Saturday, July 27, 2013

MỘNG 2?…


Đời là mộng, ta đắm mình trong mộng.
Mộng là đời, ta sáng tỉnh chiều say.
Ngẫm trong cuộc thế hôm nay
Tỉnh say say tỉnh đời này phù vân.

                  [PUT ngày 27/7/2013]

Sunday, July 14, 2013

CHÚC MỪNG ANH

Anh về Chi cục quê ta
Hết giờ làm việc về nhà có em
Cây xoài, chiếc võng ru êm
Với làn gió mát, tình em ngọt lành.

Mừng anh thi đỗ công danh
Bao năm gắng sức nay thành tựu vang
Chúc mọi người hết gian nan
Chúc cho anh được vinh quang suốt đời.

                     [LTKT ngày 11/07/2013]

Sunday, June 30, 2013

Tửu ca

Vạn sự trên đời xuất phát không
Vẫn mong phút chốc hóa nên rồng
Tài hèn, trí đoản đành thôi vậy
Rong rủi giang hồ quên non sông.

Vạn sự trên đời có chi đâu
Vướng mắc thân tâm, uống rượu sầu
Đức sơ tài mọn đành lếu láo
Chén thù chén tạc suốt đêm thâu.

Vạn sự trên đời dễ đổi thay
Tiểu sự không sao, uống cả ngày
Khi cần giải quyết vung đao kiếm
Đại sự trong lòng sẽ thẳng ngay.

Vạn sự trên đời muôn vạn lối
Đời là giấc mộng chỉ vậy thôi
Say tỉnh tỉnh say, say rồi tỉnh
Rượu đến bên mình hãy nhấp môi.

Vạn sự trên đời tranh thấp cao
Vỗ ngực xưng danh đấng anh hào
Rượu vào lời ra rồi sẽ thấy
Xưa nay chân chính như trăng sao.

Vạn sự trên đời là thế đó
Tùy duyên đưa đẩy chớ nhỏ to
Rượu chẳng say người, người say rượu
Nhất tâm bất loạn ngủ khò khò.

                       [PUT ngày 30/6/2013]

Friday, June 28, 2013

Lan tỏa từ mô hình gia đình hiếu học

Gia đình hiếu học là hạt nhân của phong trào khuyến học tại địa phương. Trong những năm qua, phong trào xây dựng gia đình hiếu học ngày càng được mở rộng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, làm nền tảng bền vững, thúc đẩy phong trào xây dựng xã hội học tập phát triển.

Mỗi khi nhắc đến gia đình ông Phạm Chí Tưởng, xã Xuân Thọ 2, TX Sông Cầu, nhiều người không khỏi ngưỡng mộ trước cặp vợ chồng nông dân giàu nghị lực này. Sống dựa vào mấy sào ruộng, rẫy, vợ chồng ông Tưởng đã nuôi 6 người con ăn học thành đạt. Ông Tưởng tâm sự: “Ngày con trai đầu Phạm Quốc Trí thi đậu cả 2 trường đại học, chúng tôi lo nhiều hơn là mừng, vì không biết chạy tiền đâu ra để cho con thực hiện ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng. Cuộc sống khi đó rất khó khăn, đến miếng ăn còn vất vả, huống chi là cho các con học hành đến chốn. Nhưng vợ chồng tôi quyết không vì nghèo mà làm gián đoạn tương lai của con”.

Thương ba mẹ vất vả, nên các con của ông Tưởng luôn vượt khó học giỏi, yêu thương và đùm bọc nhau. Khi anh trai lớn ra trường, có việc làm, nuôi lại đứa em kề học đại học. Cứ thế, lần lượt 6 anh em ra trường và có việc làm ổn định. Hiện nay, con trai lớn Quốc Trí là Phó giám đốc một công ty xây dựng ở An Giang; con trai thứ hai là Quốc Dũng, tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh đang là Phó phòng một công ty bảo hiểm tại TP Hồ Chí Minh; con trai thứ ba Quốc Toàn tốt nghiệp Trường đại học Văn Lang đang công tác tại một ngân hàng chi nhánh TX Sông Cầu; con trai thứ tư Quốc Thắng tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Hà Nội, đang công tác tại Đắk Lắk; con gái Minh Phú tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, đang công tác tại một ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh; con gái út tốt nghiệp Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh, đang làm việc tại một công ty quảng cáo tại TP Hồ Chí Minh. Những năm tháng chịu gian khó, cực nhọc của vợ chồng ông Tưởng đã được các con đền đáp xứng đáng bằng bảng vàng thành tích học tập.

