại nguy kịch. Không còn hi vọng,
nhưng hôm nay ông ấy sẽ nhập viện để được chăm sóc kỹ càng hơn.
Hôm sau bác sỹ bảo Sue:
- Cô ấy đã qua cơn hiểm nghèo. Cô đã thắng. Bây giờ chỉ cần bồi dưỡng
và chăm sóc chu đáo, thế thôi.
Chiều hôm ấy Sue đến bên giường, nơi Johsy đang nằm bình thản đan nhì
nhằng chiếc khăn choàng len xanh thẫm và choàng tay ôm lấy người Johnsy với cả
đống gối.
- Mình có chuyện kể đây, chuột bạch này, - cô nói. - Hôm nay, bác
Behrman mất vì viêm phổi ở bệnh viện. Bác chỉ ốm có hai ngày. Sáng hôm đầu
tiên, người gác cổng đã thấy bác quằn quại đau trong phòng của bác nơi tầng
trệt. Giày và quần áo bác ướt sũng, lạnh băng. Họ không thể hình dung bác đã ở
đâu vào cái đêm khủng khiếp như thế. Rồi khi họ tìm thấy chiếc đèn lồng, hãy
còn sáng và cái thang đã bị kéo khỏi chỗ của nó, mấy chiếc bút lông vương vãi
và một bảng pha mầu với xanh vàng hòa lẫn, và… nhìn ra cửa sổ kia, bạn, chỗ
chiếc lá trường xuân cuối cùng ấy. Bạn không ngạc nhiên là tại sao nó chẳng hề
rung rinh hay di chuyển khi gió thổi? Ồ, bạn thân thương ơi, đấy là kiệt tác
của bác Behrman… bác vẽ nó ở đó vào cái đêm chiếc lá cuối cùng rơi.
3. Cảm nhận
Với tấm lòng bao dung rộng lớn, bác họa sỹ già Behrman đã cho ra đời
một kiệt tác bất tử với thời gian. Kiệt tác này chẳng những xuất phát từ sự an
nhiên, tự tại của người họa sỹ mà còn đem đến cho Johnsy một sự thật mà bản
thân cô ấy đã cố chấp từ bỏ.
Sinh, bệnh, lão, tử là bốn sự thật mà không ai có thể tránh khỏi trong cõi
nhân gian này. Vì thế, trên đường đời dù cho hoàn cảnh như thế nào ta cũng
phải vững tâm, tin vào bản thân mình và kiên trì cuối cùng thì sẽ đạt được
thành tựu viên mãn.
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống
trong đời sống, cần có một tấm lòng...”. Thật vậy, tuy người họa sỹ già
Behrman đã ra đi nhưng tấm lòng của người đã để lại cho đời là bất tử và tác
phẩm chiếc lá cuối cùng vẫn luôn
sống mãi cùng năm tháng.
Cuối cùng, xin mượn hai câu thơ của thi sỹ Bùi Giáng để kết thúc sự cảm
nhận của bản thân:
“Trong thực tại hãy tìm ra lẽ sống
Hẹn ngày mai đâu có được bao giờ”
[PUT ngày 08/9/2013]
I feel that is among the such a lot significant info for me.
ReplyDeleteAnd i'm happy reading your article. However wanna commentary on few
common issues, The web site style is great, the
articles is actually excellent : D. Excellent job, cheers