Tại xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, có một gia đình hiếu học khác cũng làm cho nhiều người nể phục. Đó là vợ chồng ông Huỳnh Gia Tùng, một gia đình nông dân nghèo khó nhưng có đến 5 người con thành đạt. Trong đó, có một người là thạc sĩ Toán học, 4 người còn lại đều tốt nghiệp đại học. Nhiều năm liền, gia đình ông đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” và “Gia đình hiếu học”. Còn tại xã An Cư, huyện Tuy An, gia đình ông Nguyễn Văn Tâm được biết đến với thành tích có 7 người con đậu vào các trường đại học. Sau khi ra trường, họ đều đảm nhận những vai trò quan trọng trong các công ty. Ông Tâm bộc bạch: “Tôi lớn lên trong một gia đình nghèo khó, phải bỏ học giữa chừng nên hơn ai hết, tôi biết việc học có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Vì vậy, tôi muốn đầu tư, tạo điều kiện cho các con học tập một cách tốt nhất. Từ năm 1987, tôi đã lần lượt gởi các con vào TX Tuy Hòa (nay là TP Tuy Hòa) để học. Nhờ có nền tảng kiến thức tốt, thái độ ham học, cộng thêm sự động viên từ ba mẹ, các con tôi đã có được kết quả mỹ mãn như hôm nay. Đây là một sự trả công xứng đáng cho sự vượt khó của vợ chồng tôi”.

Phó chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phạm Hữu Sen nhận xét: “Trong mỗi mái ấm gia đình, truyền thống hiếu học là một yếu tố rất quan trọng, tác động trực tiếp đến hành vi, lối sống và nhân cách của từng thành viên. Thật xúc động khi có nhiều gia đình hiếu học, dù gia cảnh rất khó khăn, thu nhập bấp bênh… nhưng vẫn quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, tạo điều kiện cho các con học hành thành đạt. Đây là một tín hiệu vui thúc đẩy và nhân rộng mô hình gia đình hiếu học hơn nữa. Tuy nhiên, để cuộc vận động gia đình hiếu học thực sự đi vào cuộc sống và mang tính bền vững, mỗi gia đình cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc động viên con em hiếu học, hướng tới xây dựng gia đình văn hóa, cộng đồng giàu mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển”.

                                                                                                    HÀ MY
                                                                                     (Nguồn baophuyen.com.vn)

Cảm hoài_Đặng Dung











 
Cảm hoài

Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chúa hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo, đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma

Dịch nghĩa:
Việc đời dằng dặc mà ta đã già, biết làm thế nào?
Trời đất mênh mông đắm trong cuộc rượu hát ca.
Khi gặp thời, người làm nghề hàng thịt, kẻ câu cá cũng dễ thành công,
Lúc lỡ vận, bậc anh hùng đành phải nuốt hận nhiều.
Giúp chúa, những mong xoay trục đất lại,
Rửa vũ khí không có lối kéo tuột sông Ngân xuống.
Thù nước chưa trả được mà mái tóc đã bạc sớm,
Bao phen mang gươm báu mài dưới bóng trăng.

Dịch thơ:

1. Bản dịch của Phan Kế Bính
Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng một cuộc say.
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.
2. Bản dịch của Tản Đà
Việc đời man mác, tuổi già thôi!
Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi
Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,
Tan tành sự thế luống cay ai!
Phò vua bụng những mong xoay đất,
Gột giáp sông kia khó vạch trời.
Đầu bạc giang san thù chửa trả,
Long tuyền mấy độ bóng trăng soi.
3. Bản dịch khuyết danh
Việc lớn chưa xong tuổi đã già.
Đất trời thu gọn, tiệc ngâm nga
Gặp thời, bần tiện thành công dễ
Lỡ vận, anh hùng dạ xót xa
Giúp chúa những mong xoay trục đất
Rửa dòng không lối kéo thiên hà
Quốc thù chưa trả đầu đã bạc
Mấy độ mài gươm bóng nguyệt tà.   
4. Bản dịch của Phạm Quốc Toàn
Tuổi già sức yếu biết làm sao?
Trời đất mênh mông chén rượu đào
Được thời bần tiện nên sự nghiệp
Thất thế anh hùng phải lao đao
Đội trời khuấy nước mong phò chúa
Đạp đất rẽ sông tỏ chí cao
Thù trả chưa xong đầu bạc sớm
Mài gươm dưới nguyệt lệ tuôn trào.

                                                                                       [PUT ngày 28/6/2012]